Mứt tết

Bây giờ, cuộc sống của phần đông đã tốt hơn “ngày xưa” rất nhiều; nhưng ngày Tết, có cảm giác không còn được vui, được mong chờ như ngày xưa nữa…

 

Ngày xưa, cái thời mọi thứ phải mua theo phân phối, ngoài nồi bánh chưng được chuẩn bị rải rác suốt cả trong năm thì nhà nào cũng phải cố gắng kiếm được một hộp mứt tết, chai rượu chanh đặt lên ban thờ thắp hương ba ngày tết.

Hộp mứt ngày xưa bên ngoài trang trí đơn giản, với chữ Mứt Tết nổi bật và in thêm hình cành đào, thế nhưng nó là món đồ có lẽ là hấp dẫn nhất, Tết nhất, mang lại niềm vui có lẽ là chỉ sau nồi bánh chưng và bánh pháo giao thừa (tất nhiên, là ở cái thời chưa cấm pháo).

Hộp mứt ấy, rồi cũng chẳng được ăn ngay, mà thường sẽ được để nguyên đó thắp hương đến tận Rằm tháng Giêng… Ra tết thường nóng nực hơn, vậy là đến khi mang xuống, mứt gừng, mứt bí, cà rốt, mứt dừa… đã phủ một lớp mốc xanh lè, còn vài hạt lạc bọc đường thì cũng hôi rình, chảy nước.

Ấy thế nhưng đã mất cả tháng chờ mong từ ngày hộp mứt được để lên ban thờ, nên lũ trẻ làm sao có thể bỏ qua? Hộp mứt Tết vẫn được nâng niu, xuýt xoa và đương nhiên là được “tiêu hoá” hết sạch trong sự thòm thèm của những cái ệng háu ăn ngây thơ.

Bây giờ, những hộp mứt tết vẫn được sản xuất, với bao bì bóng bẩy, in hình đẹp đẽ, và mứt bên trong thì cũng khó mốc hơn dù có để lâu ngày. Có lẽ công nghệ bảo quản tốt hơn ngày xưa? Nhưng hình như cũng ít nhà mua về bày trên ban thờ ngày tết.

Và tất nhiên là lũ trẻ cả năm no đủ, với đủ thứ bánh kẹo cũng chẳng bao giờ thấy mong ngóng đến ngày mẹ hạ lễ để được bóc hộp mứt mà nhấm nháp.

Cũng rất ít nhà có điều kiện để nấu một nồi bánh chưng cho ngày tết. Hoặc cũng không cần phải làm, vì ra chợ là có đủ...

Thực ra thì… năm nào chả có tết. Dù muốn hay không tết vẫn đến. Thế nhưng bây giờ, có cảm giác một năm trôi qua quá nhanh, và cũng là cảm giác hay sự thật(?) là Tết không còn hấp dẫn như ngày xưa nữa? Dù cuộc sống bây giờ, với đa phần, đã tốt hơn rất nhiều.

Ngay cả với các bà nội trợ, trước tết cũng chẳng mấy người phải tất bật với gạo nếp, đậu xanh, thịt thà, lá bánh, măng mọc, ến, bóng bì… Bởi hàng hoá ê hề ngoài chợ, chiều 30 ra mua cũng chả thiếu, không như ngày xưa phải xếp hàng tranh nhau cũng chẳng mua nổi.

Thậm chí, cũng chẳng cần phải nấu nướng làm gì cho khổ, cứ nhấc điện thoại alô cho mấy hàng chuyên nấu cỗ, rồi đến giờ ra mà xách mâm cỗ về thắp hương. Lười nữa thì có dịch vụ mang đến tận nhà. Chẳng phải bước chân ra khỏi cửa.

Chuyện “kiêng cữ” ngày Tết, theo quan niệm và truyền thống người xưa cũng không còn được mấy người áp dụng. Tết chẳng mấy người ở nhà, người ta đi chơi từ chiều 30, qua giao thừa cũng chẳng muốn về nhà.

Ngày mồng Một ra đường xe cộ đông như mắc cửi, khắp các tụ điểm vui chơi, chùa chiền còn đông hơn cả những ngày lễ trong năm. Chả ai muốn “kiêng” không ra đường trong ngày này vì những nỗi sợ mơ hồ may rủi trong “truyền thuyết” như ngày xưa nữa.

Mồng một, người ta đã lũ lượt kéo nhau đi chúc tết họ hàng, bạn bè, mặc cho gia chủ có ý kiêng hay chọn người xông đất hay không.

Thế nên mới có chuyện, nhiều người vẫn muốn chọn người hợp tuổi xông đất nên phải nhờ vả đến nhà luôn từ sau phút giao thừa nửa đêm 30, để sáng mồng Một, ai đến chúc Tết cũng được.

Sáng mồng Một, người ta đi chơi còn đông hơn cả ngày thường. Chuyện kiêng cữ như ngày xưa đã là dĩ vãng, và không mấy người quan tâm...

Nhiều năm nay, nhiều gia đình trẻ còn chọn cách đi chơi luôn mấy ngày Tết. Khỏi phải cơm nước cúng bái, hay chúc Tết họ hàng. Sát ngày phải đi làm mới lục tục kéo nhau về.

Bớt được mấy cái thủ tục ngày tết, các chị vợ cũng sung sướng vì không phải cơm nước hay chạy qua chạy lại gia đình bố mẹ hai bên trong mấy ngày tết.

Thế là dần dần, theo thời gian và những thay đổi trong suy nghĩ, Tết đã không còn như xưa nữa. 

Bây giờ, mấy ai còn thích mứt Tết?