Loay hoay với chó...

Các đội săn bắt chó thả rông đã từng được thành lập tại TP.HCM từ những năm 2008-2009, hay thí điểm ở Hà Nội năm 2019, nhưng lần nào cũng vấp phải sự phản ứng, đối phó từ người dân và sau đó dừng lại vì không hiệu quả.

Lần này, Hà Nội tiếp tục ra quân, nhưng hiệu quả đến đâu và kéo dài đến bao giờ - vẫn là những câu hỏi được đặt ra trong dư luận.

Ảnh: VnExpress

Các quy định về bắt chó thả rông để phòng bệnh dại ở đô thị không hề mới, đã được Luật hóa trong NĐ 05/2007 của Chính phủ và thông tư 07 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2016

Tuy vậy, mỗi khi Hà Nội hay địa phương nào đó thông tin về việc bắt chó thả rông, người dân vẫn xôn xao. Là bởi những quy định liên quan trước đó, gần như chưa từng được thực hiện.

Cho đến bây giờ, rất nhiều người nuôi chó ở trung tâm thành phố vẫn ngơ ngác khi được hỏi, có đăng ký vật nuôi với chính quyền địa phương không. Cũng không thấy ai đến hỏi và yêu cầu khai báo, dù họ đã nuôi lâu năm.

Cũng bởi không có thông tin quản lý, mỗi khi có chó thả rông hay lạc chủ, các đội săn bắt chó chỉ có thể thông báo “qua loa” và đợi chờ trong thụ động. Mà loa phường thì nhiều nơi đã tắt từ lâu vì không còn hữu dụng, chỉ mới khôi phục gần đây, khi Covid hoành hành.

Quy định về việc xử lý với chó thả rông sau khi bị bắt cũng đang rất chung chung, khiến những người thực thi bối rối.

Chăm sóc lâu quá không được, bán thì không được phép vì vướng pháp lý, tiêu hủy cũng không dễ, vì phải xác định được đó là chó dại hoặc nghi dại, mà việc này cần thú ý cấp xã báo cáo lên cấp huyện, huyện báo lên tỉnh.

Hơn nữa, việc tiêu hủy hay đối xử thiếu nhân văn những vật nuôi được coi là bạn của con người, ngày càng vấp phải rào cản mạnh mẽ của đạo đức xã hội.

Nếu không giải quyết được những vướng mắc này, gần 600 đội săn bắt chó của Hà Nội sẽ lại tiếp tục…loay hoay.

Từ cách đây hơn một thế kỷ, những người nuôi chó ở Mỹ, ở Anh và nhiều quốc gia đã phải đăng ký và xuất trình cả giấy tờ mua bán, xuất xứ của mỗi con chó mà họ sở hữu. Những làn sóng săn bắt chó dại khi đó luôn tạo ra dư luận trái chiều giữa một bên là những người yêu chó, nuôi chó và những người không nuôi.

Ngay cả với việc rọ mõm chó khi đưa ra nơi công cộng, cũng là cả nỗi niềm với chủ chó. Bởi chỉ họ mới hiểu sự khổ sở của loài vật nuôi tinh khôn, nhạy cảm này khi phải mang chiếc rọ. Nhiều người trong số họ cũng thấy việc bắt đeo rọ là không cần thiết khi chó của họ đã được huấn luyện bài bản.

Vì thế, trước khi sốt sắng bố trí nhân lực, tập huấn kỹ năng săn bắt chó cho các đội chuyên trách, Hà Nội và các đô thị có lẽ nên tập trung vào công tác phòng ngừa nhiều hơn, và thực thi những quy định mang tính nền tảng.

Việc quản lý dữ liệu chó nuôi trên địa bàn không hề khó, với sự kết nối thuận lợi về thông tin và các giao thức trao đổi tiên tiến hiện nay. Người nuôi chó không ngại khai báo, chính quyền cũng không phải mất công đi gõ từng nhà nếu có công cụ khai báo tiện lợi, xác thực online.

Chủ vật nuôi ngày nay cũng đã rất ý thức về việc tiêm phòng, chăm sóc sức khỏe cho thú cưng của mình, chính quyền chỉ cần rà soát, nhắc nhở và hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho họ.

Có dữ liệu quản lý, các địa phương sẽ chủ động nhắc nhở chủ chó thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng. Đường dây nóng để người dân thông báo khi phát hiện trường hợp không chấp hành cũng hết sức đơn giản.

Những công viên, vườn hoa, thảm cỏ cần thêm biển hướng dẫn về việc có được cho phép đưa thú cưng tới hay không, và điều kiện kèm theo để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho mọi người.

Dữ liệu quản lý vật nuôi cũng là cơ sở giúp các địa phương dễ xử lý hơn sau khi bắt chó thả rông. Việc công khai địa chỉ các nơi quản lý trông giữ chó bị bắt giúp chủ vật nuôi dễ liên hệ giải quyết.

Săn bắt và xử lý với chó thả rông chỉ là khâu cuối cùng. Nhưng lại cần có quy định cụ thể để gỡ các vướng mắc đã đề cập ở trên, giám sát thực hiện, để tránh lúng túng hoặc…làm bừa.

Trong nỗ lực thanh toán bệnh dại, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xây dựng đô thị văn nh, các quy định về bắt chó thả rông, bắt buộc đeo rọ mõm cho chó khi ra nơi công cộng là cần thiết.

Song, để đạt hiệu quả, tránh đánh trống bỏ dùi ,thì cần bắt đầu từ khâu quản lý việc nuôi, và tiếp cận từ cả lợi ích cộng đồng lẫn chủ vật nuôi để tạo sự đồng thuận, thay vì biến nó thành một “cuộc chiến” hoặc phong trào.