Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Siết xử lý và trách nhiệm

Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng hình ảnh, danh tiếng của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo “thổi phồng” công dụng của nhiều sản phẩm, dịch vụ trên internet và các trang mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.

Hiện nay mỗi khi lướt internet, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube, người dùng bắt buộc phải xem và nghe rất nhiều quảng cáo có hình ảnh nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo về công dụng “thần kỳ” của các loại sản phẩm, nhất là thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh, làm đẹp mà hiệu quả thật sự vẫn chưa được kiểm chứng.

Những thuật ngữ như “thuốc gia truyền, danh y, thần y” được các nghệ sĩ “ra rả” gán cho các loại sữa, thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc điều trị các bệnh mãn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường..., gây bức xúc cho khán giả và người sử dụng.

Công chúng cho rằng những nghệ sĩ chỉ vì tiền mà quảng cáo gian dối là thiếu trách nhiệm với hành động của mình (Ảnh: VOV)

“Hiện nay những thần tượng thường dẫn link để cộng đồng những người yêu mến mình vào sử dụng sản phẩm. Tần suất xuất hiện của những sản phẩm không đúng ấy, có thể làm cho các sản phẩm kém chất lượng lan tỏa nhanh hơn. Và khi sử dụng những sản phẩm không mang lại hiệu quả vừa tốn tiền, đôi khi còn thất vọng về hình tưởng của mình”.

“Người nhà đôi lần tin livestream quảng cáo đó mua thực phẩm chức năng với giá cao hơn so với thị trường. Như những thực phẩm chức năng trị viêm xoang, tiểu đường quảng bá lố mà về uống không thuyên giảm có khi còn nặng thêm”.

Trước sự “tức giận, thất vọng” của công chúng, một số nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi trong muộn màng, số khác thì chọn cách im lặng, trốn tránh trách nhiệm. Theo đánh giá của GS, TS. Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch, việc các nghệ sĩ nhận quảng cáo có thêm thu nhập là không sai.

Thế nhưng vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp quảng cáo sai sự thật, nghệ sĩ đã vô tình tiếp tay cho doanh nghiệp bán hàng “lừa đảo”, kém chất lượng: “Nghệ sĩ là một trong những lực lượng tác động rất lớn đến tình cảm, tư tưởng, nhân cách của công chúng. Khi hoạt động công chúng trước hết là phải đúng pháp luật, thứ 2 hơn cả pháp luật là đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ với việc kiếm tiền quảng cáo là 2 việc khác nhau. Khi mà ham tiền quá làm những việc bất chấp đúng sai, quảng cáo tùy tiện, cũng như không có giấy phép sẽ vi phạm pháp luật, cấm sóng là điều nên làm; thứ hai là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và đánh mất lòng tin với xã hội”.

Trước thực trạng trên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư TPHCM cho biết: Hiện các văn bản pháp luật đã có quy định xử phạt về lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vào thực tế có hiệu quả hay không phục thuộc vào công tác giám sát, quản lý của cơ quan chức năng: 

“Theo Nghị định 38 xử phạt hành chính về lĩnh vực quảng cáo, bất kỳ cá nhân nào quảng cáo sai sự thật, không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, số lượng, nguồn gốc, giá cả sẽ bị phạt từ 60 triệu - 80 triệu đồng. Buộc khắc phục hậu quả tháo gỡ, xóa quảng cáo, cải chính thông tin. Nếu tái phạm, tùy vào mức độ, người thực hiện sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định”.

Việc quảng cáo sai sự thật hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch về sản phẩm là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh: VOV)

Đứng về góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Hòa - Trưởng phòng thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết: Theo thống kê tháng 2/2023, cả nước có khoảng 70 triệu người có tài khoản mạng xã hội, riêng TP.HCM có 22 triệu tài khoản. Nhiều nội dung tích cực được lan tỏa nhưng cũng có nhiều thông tin sai lệch, quảng cáo sai sự thật.

Nói về lĩnh vực thực phẩm chức năng, trước tiên do ngành y tế quản lý về giấy phép, chất lượng, thông tin về sản phẩm. Còn trong lĩnh vực thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, rà soát các tài khoản mạng xã hội để phát hiện, xử lý cũng như chặn các tài khoản vi phạm.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng quy chế phối hợp, để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của văn nghệ sĩ trên môi trường mạng trong thời gian tới: "Quy chế phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang trong quá trình hoàn thiện, có thể cuối năm nay sẽ xong, khi đó có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên trong thời gian chưa có quy chế, thì hiện Bộ TT&TT phối hợp Bộ VHTT&DL xây dựng danh sách trắng và danh sách đen.

Trong đó, danh sách trắng khuyến khích nhà quảng cáo tài khoản đó và hỗ trợ họ phát triển vì họ làm tốt. Còn danh sách đen là những người vi phạm đã bị xử phạt và tái phạm thì không khuyến khích nhà quảng cáo ủng hộ cho tài khoản như vậy. Đó cũng là cách làm cho môi trường mạng trong sạch".

Đồng tình với đề xuất, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng: với tốc độ lan truyền nhanh của mạng xã hội và mức độ uy tín của người đăng bài sẽ khiến số lượng người sử dụng sản phẩm tăng theo cấp số nhân. Điều này nguy hại cho người tiêu dùng nếu sản phẩm được quảng cáo kém chất lượng. Nên việc siết chặt hơn nữa chế tài xử phạt để răn đe là rất cần thiết, để bảo vệ người tiêu dùng:

“Thời gian qua có nhiều nghệ sĩ quảng cao sai sự thật về mỹ phẩm, về thuốc, về thực phẩm chức năng nhưng chưa có chế tài xử phạt thích đáng. Bộ TT&TT phối hợp Bộ VHTT&DL để xây dựng danh sách cảnh báo trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật và không tuân thủ các quy tắc ứng xử tác động lớn đến xã hội.

Tôi thấy điều này là đúng, từ đó góp phần hạn chế được những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thông qua con đường livestream bán hàng của các diễn viên, nghệ sĩ. Và nếu chúng ta có những tài này cũng là hồi chuông cảnh báo về vai trò và chức trách của nghệ sĩ đối với xã hội, khiến các nghệ sĩ đang sai phạm tự soi mình, tự sửa mình”.

Cần chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Những bài học đắt giá về các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên mạng thời gian qua càng đặt ra yêu cầu về siết chặt công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của chính bản thân người nghệ sĩ.

Bất chấp lợi nhuận để quảng cáo sai sự thật là hành vi đáng lên án

Việc các nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng thời gian qua tham gia quảng cáo trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông là rất phổ biến, vì đây là những người có tác động lớn đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Nếu các quảng cáo tuân thủ đúng chức năng, yêu cầu, thành phần của các sản phẩm thì đây là hình thức quảng cáo, marketing hiệu quả trong kinh doanh, dịch vụ. Đáng nói là các mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là sản phẩm được sản xuất và kinh doanh có điều kiện, phải được đăng ký kiểm duyệt, cấp phép trước khi lưu hành, do ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nên không được quảng cáo tùy tiện.

Thế nhưng đáng lo ngại là gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội kể cả phương tiện truyền thông đại chúng, xuất hiện dày đặc các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, không đúng công dụng, công năng, sai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nhiều nghệ sĩ đang lầm tưởng việc “thổi phồng” công dụng của sản phẩm là bình thường mà không nghĩ đến hậu quả.

Bất chấp chế tài chỉ vì “lợi nhuận” mà quảng cáo sai sự thật, sau khi bị phát hiện thì xin lỗi, né tránh trách nhiệm đổ lỗi cho “vô tình”, “không hiểu biết”. Lúc này việc ăn năn đã muộn màng bởi dù vô tình hay cố ý, những công dụng bị “thổi phồng” cũng đã gây nguy hại cho sức khỏe cho người dùng khi trót tin nhầm lời quảng cáo. Mà bản thân người nghệ sĩ cũng bị công chúng chỉ trích, quay lưng thậm chí là “tẩy chay”. Nhiều nghệ sĩ sau đó cũng bị ngành chức năng xử lý theo quy định pháp luật nhưng điều này đã giống lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước.

Để tránh hệ lụy xấu từ hoạt động quảng cáo, đầu tiên vẫn là người nổi tiếng cần nhận biết vai trò và sức ảnh hưởng của mình với công chúng để có những hành động, lời nói chuẩn mực, cẩn trọng; không lợi dụng sức hút, niềm tin, tên tuổi bản thân để “đánh bóng” cho các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc chưa được cơ quan chức năng chứng nhận. Nhất là quảng cáo liên quan đến sức khỏe con người cần hết sức thận trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được các chế tài nặng với các cá nhân, nhất là người nổi tiếng có hành vi quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt là các luật về dược, y cụ, dụng cụ, trang thiết bị y tế phải được hoàn thiện hành lang pháp lý.

Qua đó các lực lượng có cơ sở để thường xuyên kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, do quảng cáo trên lĩnh vực điện tử, không gian mạng rất rộng nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ ngành như thông tin truyền thông, văn hóa, viễn thông, thanh tra, địa phương để giám sát việc quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm của các tài khoản mạng xã hội, các trang web, ứng dụng.

Riêng đối với báo chí chỉ nên quảng cáo các mặt hàng sức khỏe khi đã có các chứng chỉ cấp phép rõ ràng.

Phía người dùng cần hết sức cảnh giác và thận trọng khi tin dùng các sản phẩm qua mạng. Tốt nhất là cần có sự hướng dẫn của y bác sĩ, chỉ mua thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ, tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép hoạt động, để có căn cứ tố giác đến các cơ quan chức năng xử lý khi cần thiết, nhằm tránh rơi vào cạm bẫy tiêu dùng khiến “tiền mất tật mang”./.