Nguy cơ tai nạn do thiếu cọc phao neo đậu tàu thuyền trong mùa lũ

VOVGT - Các đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra hiện nay đang khiến mực nước sông dâng cao, làm gia tăng nguy cơ về tai nạn đường thủy cho các thuyền vận tải trên sông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trụ, cọc, phao neo - cứu cánh cho tàu, thuyền khi mưa bão bất ngờ

Trong mùa lũ, mực nước ở các sông dâng cao và dòng chảy xiết thực sự trở thành mối nguy hiểm lớn đối với các phương tiện đường thủy. Mặc dù đã có nhiều cải thiện trong những năm qua, tuy nhiên, hệ thống địa điểm neo đậu an toàn cho tàu thuyền của giao thông đường thủy nội địa nước ta vẫn được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này cộng với chất lượng phương tiện, dây neo hạn chế dẫn đến tình trạng tàu thuyền bị nước cuốn trôi tự do, gây TNGT, chìm đắm phương tiện liên tục được ghi nhận trong những năm qua.

Điển hình, vào mùa lũ năm 2014, hàng chục thuyền vận tải hàng hóa ở cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát và lối mở km 6, Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đã bị nước cuốn gây thiệt hại trên sông Hồng. Tương tự, năm 2016, một sà lan nặng 400 tấn cũng bị đứt neo, trôi tự do trên sông Tam Kỳ, va chạm với đường dây 220kV và uy hiếp cầu đường sắt vượt qua sông Tam Kỳ. Mới đây nhất, một tàu chở cát tông vào cầu Sông Hoàng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa do đứt dây neo vào ngày 22/7 vừa qua, khiến 2/3 cây cầu bị sập, hư hỏng nặng, tàu bị chìm dưới sông.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, thuyền trưởng thuyền vận tải 1200 tấn ở Hà Nam đã có những trao đổi với phóng viên Kênh VOV giao thông quốc gia về thực tế và nguyên nhân của tình trạng nêu trên. 

Nội dung cuộc trao đổi tại đây:

 

PV: Thưa ông, ông có ý kiến như thế nào về thực tế nhiều tàu thuyền vận tải bị đứt dây neo đậu, trôi tự do gây TNGT đường thủy trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Tuyến: Hiện tượng ở Lào Cai cũng là do làm hố thế trên bờ không tốt, nền đất không tốt, do mưa lũ sạt lở ở vị trí gần chỗ neo đậu tàu, cho nên dính tình trạng đã trôi là trôi cả một bè 4-5 cái. Thời gian tàu của chúng tôi đỗ ở Ba Kèo, Hải Dương cũng gặp phải tình trạng như vậy.

Vào mùa cạn, chúng tôi vẫn đỗ ở đó. Tuy nhiên, vào mùa lũ bị thay đổi vị trí dưới lòng sông. Thuyền trưởng và các anh em không thể biết được, vẫn buộc theo kinh nghiệm bình thường thì đang đêm bị bật hố thế. Chúng tôi chạy kiểm tra thì phát hiện nền đất rất yếu. Đấy là những cái xảy ra mà không thể nắm bắt trước được.

PV: Vậy theo ông, hệ thống neo đậu của giao thông đường thủy nội địa hiện nay ở nước ta đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?

Ông Nguyễn Văn Tuyến: Do hút cát, do có nhiều vật cản ở hai bên nên luồng lạch của dòng sông bị thay đổi liên tục, cho nên nhiều khi các thuyền trưởng dù rất dày dạn kinh nghiệm nhưng cũng rất lo sợ.

Đối với vấn đề neo đậu thì hiện nay rất ít chỗ neo đậu, đa số là do kinh nghiệm của thuyền trưởng, họ biết được chỗ nào neo đậu được thì cùng bảo nhau, bấu díu vào nhau để cùng neo đậu. Tuy nhiên, không ai đảm bảo chắc chắn chỗ đó là an toàn tuyệt đối. Bởi vì nó không có mố để buộc bấu cho chắc mà hầu như bằng kinh nghiệm, như đóng cọc hố thế. Đấy là hạn chế về mùa lũ, rất nguy hiểm.

PV: Xin cảm ơn những ý kiến của ông với chương trình.

Như vậy, tình trạng tàu thuyền vận tải đứt neo trôi tự do trong mùa mưa lũ phần lớn xuất phát từ nguyên nhân do thiếu các vị trí neo đậu an toàn. Xuất phát từ thực tế này, hiện nay tại nhiều địa phương, một số người dân đã tự bỏ tiền xây dựng các mố cọc dọc hai bên sông và tiến hành thu phí cho mỗi tàu thuyền muốn buộc vào để neo đậu. Tuy nhiên, khi xảy ra bão lũ, lượng tàu thuyền tập trung nhiều, trong khi đó khu vực neo đậu lại khá chật hẹp, gây khó khăn cho chủ phương tiện trong việc tìm được vị trí neo đậu.

Hệ quả của tình trạng này là TNGT, chìm tàu vận tải đã xảy ra trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Dũng, một thuyền trưởng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm lái tàu 700 tấn chở hàng trên sông Lô, sông Hồng nhấn mạnh: "Mạn sông trên này như Tuyên Quang, Đoan Hùng, Lào Cai, Hà Giang, nói chung vùng này là vùng cao, nhiều hòn, ghềnh, thác, nguy hiểm nhiều hơn. Mưa là lên ngay, hay xảy ra lũ ống, lũ quét nhiều, dâng lên rất nhanh. Mới có mưa hai hôm mà nước đã lên mấy chục phân. Vừa rồi, ở Tuyên Quang cũng vừa chìm hai tàu, nói chung là mùa lũ về là nước chảy xiết, máy yếu thì dạt vào hòn, và luồng bé nên đã chìm nhiều".

 

Trước tình hình này, các địa phương đang tích cực triển khai công tác phòng chống lụt bão, trong đó chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân trú ẩn khi bão lũ xảy ra. Tuy nhiên, các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền tại nhiều địa phương còn rất thiếu hoặc đã xuống cấp, chật hẹp; luồng lạch tại nhiều khu neo đậu quá nông, không bảo đảm an toàn cho các phương tiện.

Do đó, Thượng tá Phí Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, để giảm thiểu nguy cơ cho các phương tiện, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức khảo sát lại toàn bộ luồng tuyến và tăng cường hệ thống cảnh báo, neo đậu an toàn.

Thượng tá Tuyến nhấn mạnh: "Để tổ chức giao thông thì phải có hệ thống báo hiệu đường thủy cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế thì phải có khảo sát, cho nên ta phải tổ chức khảo sát, đánh giá lại toàn bộ. Khi chúng ta đã có kết quả khảo sát đánh giá lại toàn bộ thì chúng ta sẽ tổ chức được giao thông hợp lý hơn, phù hợp với tình hình thực tế hơn và có tác dụng phòng ngừa tai nạn".

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung Ương, mực nước trên sông Đà, sông Thao, sông Lô, sông Hồng, sông Thái Bình vẫn sẽ tiếp tục lên trong thời gian tới, các tỉnh ền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở đất có khả năng xảy ra. Vì vậy, bên cạnh các nỗ lực từ phía người dân trong việc ứng phó với mưa lũ, nguyện vọng lớn nhất của các chủ phương tiện là được nhà nước đầu tư kinh phí để nạo vét, khơi thông luồng lạch, cũng như xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Đây là biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân trong mùa mưa lũ.