Lúng túng trong quản lý làm khó taxi truyền thống

VOVGT - Sau hơn 1 năm thí điểm ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải bằng hợp đồng điện tử, đến nay, cơ quan quản lý vẫn lúng túng trong việc quản lý.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cơ quan quản lý vẫn lúng túng trong việc quản lý hoạt động của Grab, Uber

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp taxi hoàn toàn ủng hộ việc phát triển công nghệ vào quản lý, vận hành trong lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên ông Bình cho rằng, vấn đề là cơ quan quản lý phải quản lý được loại hình này. Ông Bình dẫn chứng, trong khi Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo chặt chẽ khi thí điểm, nhưng sau 17 tháng thực hiện, số lượng phương tiện tham gia thí điểm tại Hà Nội và Tp.HCM đã lên xấp xỉ 40.000 xe, trong khi tại Hà Nội, từ năm 2011 taxi truyền thống đã không được tăng số lượng xe. Bên cạnh đó, trong khi taxi truyền thống phải chịu 13 điều kiện, quy định chặt chẽ thì các doanh nghiệp tham gia thí điểm như Grab, Uber lại không bị ràng buộc nhiều.

Ông Đỗ Quốc Bình nói: "Bản chất ở đây liên quan đến vấn đề sử dụng tiền để mua khách hàng, sử dụng tiền để đưa các chương trình khuyến mại vi phạm các quy định của pháp luật. Vì quy định của pháp luật chỉ cho phép 90 ngày, nhưng các đơn vị thí điểm lại khuyến mại lên đến 365 ngày".

 

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp.HCM cũng cho rằng chủ trương đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh là việc làm cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, theo ông Hỷ, cần nhận diện bản chất của Uber, Grab đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Bởi thực tế Grab, Uber đang thực hiện một loạt công việc không thuộc chức năng của những đơn vị cung cấp công nghệ như: tuyển dụng, điều hành lái xe, quyết định giá cước, trực tiếp thu tiền từ khách hàng, tổ chức khuyến mại…

Theo ông Hỷ, việc làm rõ Uber, Grab là loại hình kinh doanh gì để từ đó có giải pháp quản lý, chứ không để phát triển bất bình đẳng như hiện nay. Bởi trong khi taxi truyền thống bị bó buộc bởi 13 điều kiện, còn Uber, Grab thì gần như không có điều kiện rằng buộc nào, như: không bị hạn chế đi vào phố cấm, thậm chí trong giờ cao điểm, các phương tiện tham gia thí điểm còn tăng giá cước.

Ông Hỷ nói: "Ở đây chúng tôi cảm giác có gì đó bất ổn về cơ chế chính sách và điều kiện kinh doanh giữa hai loại hình này. Một bên thì thoải mái, một bên thì bị trói buộc hơi chặt. Đây chính là sự bất ổn về cơ chế chính sách và điều kiện kinh doanh, dẫn đến khó có sự công bằng mặc dù hình thức kinh doanh và phương tiện kinh doanh thì hoàn toàn giống nhau. Đa số lãnh đạo các đơn vị thành viên của chúng tôi đều cho rằng taxi có thể thua lỗ, phá sản, nhưng nguyên nhân không phải vì Grab, Uber, mà chết vì chính sách của nhà nước nếu không kịp thay đổi".

 

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho rằng đang có nhiều bất cập quản lý số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử, nhất là bất cập trong quản lý về số lượng phương tiện. Theo ông Quang, hiện số lượng phương tiện tham gia thí điểm tại Hà Nội tăng quá nhanh với trên 7.200 phương tiện. Bên cạnh đó, hiện cũng thiếu chế tài xử lý vi phạm, gây khó khăn khi xử lý với các xe hợp đồng điện tử vi phạm.

Do vậy, ông Quang đề nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội tạm dừng thí điểm số lượng doanh nghiệp và số lượng phương tiện tham gia, đồng thời áp dụng biện pháp quản lý xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab như xe taxi.

Ông Quang nói: "Chúng tôi kiến nghị là cho phép Tp. Hà Nội tạm dừng công tác thí điểm về số lượng doanh nghiệp và số lượng phương tiện tham gia thí điểm. Đây là cái chúng tôi kiến nghị từ tháng 3, nhưng ý kiến của Bộ thì đề nghị phải rà soát thật kỹ về số lượng xe tham gia và tốc độ phát triển, nhưng có những doanh nghiệp không báo cáo nổi số lượng đầu xe tham gia".

 

Những bất cập trong công tác thí điểm xe ứng dụng hợp đồng điện tử cũng thu hút sự chú ý của các đại biểu Quốc hội ghi nhận. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Hà Nội) đã gửi ý kiến đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó ông Quốc cho rằng, chủ trương cho phép Grab, Uber thử nghiệm vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống tại những đô thị quan trọng đã tới ngưỡng của sự phát triển. Do vậy, cần phải giới hạn về số lượng phương tiện tham gia thí điểm để tương quan với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Theo ông Quốc, càng thử nghiệm lâu thì những hệ lụy càng lớn.

Bên cạnh việc đề xuất cơ quan chức năng cần có chính sách quản lý xe hợp đồng điện tử một cách hiệu quả hơn, tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho taxi truyền thống, một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp mạnh mẽ với Grab khi đưa vào sử dụng dịch vụ xe đi chung dù đã bị Bộ GTVT “tuýt còi”. Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong chuyên mục Tiêu điểm tiếp theo.