Loại bỏ rác thải nhựa: Tái chế thành vật liệu lát đường

Để cho ra một viên gạch lát đường đạt tiêu chuẩn, cả nhóm phải thực hiện trên dưới 50 mẫu thử mới đưa ra được tỉ lệ pha trộn cùng nhiệt độ đun nóng chuẩn. Đề tài đã giành giải Nhất khoa công trình và giải xuất sắc của trường trong Hội nghị nghiên cứu khoa

Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được người dân sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các chợ và những siêu thị.

Tuy nhiên, khi thải ra môi trường, túi nilon cùng nhiều lại chai nhựa trở thành thứ rác thải vô cùng nguy hại, được  gọi chung là rác thải nhựa. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Rác thải nhựa đang là vấn đề nóng toàn cầu. Ảnh: Hùng Lekima

Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Còn Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. 

90% nhựa mà chúng ta sử dụng cuối cùng sẽ được thải ra các bãi rác hoặc trong lòng đại dương. Từ đó, số chất thải nhựa này sẽ gây ô nhiễm, giết chết các sinh vật biển, phát tán các hạt vi nhựa ra môi trường, thậm chí cả không khí chúng ta hít thở.

Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Không chỉ Việt Nam, cả thế giới đang đau đầu tìm kiếm giải pháp cho bài toán rác thải nhựa. Bên cạnh việc khuyến khích sử dụng các loại túi giấy, nilon tự phân hủy thì tái chế nhựa là một giải pháp đáng được nhắc tới. Mới đây, một công ty tại Scotland đã đưa ra một ý tưởng tái chế rác thải nhựa độc đáo, đó là biến chúng thành nguyên liệu lát đường. 

Chủ nhân của dự án tái chế rác thải nhựa thành nhựa đường, Toby McCartney cho biết: Xưởng tái chế của ông thu thập rác thải nhựa từ nhiều nơi, hầu hết là chai lọ, túi nilon, các loại nhựa khó tái chế. Sau khi được nghiền nhỏ, các mảnh nhựa sẽ được trộn theo một công thức độc quyền của công ty. Nguyên liệu sau đó được đóng gói và chuyển tới các nhà sản xuất nhựa đường. Tại đây, nhựa tái chế được trộn theo tỷ lệ đặc biệt sẽ thay thế cho bitum, thành phần màu đen, có nguồn gốc từ dầu mỏ có trong nhựa đường làm nhiệm vụ liên kết các viên đá dăm lại với nhau.

Chia sẻ về ý tưởng tạo nên dự án, ông Toby cho biết chúng bắt nguồn từ phát biểu của con gái ông tại lớp học: “Giáo viên đã đăt ra câu hỏi: “Có những thứ gì đang sống trong đại dương?”. Sau một vài câu trả lời, con gái tôi giơ tay và nói: “Thưa cô đó là nhựa”. Tôi không muốn con gái mình tiếp tục lớn lên trong một thế giới tràn ngập rác thải nhựa, điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều”.

Nhóm sinh viên nghiên cứu và GS.TS.Phạm Huy Khang, Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh: VTC

Còn tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nói chung, cũng như nhận thức mối nguy của rác thải nhựa nói riêng đã tăng lên rất nhiều. Trong năm 2019, bên cạnh việc một số siêu thị thử nghiệm dùng lá chuối thay nilon, thì một dự án khác liên quan tới rác thải nhựa cũng thu hút được nhiều sự chú ý, đó là dự án làm gạch lát đường từ túi nylon của nhóm 5 sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải.

Chia sẻ của bạn Trần Thế Anh, lớp Cầu đường và sân bay K56, đồng thời là trưởng nhóm cho biết:

 

“Vấn đề rác thải nhựa nói chung đang là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Cộng thêm với những kiến thức được học, chúng em nảy ra ý tưởng: Tại sao không dùng túi nylon thay thế cho chất polymer ở trong bê-tông? Từ đó dự án này ra đời”.

Từ đó nhóm của Thế Anh bắt tay vào chế thử một loại vật liệu từ ba nguyên liệu dễ kiếm và quen thuộc: cát, đá và túi nylon. Túi nylon được nhóm rửa sạch, phơi khô trước khi bắt đầu xử lý. Sau một vài thất bại với việc pha trộn túi nylon, nhóm quyết định đun nóng nylon, tạo thành một chất phụ gia có khả năng tăng độ bền cho sản phẩm. 

Sau khi phối trộn các nguyên liệu với tỉ lệ được tính toán cẩn thận, hỗn hợp này đưa vào chảo đun nóng đến 180-220 độ C. Sau khi đạt được độ kết dính nhất định, hỗn hợp phải cho vào khuôn, sau đó dùng búa và đầm nén chặt để tạo nên sản phẩm cuối cùng.

Cả nhóm phải thực hiện trên dưới 50 mẫu thử để tìm ra tỉ lệ trộn cùng nhiệt độ đun nóng chuẩn nhất

Để cho ra một viên gạch lát đường đạt tiêu chuẩn, cả nhóm của Thế Anh đã phải thực hiện trên dưới 50 mẫu thử khác nhau mới đưa ra được tỉ lệ pha trộn cùng nhiệt độ đun nóng chuẩn. Với niềm say mê, tâm huyết, đề tài của nhóm đã giành giải Nhất khoa công trình và giải xuất sắc của trường trong Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019. 

Theo GS.TS.Phạm Huy Khang, giáo viên trường ĐH GTVT, và là người giúp đỡ, hướng dẫn nhóm trong quá trình thực hiện, thì dự án có tính khả thi cao, giá thành sản phẩm rẻ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế nếu muốn đưa ra sử dụng trên thực tiễn:

 

“Thứ nhất, hiện tại sản phẩm chưa thể đem ra tùy tiện sử dụng ở một dự án xây dựng nào đó. Dù các em đã thử nghiệm một mẫu khác để đánh giá thử chất lượng theo một công trình xây dựng cụ thể thì đã đạt yêu cầu, nhưng để áp dụng thực tế thì lại là một câu chuyện khác.

Thứ hai, theo kinh nghiệm của chúng tôi, hiện những đề tài kiểu như thế này, chỉ có thể áp dụng trong các dự án vừa và nhỏ, như bãi tắm hoặc công viên vui chơi chẳng hạn, chứ chưa thể làm ở quy mô lớn được.”

Đề tài của nhóm đã giành giải Nhất khoa công trình và giải xuất sắc của trường trong Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019

GS Phạm Huy Khang cho biết thêm, vì đây là dự án thân thiện với môi trường, nên việc nghiên cứu, xem xét vấn đề phát thải trong quá trình sản xuất là điều không thể thiếu. Hiện quá trình đun nylon làm chất phụ gia vẫn có lượng khí thải nhất định, cần nghiên cứu thêm để đưa ra giải pháp xử lý lượng khí thải này một cách hợp lý.

Nhưng quan trọng nhất, theo GS đó là sự ủng hộ tới từ nhà nước. Hiện đề tài của nhóm các bạn sinh viên mới chỉ dừng ở cấp trường với nguồn kinh phí hạn hẹp, cần có sự ủng hộ, vào cuộc từ các cấp chính quyền để nhóm có điều kiện nâng tầm đề tài lên mức cao hơn.

 

“Để triển khai tiếp ở một mức độ lớn hơn, theo tôi thì cần nghiên cứu thêm về thiết bị gia công sản phẩm, thứ hai là công nghệ xử lý phế thải thành nguyên liệu thô. Có những thứ đó thì mới triển khai tiếp được”.