“Mắc kẹt” trong phố đường tàu

Phố đường tàu hay phố café đường tàu là đoạn đường dài khoảng 2km nằm dọc 2 bên đường sắt nội đô từ ga Hà Nội đến ga Long Biên. Theo các cơ quan chức năng, 100% các hộ dân sống tại khu vực này đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vì vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần di dời người dân ra khỏi khu vực này, thế nhưng nhiều năm qua, người dân vẫn “mắc kẹt” trong phố đường tàu. Thậm chí, mô hình café đường tàu trong những năm qua còn nở rộ, thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm.

Café đường tàu, một loại hình café mới thu hút khách du lịch và giới trẻ trong những năm vừa qua. Đến đây, khách hàng có thể gặp gỡ bạn bè, cùng nhau tán gẫu hay ngồi sát đường ray chờ tàu đi qua để trải nghiệm cảm giác mới lạ. Thế nhưng, việc café đường tàu hoạt động lại đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của nhiều người.

Người ủng hộ thì cho rằng đây là mô hình kinh doanh mới, thu hút khách du lịch, đặc biệt là trong thời điểm thủ đô đang vắng bóng những loại hình dịch vụ mới, độc đáo. Hà Nội nên có góc nhìn mới mẻ hơn, tăng thêm biện pháp đảm bảo an toàn đường sắt và chấp nhận café đường tàu như một trải nghiệm du lịch, tạo được việc làm và thu nhập cho người dân sống dọc tuyến đường tàu này.

Người phản đối thì lại thấy đây là hành động mất an toàn giao thông đường sắt bởi mỗi khi tàu đi qua, khoảng cách giữa người đứng 2 bên đường ray và đoàn tàu quá gần nhau, chỉ 1 va chạm nhẹ cũng vô tình khiến người va chạm với đoàn tàu đang chạy. Nhất là sau nhiều clip được đăng tải trên mạng xã hội, ghi lại cảnh người dân hiếu kỳ chạy ra giữa đường ray tàu hỏa để tạo dáng chụp ảnh khi đoàn tàu đang lao đến ở khoảng cách gần.

Café đường tàu tại Hà Nội đang thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm.

Thế nhưng, nếu bỏ qua câu chuyện về loại hình dịch vụ café này thì điều đáng nói lại là cuộc sống của những người đang hàng ngày trực tiếp sống tại 2 bên đường ray tàu hỏa.

Là một trong những người đầu tiên sống tại phố đường tàu, ông Hoàng Xuân Tỵ, cán bộ công nhân viên của ngành đường sắt đã về hưu cho biết, hơn ai hết ông cùng người dân sống tại đây hiểu rõ về quy định an toàn giao thông đường sắt. Những năm gần đây, khách du lịch đổ dồn về các quán café đường tàu rất đông, buộc những người dân trong khu vực phải tự đảm bảo an toàn cho chính khách hàng của mình.

“Đến bây giờ số lượng khách nước ngoài họ đến càng ngày càng nhiều, chúng tôi cũng rất lo vì khôn gian hẹp, lượng khách đông nên chúng tôi cũng có biết lịch trình tàu đi qua nhưng vẫn đảm bảo được là khi tàu đi qua chúng tôi vẫn đứng dẹp hết sang một bên, không để ai ra ngoài mà có từng người, từng nhà làm việc đó chứ không riêng ai. Đến giờ này tôi đã ở đây hơn 50 năm nhưng không xảy ra việc gì”, ông Tị cho biết.

Cũng theo ông Tỵ, cuộc sống ngày càng phát triển, người sinh ra nhưng đất đai thì hạn chế, do đó nhiều người dân sống hàng chục năm tại khu vực phố đường tàu rất muốn có cơ hội được hỗ trợ và di dời đến khu tái định cư. Thế nhưng, nhiều năm qua, những mong muốn đó vẫn chưa thể thực hiện…

“Khu vực chúng tôi đã có chương trình di dời từ năm 1996, chúng tôi cũng đã được cơ quan chức năng đến đo đạc. Đã là cuộc sống, sinh ra cũng là 1 tính mạng, chúng tôi cũng không thích gì ở đây với tiếng ồn ào vì khi đang có giấc ngủ ngon mà có phương tiện chạy qua như thế.

Nhưng do điều kiện chúng tôi là cán bộ công nhân viên đường sắt thì chúng tôi phải làm công việc là theo bám đường sắt thôi chứ không phải chúng tôi không muốn đi. Đây là chưa có chương trình của nhà nước thì chúng tôi chưa đi chứ không phải không đi, mà chúng tôi cũng chưa một lần được thông báo là chuyển đi cả”.

Đa phần khách du lịch đến café đường tàu đều là người nước ngoài. Đựic biết, đoạn đường sắt từ đường Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng, với các quán cà phê trải dài 100m dọc tuyến có không gian rất hép, không đủ chỗ cho du khách ngồi ăn, uống giữ khoảng cách với hành lang an toàn đường sắt và gây mất an toàn khi đoàn tàu chạy qua.

Đã hàng chục năm sống “bám vào đường ray tàu hỏa”, bà Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Phố đường tàu ngày trước đơn thuần chỉ là một khu dân cư chật hẹp, tĩnh lặng với những ngôi nhà mọc san sát 2 bên đường ray. Đây cũng là nơi vứt rác thải của người dân, khách đi tàu và là địa điểm lý tưởng của các đối tượng nghiện ma túy.

Mãi cho đến những năm gần đây, sau các quán café đường tàu xuất hiện, phố đường tàu mới được du khách biết đến nhiều hơn. Từ đó người dân đã có ý thức chỉnh trang nhà cửa, xếp gọn đồ đạc, mọi người nhắc nhở đứng gọn vào trong khu vực an toàn mỗi khi tàu đến, phố đường tàu trở nên khang trang, sạch sẽ hơn, người dân có thêm thu nhập và tránh được khỏi các tệ nạn xã hội.

Thế nhưng, một điều canh cánh với bà Nguyệt và những người dân xung quanh phố đường tàu là khi nào họ sẽ được chuyển đi nơi khác?

“Đợt cuối cùng chúng tôi được thông báo vào tháng 8/1990, dự án này ký nhiều rồi mà không làm được sau đó lại nói làm đường sắt trên cao, cầu vượt ở đây, yêu cầu chúng tôi phá đi đập lại rồi để đấy. Bây giờ nhà tôi 7 người không có công văn việc làm, công nhân đường sắt về hưu làm gì còn việc làm nữa…”.

Theo Trung tá Nguyễn Công Hà, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội), trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, đơn vị đã in tờ rơi với nội dung phong phú, dễ hiểu, tập trung và cảnh báo các nguy cơ khi du khách vui chơi, chụp ảnh trên khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Ngoài việc ký cam kết duy trì bảo đảm an toàn giao thông đường sắt cho người dân cho du khách, lịch chạy tàu mỗi ngày 7 cặp tàu ra vào ga Hàng Cỏ đều được cập nhật để người dân được biết, thực hiện nghiêm các quy định an toàn. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2024 đến nay, tại khu vực trên chưa xảy ra tai nạn liên quan đến đường sắt.

“Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, đơn vị thường xuyên triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ từ công tác điều tra cơ bản địa bàn đến trực tiếp bố trí tổ tuần tra kiểm soát các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn giao thông đường sắt. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các hộ dân sinh sống 2 bên ĐS. Các hoạt động kinh doanh chúng tôi thường xuyên phối hợp với CA phường và Cty Hà Hải để nhắc nhở các hộ dân kinh doanh đảm bảo an toàn sinh hoạt của người dân và khách du lịch”, Trung tá Nguyễn Công Hà cho biết.

Đại diện Đội CSGT đường bộ số 1, Công an cơ sở, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải và người dân ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Hiện tại, 100% hộ dân sinh sống, kinh doanh hai bên tuyến đường sắt đã đều ký cam kết không lấn chiếm hành lang an toàn, không để du khách tự ý chụp ảnh trên đường ray.

Theo các chuyên gia, đường sắt là phạm vi cần được bảo vệ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Việc người dân sống 2 bên đường sắt là do lịch sử để lại. Do đó, Hà Nội cần có những giải pháp để hỗ trợ người dân phố đường tàu, đồng thời có phương án thực hiện di dời, tái định cư các hộ sinh sống, kinh doanh trong khu vực hành lang ATGT đường sắt, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Đường sắt và ổn định đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh lâu dài cho người dân.

Trước đó, để tự đảm bảo an toàn người dân tại khu phố đường tàu đã tự dựng barie trước khu vực cửa nhà, lắp camera để cảnh báo người dân và du khách. Thế nhưng, đây là chỉ những phương án tạm thời được đưa ra, còn người dân nhiều năm qua vẫn đang phải chờ những quy hoạch rõ ràng hỗ trợ họ tránh bị “mắc kẹt” trong phố đường tàu./.