Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: Sau 35 năm, trở lại thời tem phiếu

Khắp mạng xã hội đâu đâu cũng thấy mọi người khoe ảnh chụp tem phiếu bởi sau 35 năm, người dân đô thị như được trở lại thời bao cấp ngay trong “thời Covid”:

Từ ngày 27/7, nhiều phường tại quận Tây Hồ, Hà Nội đã áp dụng việc kiểm soát lượng người đi chợ, đi làm tại các vườn đào bằng tem phiếu siết chặt công tác phòng chống dịch.

Tiếng loa cầm tay, xôn xao chợ

Chị Trần Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Yên Phụ cho biết, mỗi phường trong quận có quy cách in mẫu phiếu, màu sắc ngày chẵn, lẻ khác nhau:

"Mỗi địa phương có hình thức phát phiếu đi chợ khác nhau. Phiếu đi chợ của Yên Phụ dân đều thấy khoa học. Một hộ nhận được 4 phiếu, mỗi phiếu cách nhau 3 ngày. Trong một ngày chỉ có 4 tổ dân phố được đi chợ thôi. Dân chủ động thì lên danh sách mua hàng đỡ đi ra đi vào", chị Vân Anh nói.

Dù UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ngành Công Thương nghiên cứu mẫu phiếu đi chợ thống nhất áp dụng trên toàn thành phố, nhưng cuối cùng mỗi địa phương vẫn tự thiết kế mẫu riêng. Tại TPHCM, người dân còn được cấp thẻ ghi toàn bộ thông tin cá nhân và mã QR định danh để đi chợ.

Tùy từng khu vực, thẻ đi chợ sẽ có hiệu lực tại một chợ duy nhất hay các chợ trong địa bàn quận. Chị Phạm Kim Phượng, sống tại quận Đống Đa cho biết: "Khu nhà em thẻ có hiệu lực cả đi chợ và siêu thị. Nếu đã đi chợ thì không đi siêu thị. Quận em có 8 chợ, phiếu sử dụng cho 8 chợ đó, sang phường khác bình thường".

Thẻ đi chợ luân phiên được phường Nhật Tân phát tận hộ gia đình, áp dụng từ 27/7. Ảnh: Vnexpress

Sau gần một tuần thực hiện, những bất cập từ việc sử dụng phiếu đi chợ đã bộc lộ. Người dân mất phiếu, hỏng phiếu, lỡ quên ngày đi chợ, có phiếu nhưng đợi quá lâu, rồi mượn phiếu, đảo phiếu cho nhau... gây xáo trộn sinh hoạt thường ngày.

Chị Trịnh Thu Hằng ở Hà Đông, Hà Nội thấy khá bất tiện khi sắp xếp được thời gian đi chợ: "Rất khó trong việc đi chợ trong buổi sáng vì vẫn phải dậy sớm, chuẩn bị ăn sáng, tới cơ quan thời gian cập rập chứ không như đợt trước trữ sẵn đồ ăn mua từ sáng hôm trước".

Theo lời kể của người dân tại quận Bình Tân, TPHCM, ngày 1/8, trong hẻm có cả trăm người sinh sống nhưng 2-3 phòng trọ mới được phát chung một phiếu đi chợ 1 lần trong tuần. Nhiều hộ cạn kiệt thực phẩm nhưng không có phiếu đi chợ để mua sắm.

Trong khi tới 5/8, một số người dân tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng chưa được phát thẻ, dù đã có thông báo: "Chỗ tôi có gần 900 căn hộ nhưng phường phát cho 200 phiếu phân bổ cho từng tòa thì không biết bao giờ lượt. Thấy bảo phải đăng ký thông tin, một nhà trong tầng đi hộ các nhà còn lại nhưng bất khả thi".

Người dân sử dụng phiếu đi chợ nhằm kiểm soát thời gian ra vào chợ. Ảnh: Lao động

Dù vẫn còn nhiều bất cập tại các địa phương khi áp dụng hình thức thẻ đi chợ “thời Covid”, song đó cũng là dịp khơi lại nhiều kỷ niệm thời kỳ tem phiếu cách đây 35 năm. Những tờ giấy đi đường, phiếu mua lương thực tưởng như đã trở thành quá khứ trong nền kinh tế thị trường nhưng bất chợt một ngày trở lại.

Dù giống, dù khác với ông Nguyên, ở Yên Phụ, Hà Nội cũng đều là giai đoạn khó quên: "Định mức nhà bao nhiêu cân gạo, thịt, củi, lít dầu… đấy là thời bao cấp. Ngày xưa ngày nào đi cũng được nhưng có ít thôi cả nhà gộp vào được 3 cân thịt chia ra nay mua phiếu này mai mua phiếu kia. Chủ nhật mua cả nhà làm bún chả ngồi quạt. Còn phiếu đi trong thời Covid là người ta chia khoảng cách nay đi thì mai nghỉ. Gọi là kiểu hợp tem phiếu. Thời điểm đấy có khu cách ly hàng rào chẳng ra được, giờ sống chung với lũ".

Còn với những người trẻ như Lê Thủy Tiên ở Minh Khai, Hà Nội, có trải nghiệm mới hình dung phần nào khó khăn cuộc sống cách đây 35 năm để trân trọng hơn cuộc sống thường ngày: "Mình được nghe người lớn kể nhiều về những ngày bao cấp, hầu hết mọi giao dịch từ nhu yếu phẩm, thực phẩm… đều thực hiện theo chế độ tem phiếu nhưng bây giờ mới được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm. Dù vừa qua là giai đoạn khó khăn do phải hạn chế ra ngoài, thay đổi lịch, lên kế hoạch để mua thực phẩm nhưng cũng đáng nhớ. Chắc mình phải lưu lại để sau này kể cho con cháu nghe".

Trải nghiệm thì lạ nhưng chắc chắn không ai muốn kéo dài lâu tình cảnh ra tới chợ phải chấp hành hàng tá quy tắc rườm rà. Và nhất là khi, người ta được nếm thử hương vị của sự tự do đi lại, mua sắm, “bớt một thêm hai” cho xôm ở chợ, chỉ mong thời kỳ đi chợ tem phiếu “một qua” không trở lại./.