Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vì thiếu tài xế đường dài

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn trong khi số lượng tài xế liên tục sụt giảm đang khiến nhiều công ty vận tải đường bộ tại Mỹ lâm vào cảnh lao đao.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ngành công nghiệp vận tải đường bộ Mỹ có trị giá lên tới gần 800 tỷ USD - Ảnh Getty Images

Theo thống kê, ngành công nghiệp vận tải đường bộ Mỹ có trị giá lên tới gần 800 tỷ USD, vận chuyển hơn 70% số lượng hàng hóa trên khắp đất nước và sử dụng khoảng 6% lao động toàn thời gian. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm lái xe đường dài đang khiến lĩnh vực quan trọng này chịu ảnh hưởng nặng nề và hệ lụy là nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.

Ông Bob Costello, nhà kinh tế trưởng thuộc Hiệp hội vận tải đường bộ Mỹ phân tích, nhiều yếu tố góp phần gây ra tình trạng thiếu tài xế xe tải, bao gồm xu hướng nghỉ hưu sớm, quy định lái xe phải đủ 21 tuổi, khó tuyển dụng và giữ chân tài xế nữ. Bên cạnh đó, việc thường xuyên phải xa nhà, mức lương chưa đủ hấp dẫn cùng chất lượng cơ sở hạ tầng nhiều người không mặn mà với nghề lái xe đường dài: “Bởi không có nguyên nhân đơn lẻ nào gây ra tình trạng thiếu tài xế, do đó không thể đưa ra một giải pháp duy nhất. Đòi hỏi lúc này là cần phải tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho lái xe”.

Ông Bob Costello cho biết thêm, lực lượng lao động chủ yếu là nam giới và đang già hóa cũng góp phần khiến số lượng tài xế đường dài sụt giảm. Tìm cách giải quyết được những vấn đề này sẽ là chìa khóa thu hẹp sự thiếu hụt.

Theo Hiệp hội vận tải đường bộ Mỹ, nhu cầu tài xế đường dài đang ở mức cao nhất trong lịch sử từ trước tới nay và ngành này có thể thiếu tới 160.000 lái xe vào năm 2030.

Ông Robert Biesterfeld, Giám đốc điều hành Công ty vận tải C.H. Robinson chia sẻ: “Ngành vận tải đường bộ sẽ cần thêm khoảng 80.000 tài xế đường dài trong năm nay và 1 triệu lái xe trong thập kỷ tới, mới có thể thu hẹp khoảng cách cung cầu”

Số liệu thống kê cho thấy, vấn đề thiếu hụt lái xe đường dài tại Mỹ xuất hiện từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù đã sự có bổ sung nhân lực, song số lượng không theo kịp tốc độ gia tăng của nhu cầu vận chuyển hàng hóa. 

Ông Robert Biesterfeld cho rằng, mở cửa để lao động nhập cư tham gia lĩnh vực này sẽ có thể giải quyết vấn đề: “Làm tài xế xe tải là xu hướng của nhiều lao động nhập cư. Vận tải đường bộ là một công việc tuyệt vời cho những ai muốn đến Mỹ khởi nghiệp và lao động cho chính mình”.

Ngành vận tải đường bộ Mỹ có thể thiếu tới 160.000 lái xe vào năm 2030 - Ảnh Getty Images

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ một tài xế xe tải đường dài, Aaron Budding, người thường xuyên chở thịt lợn từ thành phố Winnipeg, Canada tới bang Tây Virginia, Mỹ cho biết, đây là công việc rất vất vả và không phải ai cũng đủ sức theo đuổi.

Budding cho hay, anh hiếm khi được ở nhà trong khi phải liên tục di chuyển trên quãng đường khoảng 6.000 km mỗi tuần.
Aaron Budding chia sẻ, anh yêu nghề lái xe tải, song công việc này còn chưa được xã hội coi trọng: “Tôi tự hào về công việc của mình. Số hàng hóa tôi vận chuyển có thể phục vụ hàng nghìn người và mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều người trẻ không muốn làm công việc này bởi có một sự kỳ thị nhất định. Một số người gọi chúng tôi là những ‘công tử nặng mùi’ hay đại loại như vậy. Điều đó là không đúng và thực sự gây tổn thương”

Còn cô Myrna, một trong số ít nữ tài xế xe tải đường dài chia sẻ, do định kiến khiến tỷ lệ phụ nữ tham gia trong ngành vận tải đường bộ rất thấp. 

Myrna cho biết, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, tài xế xe tải được coi là những người hùng trên đường, tuy nhiên điều đó ngày càng phai nhạt theo thời gian: “Tôi nghĩ khi xảy ra tình huống cấp bách mọi người mới nghĩ tài xế xe tải quan trọng thế nào với nền kinh tế. Nhưng cần hiểu rằng, từ thực phẩm, quần áo cho đến đồ gia dụng thiết yếu mọi người dùng mỗi ngày đều được chúng tôi chở trên những chiếc xe tải, đến ở một thời điểm nào đó”.

Còn tại Việt Nam, giới tài xế là một lực lượng quan trọng trong luân chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ. Họ đóng vai trò như lực lượng tuyến đầu để đảm bảo sự ổn định, an toàn, thông suốt của hàng hóa, vật tư, đảm bảo chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, do tính chất công việc đặc thù nên lực lượng lái xe có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Do đó, việc ưu tiên vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe tại các tỉnh, thành là việc làm cấp thiết để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Còn theo Bộ Công Thương, trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, những người lao động trong các ngành vận tải (đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, logistics cảng biển) có vai trò quan trọng để đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.