Love30: Những con đường vì sự sống

Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 6 do Liên Hợp quốc phát động từ ngày 17 - 23/5. Trọng tâm của Tuần lễ năm tập trung vào vấn đề tốc độ phương tiện, cũng như đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu yếu tố gây thương tích và tử vong do tai nạn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Năm nay, hai thông điệp được Liên Hợp quốc lựa chọn là StreetsforLife (Những con đường vì sự sống) và Love30

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 1,35 triệu người chết do tai nạn giao thông, 20-50 triệu người khác bị thương, trong đó nhiều người phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. Thống kê cho thấy, tai nạn đường bộ là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 tới 29 tuổi.

Tổ chức hai năm một lần, Tuần lễ An toàn đường bộ toàn cầu do Liên Hợp quốc phát động là cơ hội để các chính phủ, tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, cũng như đưa ra giải pháp kéo giảm số người chết trên đường. 

Năm nay, hai thông điệp được Liên Hợp quốc lựa chọn là StreetsforLife (Những con đường vì sự sống) và Love30, kêu gọi chính phủ các nước sớm triển khai ‘những con đường giới hạn tốc độ 30 km/h’ để bảo vệ cuộc sống người dân. Đây không chỉ là ‘chìa khóa’ mở ra hoạt động đi lại an toàn, giảm sự phụ thuộc vào ô tô, mà còn giúp hạn chế phát thải khí CO2, tạo điều kiện cho giao thông công cộng và những “phương tiện xanh” như xe đạp phát triển.

Ông Neil Worth, Giám đốc điều hành GEM Motoring Assist, Tổ chức phục hồi sự cố và An toàn đường phố tại Anh chia sẻ: “Tốc độ thấp có thể cứu sự sống tại bất cứ cộng đồng nào. Việc giới hạn tốc độ 30 km/h sẽ tạo nên những con phố lành mạnh, xanh tươi và đáng sống. Đó là lý do Liên Hợp quốc gọi chúng là những con đường vì sự sống”.

Theo thống kê, mỗi ngày thế giới có khoảng 3.000 trẻ em, thanh thiếu niên thiệt mạng hoặc bị thương nặng trên những con đường. Nghiên cứu chỉ ra, một em nhỏ có thể sống sót nếu không may bị ô tô đâm ở vận tốc 30 km/h. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều tử vong trong những vụ tai nạn do phương tiện chạy tốc độ cao gây ra. Đây cũng chính là ý nghĩa thông điệp Love30 mà Liên Hợp quốc đưa ra ở Tuần lễ an toàn giao thông toàn cầu năm nay. 

Minh chứng tại thành phố Bristol (Anh) cho thấy, việc giới hạn tốc độ 30 km/h đem lại hiệu quả rõ rệt khi số ca chấn thương dẫn đến tử vong giảm tới 63%. Theo khảo sát của Bộ Giao thông vận tải Anh, 70% tài xế cho rằng 30 km/h là vận tốc phù hợp trong khu dân cư.

Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 6 do Liên Hợp quốc phát động sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 17/5 và diễn ra tới hết ngày 23/5. 

Ở chiều ngược lại, lái xe tốc độ cao là một trong những nguyên nhân gây thương vong hàng đầu. Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore cho biết, năm 2020, vi phạm quá vận tốc cho phép cướp đi số sinh mạng nhiều gấp đôi hành vi uống rượu lái xe. 

Giáo sư, bác sĩ Teo Li Tserng, phụ trách khoa chấn thương, thuộc Bệnh viện Tan Tock Seng phân tích: “Những người sống sót sau một vụ va chạm tốc độ cao thường gặp chấn thương bên trong dẫn đến phải nằm viện dài ngày. Tác động của va chạm có thể gây tổn thương đáng kể cho một số cơ quan như gan, lá lách và ruột”.

Còn theo chuyên gia pháp y cao cấp Melvin Lum, tới từ Công ty Koays Accident Reconstruction, trong tất cả các vụ tai nạn giao thông mà ông điều tra 10 năm qua, hầu hết tài xế gặp phải ‘lỗi phán đoán’ hoặc đánh giá sai tốc độ phương tiện: “Thời gian phản ứng của lái xe khi gặp chướng ngại vật phía trước trung bình là 1,5 giây vào ban ngày và 2,5 giây vào ban đêm, nhưng cần khoảng cách xa hơn để xử lý một chiếc xe đang chạy ở tốc độ cao”.

Rõ ràng, tốc độ thấp có thể ngăn ngừa tai nạn giao thông, song các đề xuất giảm vận tốc tối đa trên những con đường luôn gây tranh cãi và nhận nhiều phản ứng trái chiều. Có ý kiến cho rằng, trong xã hội hiện đại việc di chuyển ở tốc độ cao là cần thiết, đem đến sự tiện lợi, cũng như giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế môi trường Peter Christensen, thuộc Đại học Illinois, Mỹ, giới hạn tốc độ thấp giúp kéo giảm rất nhiều những vụ tai nạn giao thông dẫn đến thương vong. Các số liệu chứng nh rằng, điều này mang lại giá trị gấp 1,3 lần so với chi phí xã hội bị ảnh hưởng bởi thời gian đi lại lâu hơn.

Những năm qua, Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu do Liên hợp quốc phát động. Theo Tiến sĩ, Lokky Wai, nguyên Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, vi phạm quy định tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông tại Việt Nam, nhưng vấn đề này có thể ngăn ngừa được.

Bằng việc tuân thủ quy định, di chuyển với tốc độ thấp hơn, chúng ta có thể biến những con đường trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người. Chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình, có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người.

Trước đó, tại Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 4, Liên hợp quốc tại Việt Nam kêu gọi ban hành và thực thi chính sách về tốc độ phù hợp hơn. Đặc biệt, áp dụng tốc độ tối đa trong đô thị là 50km/h và nghiên cứu giảm tiếp tục xuống 30km/h tại những nơi tập trung đông trẻ em, người đi bộ, đi xe đạp và những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương khác.