Nghịch lý khuyến khích bạo lực để ngăn bạo lực

Sự việc tài xế xe sang ở Bình Thuận tông chết người sau mâu thuẫn giao thông là một trường hợp điển hình cần phân tích kỹ để hiểu chuyện gì đang xảy ra với cách giải quyết vấn đề sau va chạm xe cộ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Câu chuyện có thể chia làm 3 phân đoạn, tương ứng với 3 góc nhìn khác nhau.

Ở lát cắt đầu tiên là một video clip lan truyền trên mạng xã hội với hình ảnh trọng tâm là pha rồ ga tông thẳng vào nạn nhân của viên tài xế. Rất nhiều ý kiến chỉ trích đã chĩa vào hành vi được coi là cố ý giết người này.

Nhưng ở lát cắt thứ hai, vẫn là video clip ấy nhưng dài hơn, chiếu từ cảnh viên tài xế và bạn bè bị một nhóm người đi xe máy hành hung, đánh hội đồng. Tức nước vỡ bờ, như chiếc lò xo bị nén căng chờ bung ra, viên tài xế đã trả đũa.

Lúc này, cộng đồng mạng lại có xu hướng đổ tại cho những người đã ra tay đẩy viên tài xế đến bước đường cùng. Thậm chí, có không ít người cổ xúy việc lái xe trừng trị tất cả nhóm người đánh hội đồng, không riêng nạn nhân đã tử vong.

Chủ đích là nhằm báo động, răn đe với những kẻ ưa thói côn đồ, sử dụng nắm đấm, dụng cụ gây sát thương để giải quyết mâu thuẫn nhỏ khi tham gia giao thông. Ở góc nhìn của những người cổ vũ viên tài xế, việc đánh hội đồng là nhỏ nhen, người động tay động chân trước xứng đáng bị trừng phạt.

Tuy nhiên, vẫn còn lát cắt thứ ba, đó là kết quả điều tra nguyên nhân ban đầu của cơ quan công an. Bây giờ, mọi chuyện đã sáng tỏ. Nhóm người chạy xe sang đã nhậu và sử dụng rượu bia trước khi lên xe. Viên tài xế đã vi phạm quy định Luật giao thông đường bộ khi điều khiển phương tiện mà trong người có nồng độ cồn. Hiện người này đã bị truy tố về tội danh “giết người”.

Nhóm người đi xe máy cũng không vừa, khi leo thang căng thẳng, đụng tay đụng chân dù hai bên mới chỉ “suýt va chạm trên đường”, chưa xảy ra tai nạn. Họ có dấu hiệu của tội “gây rối trật tự công cộng” và “cố ý gây thương tích”.

Khoảnh khắc tài xế lái ô tô chạy loạn xạ, cố tông vào nhóm người vừa đánh mình tại khu vực bờ kè đường Phạm Văn Đồng, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh cắt từ camera an ninh

Như vậy, nhìn ở góc độ khách quan, khi tường tận sự vụ, bất cứ ai dù là thủ phạm hay nạn nhân cũng phải bị lên án vì dùng bạo lực làm phương tiện giải quyết mâu thuẫn.

Rất đáng ngại cho tư duy dùng bạo lực để ngăn chặn bạo lực ở một bộ phận cư dân mạng, biểu hiện qua việc cổ xúy viên tài xế chạy nhiều vòng hòng truy sát kẻ đánh mình.

Hệ quả của tư duy này cũng chính là số phận của viên tài xế. Nếu anh ta chạy lên xe tẩu thoát khỏi hiện trường để bảo vệ tính mạng, câu chuyện có lẽ đã rất khác. Từ vai một nạn nhân bị áp bức, anh ta phải đối diện với một bản án cuộc đời, với cái danh sát nhân.

Còn nạn nhân của câu chuyện đáng buồn này, ông ta không phải trường hợp hy hữu.

Trước đó, một câu chuyện ám ảnh ở Hà Nội từng xảy ra, nạn nhân cũng chính là người đã đẩy người đối diện vào trạng thái kích động bằng cách sử dụng bạo lực trước. Cụ thể, một người lái xe sang dồn ép người đi xe máy sau va chạm. Dù người đi xe máy đã van xin nhưng vẫn bị dùng dùi cui kim loại và bình xịt hơi cay đuổi đánh, và trong cơn hoảng loạn người này đã rút dao đâm vào ngực viên tài xế khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

“Vật cực tắc phản” - Nguyên lý này nhắc nhở mọi người cần giữ được sự cân bằng về cảm xúc và hành vi. Mọi hành động vượt quá giới hạn sẽ leo thang tới một hậu quả thảm khốc không thể kiểm soát.

Những người trong cuộc và cả các nhà quan sát cần hiểu rằng, bạo lực không thể biện nh và ngăn chặn cho bạo lực.

Văn hóa giao thông cần được hình thành, vun đắp trong một môi trường không dung dưỡng cho bạo lực.