Nguy cơ độc quyền khi Gojek sát nhập với Grab, ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Sau khi Grab và Uber tại châu Á sáp nhập, Gojek - ứng dụng phát triển nhất tại Indonesia nổi lên với kỳ vọng là đối thủ đáng gờm của Grab. Song theo thông tin gần đây thì khả năng cao Gojek sẽ sáp nhập vào Grab, một lần nữa đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Khả năng cao Gojek sẽ sáp nhập vào Grab. Ảnh: straitstimes

Đầu tháng 12 này, hai công ty đặt xe qua ứng dụng điện thoại Grab và Gojek đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong thoả thuận sáp nhập. Các lãnh đạo cấp cao nhất của 2 công ty đang phác thảo những chi tiết cuối cùng của hợp đồng cùng với sự tham gia của ông Masayoshi Son – Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn SoftBank, một trong những nhà đầu tư lớn của Grab.

Đại diện của cả Grab, Gojek và Softbank đều từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.

Peter Elstrom, phóng viên Hãng tin Bloomberg cho biết: “Đây là một thương vụ lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh, rất khó để duy trì lợi nhuận. Do đó, nguồn tin chúng tôi cho thấy tỷ phú Masayoshi Son đã thúc giục Grab và nhà sáng lập Anthony Tan làm việc với Gojek để sáp nhập 2 hệ thống gọi xe này, giảm chi phí đồng thời mở rộng thị trường”.

Vài năm qua, cả Grab và Gojek đều rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần ở mảng gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán điện tử. Từ lâu, một số nhà đầu tư của cả hai đã đề nghị sáp nhập nhằm giảm bớt chi tiêu cho khuyến mại để cạnh tranh và tạo thành một trong những công ty mạng quyền lực nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, người tiêu dùng tỏ ra lo ngại sẽ không được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mại, thậm chí sẽ xảy ra xu hướng độc quyền về giá.

Trước đó, năm 2018 khi Grab mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, giới tài xế bị cắt chiết khấu ở mức cao khiến mỗi cuốc xe trả cho tài xế sẽ rẻ hơn do phải “chia ếng bánh” với Grab.

Trước những nguy cơ liên quan đến độc quyền, Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh Indonesia cho biết, Grab và Gojek phải thông báo với cơ quan này ít nhất 30 ngày trước khi thoả thuận sáp nhập có hiệu lực.

Chuyên gia Kimberly Tanos thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính cho rằng, việc sáp nhập giữa Grab và Gojek sẽ tiềm ẩn nguy cơ độc quyền, vì vậy Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh cần nghiên cứu kỹ khả năng này. Nếu có bất kỳ dấu hiệu độc quyền nào, họ sẽ không được “bật đèn xanh”.

Cũng theo chuyên gia Tanos, việc sáp nhập sẽ có lợi cho Grab và Gojek vì họ có thể chia sẻ cơ sở hạ tầng, công nghệ, giảm chi phí hoạt động và tiếp thị. Tuy nhiên, việc này có thể có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và các đối tác khác hoạt động trong lĩnh vực này do chỉ có một người nắm thị trường. Do vậy, phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng tỏ ra lo ngại sẽ không được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mại, thậm chí sẽ xảy ra xu hướng độc quyền về giá nếu việc sáp nhập xảy ra.

Phóng viên lĩnh vực vận tải Christopher Tan bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ rằng hiện nay khác so với thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á năm 2018. Vì Gojek có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Uber. Ngoại trừ thị trường sân nhà của Gojek là Indonesia, thì tại Malaysia, Việt Nam, Singapore, Grab vẫn chiếm thị phần áp đảo. Grab tự tin sáp nhập Gojek dù từng bị phạt 13 triệu đô la sau cáo buộc vi phạm các quy định độc quyền khi sáp nhập Uber cũng vì vậy. Họ tự tin có thể kiểm soát được tình hình, kể cả giá thành chuyến đi, tỉ lệ chiết khấu với đối tác sau sáp nhập”.

Tuy nhiên, để thương vụ sáp nhập thành công, cần nhận được sự đồng ý của cơ quan chức năng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dụng. Ví dụ: Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore đã hạn chế hoạt động của Grab sau khi công ty này mua lại các hoạt động tại Đông Nam Á của Uber vào tháng 3/2018, để Grab không thể tự ý thay đổi gói giá hoặc giữ độc quyền đối với tài xế.

Tại Philippines, ban đầu Ủy ban Cạnh tranh đồng ý để hai bên sáp nhập với một số điều kiện liên quan tới giá và chất lượng dịch vụ. Song, 2 tháng sau, vì Grab-Uber không đạt được các điều kiện trên nên bị áp mức phạt tới gần 300.000USD.

Còn tại Việt Nam, theo công ty nghiên cứu thị trường New York ABI Research, hiện tại Grab đang nắm giữ 70% thị phần gọi xe,. Do đó, trong trường hợp sáp nhập, Grab phải thông qua Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, nếu Grab sáp nhập với Gojek sẽ tạo ra một doanh nghiệp lớn và có thể trở thành một doanh nghiệp độc quyền, có một tỉ trọng lớn trong dịch vụ vận tải công nghệ. Rõ ràng có thể xảy ra khả năng thao túng giá cả dịch vụ: “Cho nên chúng ta cần phải có những cảnh báo cũng như những biện pháp để chống hiện tượng độc quyền này theo đúng Luật kinh doanh thương mại cũng như quy luật độc quyền mà chúng ta đã có trong Luật kinh doanh của chúng ta”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để ngăn chặn những hệ lụy từ việc sáp nhập nhà nước cần có cơ chế, chế tài để điều chỉnh. Mặt khác đây cũng là cơ hội cho các dịch vụ xe ôm/taxi truyền thống “lội ngược dòng” nhưng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, có như vậy mới giữ chân được khách hàng.