Những bất cập của ngành nước chỉ được giải quyết khi Luật Cấp thoát nước được ban hành

Trong khuôn khổ tuần lễ ngành nước Việt Nam 2023 vừa qua, một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm đó là ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia xoay quanh dự thảo Luật cấp thoát nước nhằm góp phần giải quyết những bất cập đang tồn tại của ngành Nước hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA).

Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA)

PV: Tuần lễ ngành Nước Việt Nam diễn ra trong bối cảnh còn nhiều thách thức, bất cập trong ngành Nước hiện nay, đặc biệt là Việt Nam đang phải đối diện với nhiều rủi ro trước vấn đề biến đổi khí hậu. Sự kiện mang lại ý nghĩa gì?

Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Biến đổi khí hậu diễn biến càng ngày càng theo chiều hướng xấu đi, các yếu tố diễn biến cực đoan của khí hậu ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cấp nước. Những yếu tố về lũ lụt, nước biển xâm nhập mặn làm cho các nhà máy nước thiếu nguồn nước để xử lý.

Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, sạt lở làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và mất khả năng cung ứng cho các nhà máy nước. Thực tế trong sự kiện lần này, nhiều nhà khoa học đã đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ền núi và các đô thị ở nước ta.

Vietnam Water Week 2023 được tổ chức với mong muốn là diễn đàn để các doanh nghiệp ngành Nước tập trung thảo luận những cơ chế, chính sách liên quan đến ngành Nước, những bật cập của ngành này trong thời gian qua, những khó khăn của các đơn vị cấp thoát nước cho khu vực đô thị và nông thôn, những cản trở trong chính sách, những khó khăn trong điều hành, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng tổ chức triển lãm gồm 200 gian hàng của các doanh nghiệp cung ứng vật tư thiết bị trong nước và trên thế giới. Những gian hàng mang đến những thiết bị công nghệ, kinh nghiệm xử lý nước và thu gom xử lý nước thải hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cấp thoát nước Việt Nam có cơ hội tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm quốc tế. Nhiều tham luận của các nhà khoa học đánh giá những bất cập, khó khăn trong thực tế khách quan và cả những yếu tố về biến đổi khí hậu liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh nước và thoát nước ở các đô thị Việt Nam

Gian hàng giới thiệu công nghệ ngành nước của Imagine H2O tại Tuần lễ Ngành Nước Việt Nam

PV: Tại sự kiện lần này, một trong những Hội thảo chuyên đề sôi nổi nhất thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia trong nước và quốc tế như Ngân hàng thế giới, ngân hàng phát triển châu Á (ADB)... đó là Hội thảo Dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Vậy khi Luật Cấp, thoát nước được đưa vào đời sống, những vấn đề nào của ngành Nước sẽ được giải quyết?

Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Thực tế hiện nay, ngành cấp, thoát nước chưa có một văn bản pháp lý để điều chỉnh, điều hoà các hoạt động cấp, thoát nước. Ngành cấp nước đang thực hiện theo Nghị định đã ban hàng cách đây hơn 15 năm. Việc ban hành Luật Cấp, thoát nước mới tạo ra cơ hội mới, điều kiện mới cho việc phát triển các doanh nghiệp.

Hiện nay, tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường rất thấp, trong khoảng hơn 12 triệum3 nước thải ra môi trường/ngày đêm trên cả nước hiện nay mới có khoảng 1,5triệu m3 được xử lý, phần còn lại đang xả thẳng ra môi trường.

Chúng ta rất cần một chính sách, thể chế rõ ràng để có cơ chế đầu tư, vận hành thu gom, xử lý lượng nước thải này thì mới đảm bảo được cho môi trường đô thị vào bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, Luật Cấp, thoát nước đề cập tới rất nhiều các vấn đề liên quan như quy hoạch, tài chính ngành nước, thể chế, mô hình và những vấn đề bức xúc của ngành Nước hiện nay.

Tôi hy vọng đến năm 2025, sau khi Quốc hội thông qua thì các doanh nghiệp cấp, thoát nước Việt Nam sẽ có cơ hội vận hành theo đúng quy định pháp luật, bên cạnh đó được Chính phủ hỗ trợ các cơ chế để các doanh nghiệp này đủ sức đáp ứng vươn lên, ứng dụng các khoa học công nghệ mới, đáp ứng đủ nước cho nhu cầu của người dân và sản xuất kinh doanh.

Các gian hàng triển lãm tại Tuần lễ ngành Nước 2023

PV: Cụ thể hơn nữa, những thách thức cốt lõi là gì?

Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Có rất nhiều vấn đề đặt ra. Chúng ta cần có hành lang pháp lý chặt chẽ. Thứ hai nữa là mô hình, chúng ta thực hiện cổ phần hoá hay mô hình nào đó phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hiện, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp ngành Nước đang bị dừng lại. Thực tế các doanh nghiệp này mang lại lợi ích tốt, tăng đầu tư, tăng chất lượng dịch vụ cấp nước cho người dân.

Bên cạnh đó, giá nước là một yếu tố hết sức quan trọng vì nước là một mặt hàng đặc thù.

Cụ thể, giá nước hiện đang áp dụng theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP “Giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”.

Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành điều chỉnh Thông tư số 44/2021/TT-BTC hướng dẫn khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

Tuy nhiên giá nước thực tế hiện nay ở nhiều nơi còn chưa được tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời các chi phí phát sinh để thực hiện các hoạt động như: thực hiện cấp nước an toàn, đấu nối và duy trì đấu nối, quản lý rủi ro, lợi nhuận... và việc điều chỉnh giá còn bị kéo dài. Các doanh nghiệp cấp, thoát nước cũng gặp nhiều khó khăn.

Còn một vấn đề nữa là giá dịch vụ được các địa phương chậm xây dựng và ban hành, hiện mới có khảong 20/63 tỉnh, thành phố ban hành giá dịch vụ thoát nước.

Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, vùng phục vụ dự án, vùng phục vụ của các địa bàn cấp nước.... Những vấn đề này các Bộ ngành thảo luận tương đối kỹ và hy vọng sẽ được đưa vào trong Luật Cấp, thoát nước thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!