Lịch sử là cội nguồn dân tộc

Trong dư âm của ngày 30/4 lịch sử vừa qua và hôm nay (07/5) kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ,  cô Hoàng Thị Lan Hương – Giáo viên dạy môn Lịch sử, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ với VOV Giao thông những tâm tư về môn học này.

Đối với giáo viên dạy Lịch sử, bất kỳ ngày kỷ niệm về dấu mốc quan trọng trong lịch sử đều có một ý nghĩa to lớn.

Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ về sự hào hùng của ông, cha ta mà còn là lúc tự hào về nghề nghiệp, môn học mình đang truyền lửa cho thế hệ sau đúng với tinh thần “Dân ta phải biết sử ta”.

 

Tôi đã từng rất vui khi thấy học sinh của tôi học chuyên Tiếng Anh nhưng làm được một sơ đồ học Lịch sử rất dễ nhớ.

Chứng tỏ môn Lịch sử không khô khan, khó nhớ, chỉ là cách truyền đạt thế nào để môn này ngày càng hay hơn, dễ tiếp thu hơn".

Dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm phát triển cùng những trang lịch sử đầy hào hùng, khí thế, đánh thắng một số cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực phong kiến và đế quốc. Lịch sử Việt Nam ta là “Dựng nước luôn đi đôi với Giữ nước”.

Không chỉ có vậy, môn lịch sử còn mang trong mình vai trò giúp cho cộng đồng nhận thức chính mình; dân tộc hình thành, ra đời như thế nào? Quá trình phát triển ra sao?...

Và hơn cả, những bài học trong lịch sử phải đổi bằng xương, máu, sự hy sinh mới có thể rút ra cho các thế hệ sau.

Vì vậy, lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn soi chiếu hiện tại và dự báo tương lai.

Tôi tự hào khi mang trong mình trách nhiệm truyền đạt những quá khứ hào hùng đó cho thế hệ trẻ hay nói cách khác là chính học sinh của mình.

 Nhưng trong sự tự hào, hãnh diện đó, tôi lại thoáng buồn khi gần 20 năm đứng trên bục giảng, tôi không nghĩ đến một ngày môn học có vai trò, vị trí quan trọng như môn Lịch sử nay lại thành một môn tự chọn từ năm học 2022 – 2023.

Văn hóa, lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là hành trang của nhiều chiến sĩ khi ra trận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì vậy khi môn học này thành môn tự chọn, tôi đã rất buồn. Thực sự buồn...

Đi cùng nỗi buồn là sự lo âu. Tôi lo rằng các thế hệ học sinh tiếp theo sẽ không còn mặn mà với môn Sử. Vốn dĩ môn học này trong quá khứ đã gặp nhiều “sóng gió” và nhìn lại kết quả môn học này ở các kỳ thi THPT quốc gia cũng không được tốt.

Năm 2019, chúng tôi có một cuộc họp với Bộ Giáo dục & Đào tạo để tìm ra nguyên nhân vì sao môn học này lại có 70% số bài thi dưới 5 điểm. Rồi đến năm 2021 môn Lịch sử vẫn là môn có kết quả thi thấp nhất trong tất cả các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

Tôi tin rằng, có ngày môn Lịch sử sẽ lấy lại được vị thế vốn có của mình.

Lịch sử là cội nguồn dân tộc”.

Xu hướng hiện nay phụ huynh đa phần đầu tư cho con học toán, lý, hóa và ngoại ngữ… để dễ chọn ngành nghề, trường đại học, có tương lai, cơ hội việc làm nghề nghiệp tốt hơn. Vậy nếu sang năm học 2022 - 2023 môn Lịch sử thành môn học tự chọn thì môn học này còn hay mất?

Song hành cùng sự lo âu là câu hỏi được đặt ra trong thâm tâm tôi lúc này về thế hệ giáo viên dạy môn Lịch sử trong tương lai. Nếu thành môn học tự chọn, học sinh theo học ít đi thì liệu có thu hút được nguồn giáo viên cống hiến cho môn học?

Gần đây, tôi đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng, theo quyết định mới, ở cấp Trung học cơ sở, hai môn Lịch sử và Địa lý được gộp chung lại và bắt buộc. Còn ở cấp Trung học phổ thông, môn Lịch sử chỉ là môn tự chọn.

Vị trí môn Lịch sử không những không được cải thiện mà còn bị đẩy thấp hơn.

Bên cạnh đó, trong thời cuộc công nghệ phát triển như ngày nay, nguồn thông tin về lịch sử không chỉ đến với học sinh thông qua trường lớp, các em được tiếp cận với nhiều luồng thông tin hấp dẫn với nội dung đặc sắc ở các trang thông tin điện tử, trên các nền tảng số. Việc này đặt ra sức ép cho người giáo viên luôn phải căng mình thay đổi trong cách giảng dạy, truyền đạt môn học tới học sinh để thực sự thu hút các em.

Lịch sử là cội nguồn sức sống và sự trường tồn của dân tộc, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi âm mưu đồng hóa của kẻ thù đã từng xâm lược và khơi dậy, nuôi dưỡng lòng yêu nước cho tất cả người dân.

Vì vậy, lịch sử phải được đặt đúng vị trị vốn có với tư cách là một môn khoa học cơ bản và trụ cột.

Đến thời điểm này, không ai có thể vẽ rõ số phận môn Lịch sử khi thành môn học tự chọn trong tương lai sẽ ra sao.

Nhưng có một điểm chúng ta cần nhìn thấy là lực lượng giáo viên dạy bộ môn đang từng ngày, từng giờ thay đổi phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy để học sinh có hứng thú mỗi khi nhắc tới môn Lịch sử, từ đó khẳng định vị trí giữa những môn học khác.