Nguy cơ tai nạn đường sắt từ xe quá khổ, quá tải

VOVGT-Những phương tiện có tốc độ di chuyển chậm đi qua đường ngang đường sắt, những đường ngang nhỏ hẹp cần báo trước cho ngành đường sắt để phối hợp, hỗ trợ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thiệt hại sau mỗi vụ tai nạn có thể lên tới hàng chục tỷ đồng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Nói về nguy cơ xảy ra TNGT giữa phương tiện đường sắt và phương tiện đường bộ, nhất là xe quá khổ, quá tải, xe có tốc độ di chuyển chậm như xe ủi, máy xúc, xe lu, ông Lại Anh Vũ, Phó trưởng Ban an ninh, an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do cấu tạo và tính năng của các phương tiện này là di chuyển chậm, nên khi gặp điều kiện hạ tầng như đường ngang không thông thoáng, nhỏ hẹp thì phương tiện thường phải loay hoay nhiều lần mới qua được.

Thông thường thời gian chiếm dụng đường ngang của những phương tiện này phải mất từ 2-7 phút. Tuy nhiên, tín hiệu cảnh báo tàu đến chi thông báo trước 1-2 phút, nên khả năng xảy ra TNGT khi các phương tiện này qua đường sắt rất cao.

Điển hình là vụ TNGT đường sắt xảy ra ngày 3/9/2017 tại lối đi dân sinh km 497 thuộc địa bàn xã Cự Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tàu Thống nhất SE 3 do một máy xúc đang cố tình vượt qua đường sắt.

>>>Thiệt mạng khi băng ngang đường sắt

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế máy xúc cố tình điều khiển phương tiện vượt qua đường sắt khi tàu đang đến và đã va vào tàu SE3. Hậu quả làm tài xế máy xúc, lái tàu và phụ lái tàu bị thương. 

Máy xúc bị hư hỏng hoàn toàn, đầu máy bị văng ra khỏi đường sắt, 1 toa tàu hàng và 1 toa tàu khách bị đổ nghiêng, làm hư hỏng nặng gần 70m đường sắt, gây gián đoạn tuyến đường sắt 785 phút, chậm 18 đoàn tàu. Ước tính thiệt hại với Tổng công ty đường sắt Việt Nam lên tới hơn 30 tỷ đồng.

Để ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra Bộ GTVT đã ban hành thông tư 62 quy định về việc phối hợp lưu thông cho phương tiện đường bộ qua đường ngang. Theo đó, người điều khiển phương tiện quá khổ, quá tải, phương tiện có tốc độ di chuyển chậm khi qua đường giao cắt với đường sắt phải phải thông báo với cơ quan quản lý, khai thác đường sắt để phối hợp hỗ trợ.

Khi đó, ngành đường sắt sẽ tổ chức phòng vệ, báo cho các ga liền kề nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông.

Cần có sự phối hợp giữa chủ phương tiện và ngành đường sắt để không còn xảy ra những tai nạn đáng tiếc (Ảnh: Tuổi trẻ)

Về điều này, ông Lại Anh Vũ cho biết: "Lý do cơ bản, trong thông tư 62 năm 2015 của Bộ GTVT quy định, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trước khi đi qua đường ngang phải báo cho đơn vị quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để được hỗ trợ các biện pháp đảm bảo an toàn, nhưng thường hiện nay người điều khiển phương tiện giao thông không thực hiện quy định này. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn."

 

Thừa nhận thực tế này, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 6 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 157 km chạy qua 17 quận, huyện với tổng số 583 đường ngang hợp pháp và đường dân sinh.

Với mật độ giao cắt giữa đường bộ và đường sắt như vậy thì lưu lượng phương tiện qua lại khi nguy cơ xảy ra TNGT giữa phương tiện đường bộ và phương tiện đường sắt rất cao. Thống kê của Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 18 vụ TNGT giữa phương tiện đường bộ và đường sắt làm 18 người chết.

Mặc dù đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương, nhưng tình hình TNGT đường sắt vẫn diễn biến rất phức tạp.

>>>Tính khả thi của việc phạt nguội qua camera hành trình đường sắt

Đặc biệt, đối với người điều khiển xe siêu trường siêu trọng, xe quá khổ, quá tải lưu thông qua đường ngang giao cắt với đường sắt cũng có trường hợp do phương tiện đó có kích thước lớn, di chuyển qua đoạn giao cắt cần phải có nhiều thời gian.

Với những trường hợp này, nếu lái xe không chủ động trong việc chấp hành các quy định khi lưu thông qua đường ngang, quan sát đèn tín hiệu, không chủ động giảm tốc độ khi đến đường giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Một số trường hợp khi không thấy lực lượng chức năng thì còn có tình trạng vi phạm như vượt rào chắn, vượt đèn tín hiệu khi đã có sự cảnh báo. Những hành vi như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn mà khi đã xảy ra tai nạn thì hậu quả để lại về thiệt hại kinh tế, thiệt hại về con người sẽ vô cùng thảm khốc."

 

Do vậy, ông Hùng khuyến cáo, trước tình trạng giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt khá phổ biến, nguy cơ TNGT đường sắt luôn tiềm ẩn, người tham gia giao thông khi đến đoạn giao cắt với đường sắt thì cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, giảm tốc độ, quan sát hệ thống đèn tín hiệu, rào chắn, cần cảnh báo tự động để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.