Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 3): Đào tạo nhân lực trong nước, đáp ứng đến đâu?

VOVGT - Theo nhiều chuyên gia, công tác đào tạo nhân lực ngành hàng không trong nước hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Công tác huấn luyện đào tạo nhân sự hàng không ở Việt Nam hiện không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ảnh: Toquoc.vn

Theo tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không dự báo sẽ tăng từ 2,9 tỷ trong năm 2012 lên thành 6 tỷ vào năm 2030. Với mức tăng trưởng này, số lượng máy bay thương mại sẽ tăng từ 62.000 chiếc như hiện nay lên 152.000 chiếc vào năm 2030.

Tổ chức này cũng đã chỉ ra sự thiếu khoảng 160.000 phi công, 360.000 nhân viên bảo dưỡng máy bay và 40.000 kiểm soát viên không lưu trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn từ 2010 - 2030. Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam trở thành khu vực chịu sự thiếu hụt nghiêm trọng nhất.

>>> Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 1): Thiếu gần 1400 phi công

>>> Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 2): Bài toán nhân lực

Nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã khẳng định rằng, công tác huấn luyện đào tạo nhân sự hàng không ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là nhân sự phi công, hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Theo ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng có số lượng phi công là người bản địa nhiều nhất khi chỉ phải thuê từ 25-30% phi công người nước ngoài. Trong khi đó, số lượng phi công là người Việt đang bay cho Vietjetair hay Jetstar Pacific chỉ từ 10-30%.

Ông Võ Huy Cường khẳng định:

 

"Có thể nói rằng lực lượng phi công là người Việt Nam điều khiển các tàu bay quốc tịch Việt Nam đang là không đủ, vì vậy các hãng đang phải thuê nhiều phi công quốc tịch nước ngoài".

Hàng không là một ngành đặc thù với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, vì vậy công tác đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này cũng có những nét đặc thù riêng. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên, phi công có kinh nghiệm chưa nhiều, cơ sở vật chất còn hạn chế dẫn đến công tác đào tạo nhân lực chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường hàng không hiện nay.

Ông Nguyễn Phúc Lân - giảng viên trường đào tạo Bay Việt cho biết thêm:

 

"Hiện nay, trường Bay Việt mỗi năm cung cấp từ 40 đến 60 phi công cho Vietnam Airlines. Hoạt động hàng không thực ra cũng là hoạt động giao thông nhưng với mức độ nguy hiểm rất lớn nên để có một nền hàng không tốt, phát triển lành mạnh thì yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Khi một xe gặp sự cố, người ta có thể dừng lại dọc đường để sửa chữa hoặc thậm chí là đổi xe khác nhưng với một chiếc máy bay đang bay thì không thể làm được việc đó, vì vậy vấn đề an toàn là rất lớn. Và để đảm bảo an toàn thì yếu tố con người chiếm tỷ lệ rất lớn trong việc đảm bảo an toàn. Do đó, vấn đề nhân lực luôn được đặt lên hàng đầu trong hoạt động hàng không".

Bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam thừa nhận, Học viện tuy có bước phát triển nhưng chưa đủ để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không nước ta. Nguyên nhân chủ yếu do giáo viên, thiếu cơ sở thực hành, bằng cấp trường cấp cho sinh viên không phải là chứng chỉ chuyên môn như yêu cầu của các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam thì hiện nay nước ta chưa có một trung tâm đào tạo phi công cũng như nhân lực kỹ thuật cao hoàn chỉnh. Mới chỉ có một vài cơ sở đào tạo về mặt lý thuyết rồi đưa sang các trung tâm đào tạo ở nước ngoài đã được Cục phê chuẩn chất lượng.

Ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục hàng không Việt Nam cho biết thêm:

 

"Hiện nay, ở nước ta có thể nói là chưa có một trung tâm huấn luyện phi công đầy đủ. Chúng ta chỉ mới đào tạo ở giai đoạn lý thuyết như trung tâm đào tạo Bay Việt. Ngoài ra, chúng ta đã có chủ trương xã hội hóa đào tạo nên đã có nhiều thanh niên Việt Nam đăng ký đi học tại các trung tâm đào tạo được Cục hàng không phê duyệt đạt tiêu chuẩn. Số lượng này cũng tương đối nhiều và là tiềm năng rất lớn để tiếp tục bổ sung các hoạt động bay của các hãng ở Việt Nam".

Để phát triển hoạt động hàng không, rõ ràng nguồn nhân lực kỹ thuật cao đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho các dịch vụ mặt đất cũng như tạo sự liên kết giữa các hãng bay cũng là yếu tố hết sức cần thiết. Nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo.