Nên có cảnh báo thời tiết cho du lịch

Có hai điều tác động trực tiếp đến ngành du lịch là giao thông và thời tiết. Trong những năm qua, các địa phương đã rất nỗ lực đầu tư để cải thiện mạng lưới giao thông kết nối các điểm du lịch, nhưng, việc dự báo thời tiết du lịch vẫn còn là một khoảng trống lớn.

  

Sạt lở ở khu vực đèo Mã Pì Lèng ngày 1/10. Ảnh: Mạnh Tour

Những ngày thu tháng 9, tháng 10 đang là mùa du lịch của các tỉnh vùng cao phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… với những khung cảnh lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang, hay những hàng lau trắng đua nhau nở ở vùng biên giới.

Nhưng trớ trêu thay, thời điểm này, nhiều tuyến quốc lộ đi qua các địa điểm du lịch ở vùng cao đang bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ xảy ra mưa lũ, sạt lở.

Đúng vào thời điểm du lịch tại đây có thể đón được lượng du khách lớn nhất thì chúng ta gần như không có một bản tin, thông tin nào chuyên biệt về thời tiết và cảnh báo thiên tai cho khách du lịch trong nước và nước ngoài. Bản tin này (nếu có) sẽ giúp khách du lịch biết được những con đường, những địa điểm họ định đến có an toàn hay không.

Mới đây, tôi truy cập vào trang web của một công ty cung cấp dịch vụ du lịch tại Sa Pa, thì thấy có rất nhiều câu hỏi của khách du lịch rằng: đường đi Sa Pa đã thông chưa, có bị sạt lở, cấm đường đoạn nào không?

Nhiều người bạn của tôi cũng từng muốn hỏi kinh nghiệm xem thời điểm này đi du lịch tại các tỉnh ền núi phía Bắc có an toàn không, có bị sạt lở, cấm đường không…?

Để làm du lịch, chúng ta không chỉ cần cung cấp chỗ ở, những trải nghiệm, dịch vụ tại chỗ. Mà một trong những điều làm cho du khách quan tâm và có thiện cảm với các điểm đến, đó là họ có thể dễ dàng cập nhật, tra cứu được tình trạng giao thông, thời tiết của các điểm đến. Liệu họ có an toàn khi đến đó? Nếu không thì họ có thể đến đó bằng cách nào, vào lúc nào mới an toàn?

Du khách đi qua một điểm ngắm lúa ở bản Cát Cát hôm 16/9. Ảnh: Vnexpress

Hiện trang thông tin của Công viên Địa chất Đồng Văn đã công bố thông tin của một số nhà nghỉ, khách sạn, homestay sẵn sàng cung cấp nơi nghỉ ngơi ễn phí hoặc giá rẻ cho những du khách bị kẹt lại ở Đồng Văn, Hà Giang do những yếu tố thời tiết cực đoan.

Và những du khách đó chắc hẳn sẽ rất bối rối, lo lắng nếu không nhận được thông tin chính thức, cụ thể như: có cách nào để tiếp tục chuyến đi, cách nào để trở về Hà Nội hoặc cần trợ giúp thì phải liên hệ với ai?

Tôi nghĩ, những cơ quan quản lý du lịch nên có một kênh thông tin có thể giúp du khách cập nhật nhận được cảnh báo từ những trường hợp khẩn cấp như bão lũ, sạt lở… để giúp du khách tìm được vị trí an toàn và ở những khu vực mất an toàn đang được xử lý thế nào.

Có lẽ đó không phải chỉ là công việc của cơ quan chức năng về thiên tai, cứu hộ cứu nạn, mà đó cũng là công việc của ngành du lịch. Bởi nếu chúng ta muốn khách du lịch cảm thấy an toàn, muốn thu hút chính những vị khách nội địa thì việc có những bản tin về giao thông, thời tiết và cảnh báo thiên tai là rất quan trọng./.