Một cây cầu, người dân 4 địa phương cùng ngóng...

Sự chậm trễ trong triển khai dự án đường Vành đai 3 đi qua địa phận TPHCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương hơn 10 năm nay đã khiến cho việc đi lại, giao thương của người dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn bất tiện, kinh tế ì ạch khó phát triển.

Bởi vậy, khi hay tin tái khởi động dự án này – bắt đầu từ cầu Nhơn Trạch, bà con mong đợi từng ngày.

 

Anh Trần Hoài Phương một người dân ở huyện Nhơn Trạch hàng ngày ghi nhận có không ít lao động từ TPHCM sang Nhơn Trạch làm việc nên tình trạng kẹt xe ở phà Cát Lái diễn ra thường xuyên.

“Những người ta đi làm từ thành phố qua Nhơn Trạch người ta làm, buổi sáng từ khoảng 8h là nó kẹt dữ lắm”.

Anh Phan Thanh Sơn một lao động trẻ cư ngụ ở huyện Nhơn Trạch nhưng làm việc ở TPHCM cùng nỗi niềm qua sông phải lụy phà:

“Nếu mà có 1 cây cầu thì nó vẫn thuận tiện hơn cho người dân đi qua đi lại, cũng đỡ mất thời gian chờ phà các kiểu. Em qua mà ngay giờ cao điểm thì rất là kẹt, thứ nhất là nó mất thời gian mình, thứ 2 là trễ nãi một số công việc, người ta gấp thì người ta không thể đi nhanh được”.

Ông Trần Văn Tuấn (ngụ TPHCM) thường xuyên về huyện Nhơn Trạch để thăm người thân mấy chục năm đi qua lại đều phải trông nhờ vào tuyến phà. Theo ông, nếu có được một cây câu để kết nối thì ngưòi dân rất mừng vì giúp bà con ở đôi bờ TPHCM và Đồng Nai tiết kiệm nhiều thời gian đi lại.

“Nếu mà có cầu thì người ta đi cầu chứ người ta đi phà phải chờ đợi lâu, người ta đi xe có cầu cho người ta qua nó lẹ, đỡ tốn thời gian của họ”.

Hiện nay việc kết nối giao thông giữa huyện Nhơn Trạch và TPHCM cùng các tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế chỉ thông qua tuyến kết nối vào đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và tuyến phà Cát Lái.

Đặc biệt tuyến phà Cát Lái thường xuyên bị quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra vào các giờ cao điểm  nhất là vào các dịp lễ, tết, ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá giữa các địa phương.

Ngày 24/9, tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã tổ chức buổi lễ khởi công cầu Nhơn Trạch nằm trong dự án 1A đường vành đai 3 TP.HCM

Ngày 24/9 vừa qua cầu Nhơn Trạch nằm trong dự án thành phần 1A đường vành đai 3 TPHCM đã chính thức khởi công đánh dấu việc triển khai dự án đường vành đai 3 TPHCM.

Anh Trương Quốc Dũng (ngụ tại xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch) không giấu được nỗi vui mừng khi địa phương sắp có 1 cây cầu kết nối với TPHCM:

“Trước tiên tôi biết lễ khởi công là tôi rất là vui mừng vì tôi là người ở Nhơn Trạch, hay về quê từ TPHCM phải qua phà Cát lái cũng thấy khó khăn. Tôi cũng hy vọng là cây cầu sẽ sớm thi công hoàn thành để giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn”.

Ông Huỳnh Tấn Phước cho biết sinh sống tại huyện Nhơn Trạch đã trên 30 năm nên giờ cây cầu Nhơn Trạch được khởi công đem đến cho ông và những bà con khác sự phấn khởi vô cùng vì nó mang theo kỳ vọng của người dân nơi đây .

“Tôi là người dân ở đây giờ nghe dự án được khởi công, giao thông đi lại thuận lợi hơn thì người dân ở trong vùng cũng rất là mừng, hy vọng có dự án được thi công nhanh phát triển vùng hơn thì người dân cũng được hưởng lợi”.

Dự án đường Vành đai 3 đi qua địa phận TPHCM và 3 tỉnh chậm trễ hơn 10 năm nay đã khiến cho việc đi lại, giao thương của người dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn bất tiện (Ảnh: G.L)

Theo thiết kế, cầu Nhơn Trạch sẽ rộng 19,75m, dài 2.040m, cây cầu này là một phần quan trọng của dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TPHCM. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Dự án khi hoàn thành sẽ giúp TPHCM và Đồng Nai kết nối thuận lợi hơn, giảm tải cho phà Cát Lái, Quốc lộ 51 và đặc biệt là cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) cho biết:

“Khi hoàn thành sẽ giúp giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây theo hướng QL 51, phục vụ nhu cầu vận chuyển của hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Nhơn Trạch.

Đây cũng là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp kết nối hànhg loạt tuyến đường cao tốc trọng điểm khu vực phía nam, sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh thành và là cú hích kinh tế  toàn diện cho khu vực TPHCM, Đồng Nai nói riêng và các vùng lân cận”.