Nhà 'một cột' và gánh nặng đàn ông

Chính quan niệm về mẫu hình đàn ông đích thực kiểu truyền thống đó đã và đang đè nặng áp lực lên người đàn ông, khiến ngày càng có nhiều người rơi vào bế tắc, khủng hoảng, nếu không thể đạt được như hình mẫu.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội mới đây đã cho thấy, trong khi phụ nữ đang ngày càng thay đổi  tích cực, chủ động hơn thì đa phần đàn ông vẫn mặc định rằng, mình phải mạnh mẽ, phải kiếm nhiều tiền, phải có vị trí trong xã hội, và phải là trụ cột gia đình.

Chính quan niệm về mẫu hình đàn ông đích thực kiểu truyền thống đó đã và đang đè nặng áp lực lên người đàn ông, khiến ngày càng có nhiều người rơi vào bế tắc, khủng hoảng, nếu không thể đạt được như hình mẫu.

Định kiến “đàn ông phải thế nọ, phải thế kia” đã khiến đàn ông không có cơ hội được thất bại, được kém cỏi, trong khi cuộc sống luôn có vô vàn thách thức, khó khăn. Định kiến này khiến những người đàn ông luôn trong trạng thái gồng mình, căng sức. Họ không dám thừa nhận thất bại. Họ rất khó tìm được sự chia sẻ, đồng cảm hoặc hỗ trợ về mặt tâm lý nếu gặp phải những cú sốc lớn.

Với mặc định đàn ông là phải mạnh mẽ, mọi sự yếu đuối đều bị cố che giấu, đàn ông rất ít khi bộc lộ ngay cả với đồng nghiệp, bạn bè và người thân, họ cũng không thừa nhận những khoảnh khắc yếu đuối nhất thời nào đó của chính mình. Bởi thế, trạng thái trầm trọng, căng thẳng càng lún sâu và khó vượt qua.

Đây hoàn toàn không phải chuyện chỉ để nói chơi. Đã từng có những hiện tượng “tự biến mất” khỏi xã hội ở một vài quốc gia, nơi mà tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh, trong khi quan niệm về cái “danh” của người đàn ông còn quá nặng, khiến họ không chịu nổi áp lực khi khủng hoảng kinh tế, phá sản, mất việc làm. 

Hoặc, có những người chấp nhận sống hai cuộc đời, hàng ngày ra khỏi nhà và trở về với dáng vẻ đạo mạo hoành tráng như ông chủ, nhưng kỳ thực sống bằng nghề ăn xin, vì không kiếm nổi một việc làm cho xứng danh… “trụ cột”.

Xã hội nhân văn không để bất kỳ ai bị dồn đẩy vào con đường cùng quẫn, dù phụ nữ hay đàn ông. Mái ấm gia đình hiện đai không nên trông chờ vào duy nhất một trụ cột (cả về kinh tế và đời sống tinh thần), trừ khi không thể khác được. Vì thế, giải phóng đàn ông khỏi định kiến “trụ cột” nên được coi là một mục tiêu quan trọng của bình đẳng giới, và là thước đo sự tiến bộ của mỗi gia đình.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: