Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Trong khi lộ trình tuyến cố định được giao cho Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận, trên cơ sở khảo sát, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, thì việc thay đổi lộ trình tuyến lại phải chờ quyết định của Bộ GTVT, khiến hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng.

Bởi vậy, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần mạnh mẽ phân cấp, trao quyền cho các Sở GTVT trong việc chấp thuận thay đổi lộ trình tuyến, đồng thời đẩy mạnh áp dụng công nghệ để giám sát, quản lý.

Ảnh nh hoạ: VnExpress

Theo quy định hiện hành, lộ trình vận tải hành khách tuyến cố định do Bộ GTVT quyết định, trên cơ sở tổng hợp của Cục Đường bộ Việt Nam từ báo cáo của Sở GTVT các địa phương.

Theo quy trình này, các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, khi có nhu cầu thay đổi hành trình tuyến, cần đề xuất Sở GTVT nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc chi nhánh, để Sở GTVT thống nhất với địa phương nơi đến. Sau khi 2 địa phương thống nhất, sẽ báo cáo Cục Đường bộ VN để tổng hợp, trình Bộ GTVT phê duyệt hướng tuyến mới.

Quy trình này cho phép quản lý luồng tuyến, hành trình tuyến một cách thống nhất, xuyên suốt từ trung ương, tới doanh nghiệp.

Song, từ câu chuyện một số doanh nghiệp tuyến cố định không được đi trên Quốc lộ, nhưng cũng rón rén khi đi trên cao tốc cho thấy, bản thân doanh nghiệp vận tải thiếu sâu sát, chậm thực hiện việc đề xuất thay đổi lộ trình từ Quốc lộ sang cao tốc, khi trên hành trình có cao tốc mới đưa vào khai thác, đến khi bị CSGT xử lý vì đi sai luồng tuyến mới vội vã thực hiện việc đăng ký thay đổi lộ trình tuyến.

Về phía cơ quan quản lý, từ thực tiễn nảy sinh vừa qua cho thấy, ngay khi các tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác, cơ quan quản lý phải lường trước việc tuyến mới đi lại thuận tiện, không thu phí, chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn phương tiện vận tải đi qua, để từ đó thông tin đến doanh nghiệp kịp thời chuẩn bị.

Đó là chưa kể, thông qua thiết bị giám sát hành trình, Cục Đường bộ VN, các Sở GTVT hoàn toàn nắm được tình trạng phương tiện vận tải liên tục đi sai hành trình để có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời.

Do đó, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi xe khách tuyến cố định có nhu cầu đi trên cao tốc. Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hành khách, mà còn giảm TNGT. Để không lặp lại câu chuyện doanh nghiệp vận tải tuyến cố định luôn nơm nớp khi lưu thông trên cao tốc, các đơn vị vận tải có nhu cầu chạy trên đường cao tốc cần tăng sự chủ động lập danh sách, đăng ký, từ đó Sở GTVT địa phương mới có căn cứ đề xuất Cục Đường bộ VN báo cáo Bộ GTVT thay đổi lộ trình tuyến.

Về phía cơ quan quản lý, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc chấp thuận thay đổi lộ trình tuyến. Bởi hơn ai hết, địa phương sẽ nắm bắt sau sát nhu cầu của doanh nghiệp để có sự điều chỉnh kịp thời.

Ảnh nh hoạ

Bên cạnh đó, Sở GTVT các địa phương, cần tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời cập nhật luồng tuyến một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bởi theo quy định tại Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT, định kỳ 31/3 hàng năm, Sở GTVT các tỉnh phải thống nhất với địa phương đầu tuyến để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định và báo cáo Cục Đường bộ để trình Bộ GTVT công bố.

Trong quá trình đó, nếu doanh nghiệp chưa kịp đề xuất, hoặc qua thời điểm công bố định kỳ, vẫn có thể công bố bổ sung, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý. Tại Nghị định số 10/2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định, áp dụng từ ngày 1/7/2021.

Nhưng khi tìm hiểu thông tin để viết bài này, phóng viên VOVGT ghi nhận, có những luồng tuyến được Bộ GTVT chấp thuận, điều chỉnh từ tháng 11/2023, nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp vận tải vẫn chưa biết, vẫn thấp thỏm khi lưu thông trên cao tốc.

Trong khi nếu thực hiện dịch vụ công mức độ 4 với thủ tục khai thác tuyến như yêu cầu, doanh nghiệp chỉ ngồi ở nhà cũng ngay lập tức biết kết quả thay đổi tuyến sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc chậm ứng dụng công nghệ, chậm phân cấp, phân quyền, cùng với sự thiếu chủ động của cơ quan quản lý không chỉ khiến doanh nghiệp thiệt thòi, địa phương bị động, hạ tầng bị lãng phí, đồng thời còn làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, TNGT do quá tải tuyến cũ./.