Những vấn đề của Hàng không khi có thêm hãng mới (Bài 1): Thiếu gần 1400 phi công

VOVGT - Sự phát triển “nóng” của hàng không đã tạo ra những áp lực về nguồn nhân lực, nhất là nguồn phi công vốn hoàn toàn phụ thuộc vào đào tạo tại nước ngoài.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm, hàng không Việt Nam được coi là một trong những thị trường phát triển mạnh khu vực châu Á và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” cũng tạo ra những áp lực đáng kể về nguồn nhân lực, nhất là nguồn phi công vốn hoàn toàn phụ thuộc vào đào tạo tại nước ngoài. Cùng với sự phát triển đó, việc ra đời thêm hãng hàng không mới – Bamboo Airways càng khiến việc khan hiếm phi công thêm trầm trọng.

Mờ đầu loạt “Hàng không Việt Nam với những vấn đề cần chuẩn bị khi có thêm hãng mới” là ghi nhận của phóng viên chương trình về sự thiếu hụt phi công gây áp lực cho vận tải hàng không.

Các hãng hàng không Việt Nam đang rất cần phi công. Ảnh: Người lao động

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong năm 2017, thị trường hàng không Việt Nam đã có sự phát triển ngoạn mục với mức tăng trưởng tới 17%, gấp hơn 2,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của thị trường hàng không châu Á (6,7%), đứng thứ 7 trong số các thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2013-2017.

Nếu xét ở tầm nhìn đến năm 2035, thị trường hàng không của Việt Nam được đánh giá nằm trong “Top 5” thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới. Theo các chuyên gia, đây vừa là cơ hội thuận lợi để hàng không Việt Nam tiếp tục “cất cánh”, nhưng cũng là thách thức không nhỏ mà ngành hàng không phải đối mặt.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, căn cứ theo kế hoạch phát triển đội máy bay của các hãng hàng không, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2.680 phi công thương mại. So với số lượng phi công hiện có, số lượng phi công cần bổ sung là gần 1.400 người.

Ông Nguyễn Lân - người có hơn 25 năm làm công tác đào tạo phi công của Vietnam Airlines và hiện đang công tác tại Trường đào tạo phi công Bay Việt cho biết, việc thiếu hụt phi công đối với thị trường hàng không Việt Nam là có thật. Theo ông Lân, với tốc độ phát triển của hàng không Việt Nam thời gan qua và mạng đường bay ngày càng mở rộng cùng với sự ra đời của các hãng hàng không mới như Bamboo Airways và tốc độ mua máy bay đòi hỏi số phi công ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Lân cho biết:

 

"Để có một nền hàng không tốt, phát triển lành mạnh thì yếu tố an toàn bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Ngay cả việc lái một chiếc ô tô, xe máy cũng phải coi trọng yếu tố an toàn. Với một cái xe nếu gặp sự cố dọc đường, người ta vẫn có thể dừng lại được hoặc đổi xe khác được, nhưng máy bay đang bay không thể làm thế được cho nên vấn đề an toàn là rất lớn. Mà để đảm bảo an toàn thì yếu tố con người chi phối rất lớn nên vấn đề nhân lực lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu trong lĩnh vực hàng không".

Còn nhớ, vào đầu tháng 10/2017, nhiều chuyến bay của Jetstar Pacific bị chậm, hủy chuyến do thiếu hụt phi công. Vietnam Airlines đã phải tăng cường các chuyến bay để khắc phục tình trạng này. Lý giải về tình trạng này, đại diện Jetstar Pacific cho hay, do tháng 9, tháng 10 là thời điểm thấp điểm nên hãng đã điều chỉnh lại tần suất khai thác, giảm số lượng chuyến bay trên một số tuyến bay nội địa, đồng thời, một số phi công của hãng liên tục bị ốm, cùng với máy bay phải thay thế thiết bị kỹ thuật, khiến một số chuyến bay thay đổi lịch, hủy cất cánh theo quy định an toàn.

Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường hàng không Việt Nam thời gian qua, việc thiếu hụt nguồn nhân lực phi công là điều tất yếu với tất cả các hãng hàng không Việt Nam.

Theo ông Châu, từ năm 1990 đến 2016, thị trường hàng không tăng trưởng gấp 81 lần về số lượng hành khách. Như vậy đòi hỏi chúng ta phải đào tạo một nguồn nhân lực đủ sức để đáp ứng nhu cầu đó. Theo ông Châu, đó là một thách thức rất lớn.

Ông Trần Quang Châu nói:

 

"Nguồn lao động một số được đào tạo cơ bản họ hết tuổi, họ nghỉ hưu, nhưng việc đào tạo tiếp theo của chúng ta còn vấn đề. Lâu nay được đào tạo theo các dự án, nhưng bây giờ các trường đại học không đủ điều kiện, Học viện Hàng không của chúng ta đào tạo không đủ sức được, trong khi gửi đi các nơi thì hoàn toàn dân tự lo. Chúng ta chưa dạy nghề bài bản như các nước được, mà toàn là lấy người của các trường về tự đào tạo lên, hơi chắp vá, chúng tôi gọi là manh mún".

Các ý kiến cũng cho rằng, áp lực về nguồn nhân lực sẽ càng thêm gay gắt khi Việt Nam chuẩn bị có thêm hãng bay mới - Bamboo Airways. Áp lực này không chỉ là nguồn phi công, mà cả các bộ phận khác. Những nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo.