Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: Doanh nghiệp vận tải, sức bật mới từ đại dịch

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho hầu hết các loại hình vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thua lỗ triền miên. Thế nhưng trong khoảng xám đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm ra hướng đi mới, bứt phá trong phát triển vận tải hàng hóa - đưa l

Đồng thời mở ra nhiều phương thức vận tải mới đảm bảo thích ứng an toàn phòng chống dịch.

Trải lòng về năm 2021, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, đợt dịch bùng phát lần thứ tư khiến cho vận tải khách bằng đường sắt phải dừng 1 tháng 18 ngày - điều chưa từng xảy trong trong lịch sử ngành đường sắt hơn 100 năm qua.

Doanh thu vận tải khách chỉ đạt 19% so với năm 2019. Tuy nhiên, trước khó khăn đó, đường sắt đã chuyển hướng tập trung phát triển vận tải hàng hóa, đặc biệt là vận tải liên vận quốc tế Á-Âu. Nhờ đó sản lượng, doanh thu từ vận tải hàng hóa tăng 20% so với năm 2019. 

"Trước đây doanh thu chính của Tổng công ty đường sắt tàu khách chiếm khoảng 65-70%. Vì dịch bệnh nên phải cơ cấu lại việc đó, chúng tôi đã ra Nghị quyết 04 nâng cao năng lực vận tải đường sắt, đặc biệt là vận tải hàng hóa và chúng tôi xác định vận tải hàng hóa là mặt chính của vận tải đường sắt.

Bằng nhiều biện pháp vừa thắt chặt chi tiêu vừa tìm tòi cải thiện sản lượng doanh thu, nhất là vận tải hàng hóa, bức tranh có phần được cải thiện hơn, vừa tăng được doanh thu của vận tải hàng trong nước, vừa tăng được liên vận quốc tế, nhất là mở được tuyến vận tải từ VN đi thẳng Châu Âu", ông Mạnh tâm sự.

Cũng trong thời gian dịch bệnh, đường sắt Việt Nam đã triển khai phương thức vận tải khách mới, đó là vận chuyển nguyên khoang, nguyên toa hoặc nguyên đoàn tàu, giúp giữ an toàn phòng dịch tối đa cho hành khách.

Năm 2021, trước sự sụt giảm sản lượng và doanh thu chưa từng có của hàng không,  các hãng bay đã chuyển hướng sang vận tải hàng hóa, với sản lượng ước đạt gần 912 nghìn tấn, tăng  hơn 19% so năm 2020, riêng thị trường quốc tế tăng mạnh, với hơn 25%.

Đi đầu xu hướng chuyển dịch tăng thị phần vận chuyển hàng hóa, Hãng Hàng không quốc gia VN đã hoán cải 7 tàu bay thân rộng, 6 tàu bay thân hẹp để chở hàng. Nhờ đó, doanh thu vận tải hàng hóa năm 2021 của VNA đạt 7.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 41% doanh thu công ty mẹ và 27% doanh thu hợp nhất. Trước dịch, vận tải hàng hóa chỉ chiếm 9% tổng doanh thu.

Ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông, Vietnam Airline chia sẻ:

"VNA là hãng đầu tiên nhìn thấy trong nguy có cơ, hai năm qua chúng tôi cũng đã xây dựng được hơn 30 đường bay quốc tế thường lệ để chuyên chở hàng hóa. Trong tương lai, bên cạnh tiếp tục sử dụng đội tàu bay đã hoán cải, chúng tôi đang triển khai chuyển đổi thêm một số tàu thân hẹp thành tàu bay chở hàng chuyên dụng, để đảm bảo khả năng chất xếp hàng trên khoang khách, nhờ đó năng lực vận chuyển hàng sẽ tăng lên rất nhiều".

Sức bật của các doanh nghiệp hàng không còn thể hiện rõ nét ở việc, ngay trong năm khó khăn nhất, 2 hãng bay của Việt Nam chinh phục thành công đường bay thẳng tới Mỹ, hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ 20 năm bay thẳng tới thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Trong các loại hình vận tải, vận tải biển được xem là điểm sáng trong năm vừa qua, với tổng sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 156,5 triệu tấn; riêng sản lượng hàng container ước đạt 3,04 triệu Tiu (Teus), tăng 12% so với năm 2020.

Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, với đội tàu chiếm 1/4 đội tàu quốc gia, đơn vị đã tận dụng cơ hội thị trường, nâng cao hiệu quả khai thác, vì thế sản lượng tăng 21% so với kế hoạch.

Doanh nghiệp cũng đang tập trung phát tiển đội tàu vận tải container hiện đại, trọng tải lớn và vươn xa hơn, kết nối các cảng VN với các thị trường Âu Mỹ. 

"Tháng 11/2021 Tổng Công ty Hàng hải là đơn vị đầu tiên mở tuyến vận tải trực tiếp kết nối các cảng của VN đến với thị trường Ấn Độ, thông qua cảng Port Klang (Malaysia). Đây là một trong những tuyến nội Á đầu tiên sử dụng tàu của tổng công ty cũng như đặt tiền đề cho các tuyến dài. Bên cạnh đó, tổng công ty tiếp tục làm việc với một số đối tác là đại diện các chủ hàng lớn trên thế giới, với chuyến đầu tiên từ Cảng SP-PSA chúng tôi đã tham gia thuê trực tiếp 1 con tàu, kết nối thẳng từ Cảng SP-PSA (Cái Mép – Thị Vải) sang Cảng Everest (Mỹ)", ông Trung cho biết.

Hiện có tới 90% hàng hóa xuất nhập khẩu đi và đến Việt Nam do các hãng tàu nước ngoài chuyên chở. Vì thế đây là cơ hội để DN trong nước giành lại thị phần, phát triển các tuyến tàu trực tiếp từ VN sang Mỹ và cũng là giải pháp mới cho các nhà xuất nhập khẩu VN, giảm cơn khát container, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa VN.