Lo thiếu ngân sách khi quỹ bảo trì đường bộ 'hòa chung' vào các loại phí khác

VOVGT- Theo Thông tư số 293, phí bảo trì đường bộ thu được qua đầu phương tiện sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước và do Bộ Tài chính phân bổ cho các địa phương...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nhiều tuyến đường xuống cấp khiến người dân đi lại khó khăn (Anrh: Báo Tuổi trẻ)

Nói về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ trước đây, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam – một trong những thành viên soạn thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho biết, Luật Giao thông thông đường bộ năm 2008 đã quy định hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ, trong đó nguồn thu là từ ngân sách và từ đóng góp của người tham gia giao thông để phục vụ bảo trì đường bộ.

Từ năm 2012, năm đầu tiên thực hiện thu phí, mức thu đạt khoảng 3.000 tỷ đồng và tăng dần đến năm 2017 dự kiến thu được khoảng 7.000 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, từ năm 2012 đến nay, việc thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện được các Trung tâm đăng kiểm thực hiện và nộp về kho bạc, trên cơ sở đó phân bổ về các địa phương có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường bộ nên việc vận hành rất nhanh chóng và hiệu quả.

>>>Cao tốc Bắc- Nam: Cần nghiên cứu huy động vốn nước ngoài

Cần có những phương án để hoạt động bảo trì hệ thống đường bộ được kịp thời (Ảnh: Báo đầu tư)

Tuy vậy, thực hiện Luật Ngân sách, năm 2016, Bộ tài chính ban hành thông tư 293, trong đó tiền phí thu được từ phí bảo trì đường bộ được gộp chung vào ngân sách Nhà nước và chi tiêu theo Luật Ngân sách nên sẽ khó có thể phân bổ kịp thời khi hệ thống đường bộ xuống cấp.

Về điều này, ông Thanh cho biết: “Bây giờ tiền từ trạm đăng kiểm, nộp về kho bạc rồi nộp về Ngân sách Nhà nước. Về Ngân sách này nước thì Bộ tài chính lại căn cứ đề nghị của Bộ GTVT, Quỹ bảo trì rồi Bộ Tài chính lại cấp trở lại, tức là vòng qua cơ quan tài chính, thậm chí cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay có mầm mống là lòng vòng như thế thì tiền không đến nơi đến chốn, không kịp thời, đường xuống cấp.”

 

Cũng theo đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ phần lớn từ người dân đóng góp, chỉ dành cho bảo trì đường bộ. Khi Hội đồng Quỹ chủ động được kinh phí thì có thể bảo trì sớm hơn, theo đúng định kỳ hơn. Ông Thanh nói: “Ở ền Nam nếu mùa mưa không kịp bảo trì, nếu không kịp thời bảo trì, nâng cấp, sửa chữa, hệ thống đường bộ rất dễ xuỗng cấp nhanh hơn. Bộ GTVT đã kiến nghị với Bộ tài chính phải thay đổi, trả về đúng tên gọi của Quỹ để nếu đường xuống cấp thì chỉ có Bộ GTVT chịu trách nhiệm, có địa chỉ rõ ràng.”

 

Thừa nhận thực tế này, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành và hoạt động theo Luật Giao thông đường bộ và do Hội đồng Quỹ quản lý, bao gồm cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT và chịu sự giám sát của cảu nhân dân thông qua Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Bất cứ chi tiêu nào cũng thông qua Hội đồng của Quản lý Quỹ. Tuy vậy, từ năm 2017, Quỹ Bảo trì đường bộ nộp vào ngân sách và hoạt động theo cơ chế Luật Ngân sách, nên một số văn bản có sự đan xen, chồng chéo.

Ông Minh nói: “Hiện nay nhu cầu bảo trì thực tế đang rất cao, hệ thống đường xá, cầu cống đến thời kỳ đại tu, trung tu… nhưng tiền không đủ và không có nên mới chỉ đáp ứng khoảng trên dưới 40%.”

 

Cũng theo đại diện Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, thực hiện theo Luật Ngân sách, từ năm 2017, các địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tế sẽ lập dự toán báo cáo Bộ Tài chính để trên cơ sở đó phân bổ về các địa phương.

Tuy nhiên, việc duyệt, cấp kinh phí từ Bộ tài chính về đến các địa phương thường bị chậm trễ, nên hoạt động bảo trì hệ thống đường bộ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với các cơ quan liên quan và Quỹ Bảo trì đường Bộ Trung ương nghiên cứu để đề xuất phương án tạo thuận lợi cho hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ được kịp thời.

>>> Xe không đóng quỹ bảo trì đường bộ có bị phạt không, phạt thế nào?