“Những ngọn núi” trong chuyển đổi số Logistics

Chuyển đổi số được coi là đòn bẩy cho ngành logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi số.

Ông Đinh Xuân Hợp, Giám đốc Công ty Logistic Chim bồ câu chi nhánh tại Hà Nội cho biết, đặc thù của các công ty Logistics thường làm việc với các đối tác nước ngoài, nên việc chuyển đổi số giúp ích rất nhiều trong việc quản lý, vận chuyển hàng hóa dọc đường, các công việc liên quan đến chứng từ.

Ngay từ năm 2013 – 2014, công ty đã cài đặt các ứng dụng để nhân viên xử lý các đơn hàng, thời gian sau đó bắt đầu triển khai thêm những server dữ liệu tập trung, xây dựng hệ thống thông tin nội bộ. Đặc biệt vào năm 2020, trong thời gian phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19, việc ứng dụng chuyển đổi số càng được công ty chú trọng nhằm tạo điều kiện cho nhân viên làm việc từ xa hoặc làm việc ở nhà, nhờ đó công việc không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, theo ông Hợp, để có thể ứng dụng chuyển đổi số ở cấp độ cao hơn, doanh nghiệp vẫn còn e ngại, bởi một số khó khăn: “Có một cái khó khăn trong chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nói riêng và tất cả các doanh nghiệp nói chung là sự thân thiện của các phần mềm hoặc là nền tảng sau khi đã chuyển đổi số.

Không phải là nhân viên nào cũng có thể thích ứng ngay được nghĩa là nhân viên mang tính thời vụ hoặc là những nhân viên làm công việc đơn giản như các lái xe, bốc xếp, giao hàng. Thứ hai nữa là chi phí. Ví dụ viết một phần mềm rất nhiều tiền rồi chi phí thuê server hoặc thuê nhân sự có khả năng về IT để họ có thể túc trực liên tục.

Những chi phí ấy cũng mang lại cho doanh nghiệp là một gánh nặng tương đối lớn, đòi hỏi về quy mô doanh nghiệp nó phải ở mức vừa phải thì họ mới duy trì được”.

Chuyển đổi số được coi là đòn bẩy cho ngành logistics. Ảnh: Người lao động

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần công nghệ Atalink nhận định, chuyển đổi số là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người để nhằm tạo ra nhiều giá trị mới. Có 4 mục tiêu chính của chuyển đổi số là giúp Thu hút Khách hàng; Tối ưu hóa hoạt động vận hành; Trao quyền cho nhân viên; và Chuyển đổi sản phẩm.

Chuyển đổi số trong Logistic nhằm đến các chủ thể như: Chủ hàng, hãng vận tải (các loại hình), cảng vụ, kho bãi, quản lý nhà nước. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Thế Hưng, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, hạng mục công việc phần lớn làm dịch vụ Logistics ở cấp độ 3, phần tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất. Xu hướng trên thế Giới đang đi theo hướng cấp độ 4, thậm chí cấp độ 5 nhờ áp dụng các công nghệ, bỏ qua trung gian và phát triển thương mại điện tử cùng với mạng lưới cung cấp số hóa.

“Một doanh nghiệp, một tổ chức, nếu người lãnh đạo, chủ tịch không quyết tâm chuyển đổi số thì stop ngay từ đầu, không bàn, không làm tiếp. Anh quyết tâm thì tôi mới đặt bút tôi làm. Rồi tư duy, phương pháp luận, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.

Trong thực trạng doanh nghiệp logistic Việt Nam liên quan tới mạng kết nối ngang hàng rất rộng, nhiều tầng, thì chúng ta bị tâm lý nói chung là tác động sâu sắc đến hành vi doanh nghiệp. Trong các tổ chức liên nh, liên kết rất khó, ai cũng sợ mất quyền lợi, sợ chịu nhiều trách nhiệm, ai phải bỏ ra chi phí, ai là chủ, ai cầm cái. Rất khó trong câu chuyện hiện nay”, ông Hưng nói.

Hệ thống băng chuyền chia chọn tự động với công suất tối đa 42.000 bưu phẩm/giờ, lớn nhất Việt Nam của Viettel Post.

Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data), bà Cao Cẩm Linh đã từng làm việc tại Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel đánh giá cao tầm quan trọng của đơn vị chiến lược, đặc biệt là về nhân lực, trong doanh nghiệp Logistics: “Có những vị trí rất hoang mang, lo sợ khi công nghệ 4.0, Big Data, AI, BlockChain thì có thể lao động một số ngành nghề sẽ biến mất. Nhưng thực ra điều đó không đúng, chúng ta đang chưa hiểu đủ, chính xác cách làm thế nào. Chúng tôi đang rất cần nhân lực chất lượng cao, có kiến thức để chúng tôi xây dựng ra được bài toán để máy học và hiểu. Đó chính là bài toán từ đơn vị xây dựng chiến lược”.

Trong khi đó, bà Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện kinh tế và kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương giới thiệu một số ứng dụng nổi bật trong Logistics hiện tại, gồm: Xe không người lái; Robot kho hàng; Thực tế ảo; Giao hàng theo yêu cầu; Giao hàng chặng cuối.

Bà Hương đánh giá, số lượng doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 chưa nhiều; doanh nghiệp hiện nay chỉ áp dụng phần mềm quản lý đơn lẻ cho từng bộ phận, giải pháp có tính tích hợp cao chưa phổ biến; Công nghệ tiên tiến được áp dụng manh mún, không mang tính hệ thống, theo nhu cầu của bộ phận nghiệp vụ.

“Cái khó khăn cũng gần như nhau, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thấy khó khăn nhiều hơn về vấn đề tài chính. Còn các doanh nghiệp nước ngoài họ thấy khó khăn về trình độ nhân lực. Tại thị trường Việt Nam, dường như họ không tìm được nguồn nhân lực sẵn sàng sử dụng các công nghệ, những người giúp chuyển đổi số suôn sẻ hơn”, bà Hương nói.

Chuyển đổi số được xem là phương thức hiện đại để kết nối giữa nhà sản xuất, người vận tải và người tiêu dùng tạo bước phát triển độ phá và tăng tính cạnh tranh trong ngành Logistic. Chiến lược chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ, mà còn là con người, tư duy, phương pháp, quy trình thực hiện, và văn hóa của một doanh nghiệp, tổ chức. Để chuyển đổi số doanh nghiệp thành công phải bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: Ai thực sự muốn chuyển đổi số?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu: “Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới, thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số”.

Thực chất, chuyển đổi số không chỉ là một khái niệm, nó còn là một quá trình “lột xác” dần dần tại các doanh nghiệp. Tuy không phải bắt buộc, nhưng nó lại là xu thế tất yếu của thế giới.

Một doanh nghiệp sử dụng các công cụ thủ công và phần mềm công nghệ cơ bản không thể cạnh tranh lại với những đối thủ đã sử dụng Máy học, Trí thông nh nhân tạo để xử lý được gấp hàng trăm, hàng nghìn lần các dữ liệu khách hàng.

Một doanh nghiệp giao hàng truyền thống sẽ không thể cải thiện thời gian xử lý đơn hàng tốt bằng một doanh nghiệp ứng dụng Dữ liệu lớn, Kiểm soát tháp điều khiển tới từng công đoạn thông qua smartphone, có hệ thống phần mềm liên thông được hàng trăm, nghìn kho bãi.

Một người chủ tịch, một vị lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay cũng không thể chỉ đạo nhân viên cấp dưới về chuyển đổi số, mà bản thân chưa thực sự muốn thực hiện, hoặc còn lơ mơ về vấn đề này.

Học và cập nhật liên tục – Đó là cách duy nhất để chiếm lĩnh kiến thức về chuyển đổi số.

Khi bản thân người đứng đàu đã hiểu và lên được lộ trình chuyển đổi số, các công đoạn được tính toán chi tiết về thời hạn, tiến độ, các doanh nghiệp sẽ không còn cảm giác “sợ” chuyển đổi số nữa.

Khó khăn về tài chính hoàn toàn có thể vượt qua nếu doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn, tìm được sự liên kết hợp tác với đối tác nước ngoài, nhà đầu tư quốc tế, hoặc hợp tác với nhà cung cấp giải pháp, mua lại các startup công nghệ.

Khó khăn về trình độ nhân lực công nghệ thông tin có thể tìm giải pháp ở các khóa đào tạo tại chỗ theo yêu cầu của doanh nghiệp, tìm kiếm nhân sự thông qua kết hợp các trường học, trung tâm đào tạo nghề, gửi nhân sự thực hành tại nhà trường, thực tập tại doanh nghiệp.

Nỗi sợ về việc đánh mất dữ liệu quan trọng, tuyệt mật khi tham gia vào chuyển đổi số là có thực. Nhưng khi quan tâm và đầu tư bài bản, một đơn vị có thể tự tin về mức độ bảo mật doanh nghiệp của mình thông qua việc xây dựng riêng một bộ phận công nghệ thông tin; xây dựng được chính sách bảo mật, thiết kế tài liệu hướng dẫn tới từng nhân viên.

Đồng thời, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, hệ thống máy tính chuyên dụng, mô hình mạng riêng biệt. Bên cạnh đó, nếu điều kiện chưa cho phép, doanh nghiệp có thể mua phần mềm hỗ trợ lưu trữ có tính năng bảo mật cao. Ngoài thị trường không thiếu những giải pháp.

Dĩ nhiên, mọi lý thuyết về chuyển đổi số đều là con số không, nếu chuyển đổi số không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng nếu chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực Logistics sẽ có cơ hội vươn lên nhanh chóng trong giai đoạn giao thời của cách mạng công nghệ.

Một số đơn vị đã trở thành hình mẫu, điểm sáng tác động tới cả các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng, hợp tác, liên kết, buộc các đơn vị này cũng phải chuyển đổi số để bắt kịp nhịp độ tăng trưởng và yêu cầu thực tiễn đề ra.

Vì vậy, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt, các ông chủ doanh nghiệp cần phải trả lời ngay câu hỏi “Bản thân họ có thực sự quyết tâm chuyển đổi số ngay hôm nay?”.