Những nguồn sống bền bỉ

Trên hết, họ có một tấm lòng hướng thiện. Có những người khi đủ ngày, đủ điều kiện hiến máu luôn cảm thấy bứt rứt nếu không đi hiến. Có những người hiến máu thấy sức khỏe tốt lên, tâm trạng nhẹ nhõm, vui tươi, đã thuyết phục thêm vợ, chồng, con, cháu đi hiến máu.

Nhiều bệnh nhân cần tiểu cầu để truyền nếu không sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng (Ảnh NIHBT)

Nếu đã từng hiến máu tình nguyện, bạn có thể đã nhận được một tin nhắn từ các bệnh viện kêu gọi đi hiến tiểu cầu vì nhu cầu khẩn cấp để cấp cứu, điều trị.

Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu cần điều kiện sức khỏe nghiêm ngặt hơn, thời gian hiến lâu hơn (trung bình 1 tiếng để gạn tách đủ 1 đơn vị) nhưng lại có khoảng cách giữa 2 lần hiến ngắn hơn (chỉ khoảng 21 ngày).

Khối tiểu cầu được chỉ định truyền cho những người bệnh đặc thù, có tình trạng xuất huyết do giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu. Có những bệnh nhân chỉ cần được truyền 1 đơn vị, chỉ số tiểu cầu đã trở về trạng thái bình thường và tính mạng được đảm bảo.

Cùng với tính chất chỉ có thể bảo quản được trong 3-5 ngày, nên người hiến tiểu cầu trở thành người hiến máu thường xuyên và đóng vai trò rất quan trọng trong dịch vụ truyền máu.

Bạn từng nghe đâu đó có những người được tôn vinh vì hiến máu hàng trăm lần, mỗi năm hiến tới 13-14 lần, đó chính là những người hiến tiểu cầu.

Về nguyên tắc, khi một bệnh nhân nhập viện cần truyền máu, các bác sĩ sẽ thông báo cho gia đình bệnh nhân tìm người thân quen, kêu gọi cộng đồng có nhóm máu đã được chỉ định đến hiến máu để đảm bảo dự trù máu.

Nhưng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhu cầu sử dụng máu tăng hoặc nguồn cung giảm đột ngột nhiều lần, việc kêu gọi sự tự nguyện đơn lẻ rất khó khăn và không đảm bảo được yêu cầu cứu chữa người bệnh. Lúc này, việc tổ chức, huy động một lực lượng hiến máu thường xuyên là giải pháp bền vững.

Họ là những người sẵn sàng lên đường bất kể khoảng cách địa lý, thời gian ngày hay đêm, điều kiện thời tiết mưa bão để đến hiến máu, cấp cứu người bệnh. Họ sẵn sàng bỏ qua việc cá nhân, thời gian cho gia đình để dành 1 tiếng quý báu giúp đỡ những người hoạn nạn không quen biết.

Trên hết, họ có một tấm lòng hướng thiện. Có những người khi đủ ngày, đủ điều kiện hiến máu luôn cảm thấy bứt rứt nếu không đi hiến. Có những người hiến máu thấy sức khỏe tốt lên, tâm trạng nhẹ nhõm, vui tươi, đã thuyết phục thêm vợ, chồng, con, cháu đi hiến máu.

Những người hiến tiểu cầu là lực lượng hiến máu thường xuyên, đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ truyền máu tại nước ta

Nếu đến khoa hiến máu, Viện Huyết học truyền máu trung ương những ngày này, bạn sẽ cảm thấy ấm lòng trong cái rét ngọt đầu đông.

Ở góc phòng là chuyện một giáo viên mầm non đã hiến máu hơn 50 lần, chị hào hứng kể về những dự định sẽ tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, hiến trứng cho một gia đình hiếm muộn sinh cặp bé song sinh.

Kế bên là một anh công nhân công ty văn phòng phẩm với giọng nói đầy tự hào vì mang trong mình nhóm máu O+, nhóm máu chuyên cho đi. Anh bộc bạch, bị “nghiện” đi hiến máu vì chắc chắn ngoài xã hội bộn bề huyên náo kia, luôn có một ai đó cần đến máu của anh.

Ở góc khác của căn phòng là chuyện của hai bà cháu đi xe buýt từ Thanh Xuân lên Cầu Giấy hiến máu. Bà nằm hiến tiểu cầu, cháu gái 5 tuổi mắt tròn xoe nằm bên cạnh – Khung cảnh thật bình yên.

Là chuyện của hai vợ chồng với ánh mắt trìu mến, hạnh phúc khi cùng nhau đi hiến máu. Họ chẳng vì một lý do nào to tát, chỉ vì “có những người đang thiếu cái mà mình đang thừa”.

Khoảng 10 nghìn người đang tham gia vào lực lượng hiến máu thường xuyên ấy, với sự tự nguyện và tính trách nhiệm cao. Họ chính là nguồn sống bền bỉ cho những bệnh nhân cần máu.

Họ - Những hạt giống gieo niềm vui và yêu thương.