Nhân viên công vụ và bia rượu (Bài 3): Sếp phải 'đỏ mặt' nếu để nhân viên say xỉn

Đã đến lúc không thể nhắc nhở suông, kêu gọi suông. Muốn chấm dứt tình trạng cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) say xỉn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, phải “nắm người có tóc”.

Trước những hậu quả nghiêm trọng từ các vụ TNGT do bia rượu gây ra và tình trạng viên chức có hơi men trong giờ làm, nhiều người dân cho rằng, cần làm chặt chuyện này, cấm triệt để bia rượu trước, trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa.

Nhưng cấm là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác.

Đã có rất nhiều vụ TNGT để lại hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ rượu bia. Ảnh nh họa

Uống vì bạn, vì khách,  và…vì sếp

Lý giải về nguyên nhân CBCCVC uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa vẫn còn phổ biến, dẫn đến các ứng xử và hành vi thiếu chuẩn mực, chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, đó một phần do sự chi phối của tập quán văn hóa.

“Gặp gỡ, trao đổi thông qua chén rượu, chén trà đẻ thêm hiểu biết và gắn chặt công việc. lâu dần thành thói quen, thậm chí bị lạm dụng, trở nên không còn phù hợp với pháp luật, với đời sống văn hóa mới. Hàng quán bia rượu xuất hiện nhan nhản khắp nơi cũng là một điều kiện để những thói quen này duy trì và nở rộ.”, ông Trung nói.

Theo PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, có lý do từ môi trường làm việc, môi trường xã hội lẫn những sự chưa chặt chẽ, thiếu cương quyết của quy định. Còn về phía viên chức, “trong cuộc sống không ít thì nhiều có nhiều lúc người ta thấy cần sử dụng rượu bia để thể hiện sự phấn khích, vui mừng, gặm nhấm nỗi buồn, vuốt ve an ủi. Lâu nay trong văn hóa của người Việt người ta thường tìm đến rượu bia để giải sầu.

Từ góc nhìn tâm lý giới, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội chia sẻ kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn nam giới được hỏi nói rằng, nếu không uống thì sợ mất quan hệ, sợ khó bàn công việc, sợ ảnh hưởng không khí chung. 

Ngoài ra, theo TS. Hồng, còn do họ chịu áp lực từ.. sếp. “Trong nghiên cứu của chúng tôi, họ nói rằng lãnh đạo uống rượu thì họ cũng phải uống. Thậm chí lãnh đạo còn chỉ đạo là cậu phải tiếp rượu cho anh này, anh kia. Thế thì làm sao giải quyết được chuyện này”

Vậy những người trong cuộc, điều gì khiến họ vẫn uống bia rượu trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa, đôi khi tới mức quá chén?

Một số viên chức đã chia sẻ thật lòng:

“Với những đối tác mà họ bắt buộc uống rượu thì có khi cả tuần liền đều uống nhưng có những người họ không uống rượu thì cả tháng trời mình cũng không phải uống.”

“Thực ra có nhiều lý do, như sinh nhật một đồng chí đồng nghiệp trong cơ quan, hay ai đó có việc mừng, hoặc có thể liên quan tới công việc hoặc để kết nối những người bạn với nhau”.

“Đôi khi vào những dịp như 8.3; 20.10 hay dịp Lễ Tết thì có khi cả  cơ quan cùng đi liên hoan với nhau vì buổi tối nhiều người bận việc gia đình nên các buổi liên hoan thường tổ chức vào buổi trưa. ví dụ mình có tiếp khách hay làm việc với đối tác mà họ ở xa đến thì buổi trưa mình mời cơm họ để tiện công tác buổi chiều thì có thể uống  1,2 chai bia”

Những viên chức này cho hay, nếu bị CSGT phát hiện lái xe trong trạng thái có men, đa số họ chấp hành nộp phạt và “xin” không thông báo về cơ quan. Điều này cũng một phần lý giải vì sao, khâu xử phạt thường chỉ dừng lại ngoài đường.

Nhân viên nhậu trong giờ làm, tại nơi làm việc người đứng đầu cơ quan có thể bị phạt 5 triệu đồng. Ảnh nh họa: Ngọc Dương

Ai nắm người “có tóc”?

Để thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, NĐ 100 cũng như NĐ 117 vừa ban hành, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, cần đưa vào nội dung đánh giá, bình xét nghiêm túc chuẩn chỉ của đơn vị hàng năm, chứ không chỉ nói chuyện bằng tình cảm.

Theo ông Trung, phải có những biện pháp ngăn chặn và xử lý rất là kịp thời, trực tiếp chứ không chỉ là tuyên truyền, vận động nữa. “Cần kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nhiều lần quy định này , không để cho làm việc ở những vị trí tiếp dân, không cho vị trí quan trọng để làm giấy tờ, hồ sơ, biên bản. Phải có lực lượng giám sát, giải quyết vi phạm ở mỗi cơ quan đơn vị, nếu muốn quy định đi vào cuộc sống”

Những chế tài mạnh cần có, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, cần phải đánh và danh dự, vào kinh tế, và phải xử lý công bằng với tất cả mọi vị trí từ thấp đến cao, không thể nhân viên vi phạm thì xử lý còn sếp vi phạm thì “rung đùi”.

Quy định đã khá đầy đủ, nhưng để thực thi, theo PGS Trịnh Hòa Bình, phải nắm “người có tóc”. Người đứng đầu mỗi cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm để CBCCVC uống rượu bia trong ngày làm việc. Câu chuyện lúc này có tính chất ràng buộc cụ thể.”

Ngoài ra, cũng theo TS.Trịnh Hòa Bình, cần làm cho mỗi viên chức ý thức sâu sắc để vận dụng văn bản luật, quy tắc ứng xử trong vấn đề sử dụng rượu bia.

Đồng tình với biện pháp gắn trách nhiệm người đứng đầu, TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về việc giám sát thực thi, về xử lý ở cơ quan đơn vị đối với CBCCVC vi phạm bia rượu.

“Ngoài trách nhiệm của người đứng đầu là tất nhiên, cũng phải xem xét cả trách nhiệm những người liên đới”, ông Can bổ sung thêm.

Bên cạnh trách nhiệm giám sát, xử lý và nêu gương của người đứng đầu cơ quan đơn vị, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, cần tiếp tục tăng cường kỷ cương trong thực thi các quy định pháp luật, từ NĐ 100 trong xử lý vi phạm giao thông đến NĐ 117 về xử lý vi phạm y tế, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Công an, ngành Y tế với các cơ quan đơn vị quản lý CBCCVC, để hình thành nề nếp, ý thức chấp hành pháp luật, vì an toàn giao thông, văn nh công vụ.

Và, để không còn những tấm gương “lem nhem” của nhân viên công vụ trong văn hóa rượu bia./.