Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 4): Các dịch vụ mặt đất và liên kết giữa các hãng bay

VOVGT - Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong thời gian tới, hiện nay các cảng hàng không đã có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ mặt đất.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến thực trạng thiếu hụt nhân lực ngành hàng không, khi cung không đáp ứng đủ cầu. Nhất là khi ngành hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15% và được coi là một thị trường phát triển mạnh ở khu vực châu Á và Đông Nam Á.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong thời gian tới bên cạnh, công tác chuẩn bị về nguồn nhân lực, hiện nay các cảng hàng không đã có sự chuẩn bị như thế nào về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ mặt đất, đặc biệt khi Việt Nam có thêm hãng bay mới- Bamboo Airways.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong thời gian tới, hiện nay các cảng hàng không đã có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ mặt đất. Ảnh: Giao thông vận tải

>>> Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 1): Thiếu gần 1400 phi công

Theo Cục hàng không Việt Nam, khi ngành hàng không Việt Nam có thêm một hãng hàng không mới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ thực hiện việc đánh giá, tính toán nguồn nhân lực, các giám sát viên an toàn, và xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự trình Bộ GTVT phê duyệt.

Được biết, trong đợt kiểm tra của Cục hàng không Liên Bang Mỹ (FAA) vào tháng 8 vừa qua, Cục Hãng không Việt Nam đáp ứng đầy đủ về nguồn nhân lực theo kịp tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

Trong khi đó, đối với các hãng hàng không, để được cấp phép khai thác, các hãng hàng không phải chứng nh, giải trình cho Cục Hàng không Việt Nam về việc đáp ứng các yêu cầu về dịch vụ mặt đất cũng như nguồn nhân lực đủ trình độ để đảm bảo hoạt động khai thác, cũng như đảm bảo các hoạt động hàng không diễn ra an toàn, tuân thủ các quy định của Việt Nam và của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Hiện nay, các hãng hàng không có 2 hình thức là thuê dịch vụ mặt đất của các đơn vị được Cục hàng không Việt Nam cấp phép hoặc hãng tự xây dựng một số hoạt hoạt động cung cấp dịch vụ mặt đất.

Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không, thời gian qua, các cảng hàng không trên cả nước đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm cải thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ mặt đất. Đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vốn được coi là cửa ngõ hàng không quan trọng của thủ đô Hà Nội đã hoàn thành dự án nâng cấp toàn bộ nhà ga quốc nội T1 và được nghiệm thu vào ngày 31/8 vừa qua.

Theo lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sau khi cải tạo nâng cấp, hiện nhà ga T1 có 102 quầy phục vụ tại sảnh A, B và E; có thêm 17 cửa ra tàu bay… nâng công suất phục vụ hành khách lên 15 triệu hành khách/năm.

Hiện cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang tập trung sửa chữa 2 đường cất và hạ cánh 1A, 1B, đường lăn sân đỗ tàu bay, và đầu tư xây dựng sân đỗ số 15. Dự kiến đến ngày 15/11 tới, Cảng sẽ đưa vào khai thác, bổ sung thêm 16 vị trí đỗ máy bay, nâng tổng số vị trí đỗ tàu bay của cảng Nội Bài lên gần 100 vị trí, đảm bảo khai thác của các hãng hàng không hiện tại và sắp tới.

Ông Nguyễn Huy Dương- Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ về công tác chuẩn bị các dịch vụ tại cảng hàng không khi Việt Nam có thêm hãng bay mới:

 

"Cảng hàng không quốc tế Nội Bài luôn chủ động khảo sát, đánh giá thị trường đặc biệt là sự tăng trưởng của các hãng hàng không trong nước và quốc tế, trang bị đồng bộ để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. Về phía Cảng Nội Bài chúng tôi sẵn sàng cung ứng tất cả các dịch vụ đối với tất cả các hãng hàng không khi khai thác tại cảng Nội Bài. Chúng tôi cố gắng đảm bảo tốt các dịch vụ hàng không và phi hàng không. Bên trong nhà ga, chúng tôi đã hoàn thành việc cải tạo nhà ga T1 và mở rộng các khu vực. Tiếp theo là hệ thống trang thiết bị sẽ đảm bảo tốt cho việc khai thác của các hãng hàng không khi mà khai trương".

Khu vực check-in nhà ga T1 Nội Bài. Ảnh: cafef.vn

>>> Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 2): Bài toán nhân lực

>>> Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 3): Đào tạo nhân lực trong nước, đáp ứng đến đâu?

Bên cạnh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trong nửa đầu năm 2018, Nhà ga quốc tế mới của Cảng hàng không Cam Ranh cũng chính thức đưa vào khai thác vào tháng 6. Hiện, tại cảng này đang xây dựng và hoàn thiện để đưa vào khai thác thêm 1 đường cất hạ cánh mới, nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Khánh Hòa cũng như các tỉnh lân cận.

Đánh giá về khả năng cung ứng các dịch vụ mặt đất của các cảng hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường vận tải hàng không hiện nay, ông Võ Huy Cường- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết:

 

"Hiện nay, ở các đơn vị mặt đất, việc đầu tư trang thiết bị và con người dễ hơn cho nên họ luôn sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu mới về hoạt động khai thác kể cả khi có sự tham gia thị trường của các hãng hàng không mới. Thứ hai, các Cảng hàng không của chúng ta đang trong quá trình rà soát, tiến đầu tư nâng cấp mở rộng các dự án nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng của cảng hàng không sân bay. Cho đến bây giờ, về cơ bản vẫn đáp ứng được cái yêu cầu tăng trưởng của thị trường".

Tuy nhiên, ông Cường cũng nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không “nóng” như hiện nay, công tác giám sát an toàn khai thác được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đủ năng lực trình độ làm công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với an toàn tàu bay cũng như an toàn khai thác cảng hàng không sân bay để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia hàng không, khi thị trường hàng không Việt Nam có thêm một hãng bay mới, chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn nhất định về nguồn nhân lực hàng không. Đặc biệt, trong bối cảnh, công tác đào tạo phi công và nhân lực của ngành hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đủ nhu cầu và phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực nước ngoài.

Để giải quyết những khó khăn này, đảm bảo cho thị trường hàng không phát triển bền vững trong tương lai, ngoài việc thu hút nguồn vốn vào nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng hàng không, rất cần sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn vào lĩnh vực đào tạo nhân lực của ngành hàng không.