Làm thực chất thay vì kêu gọi

Để xây dựng được chuỗi nông sản sạch, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chỉ làm theo phong trào và kêu gọi chung chung mà phải thực sự xắn tay vào cuộc để có nhiều cách làm hay, mô hình mới; rồi nhân rộng; thể hiện hiệu quả rõ nét trong cuộc sống.

Ảnh nh họa

Câu chuyện nông sản, thực phẩm sạch, an toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn chưa bao giờ lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Người ta quan tâm vì biết rằng sử dụng đồ ăn thức uống không an toàn, thậm chí là bẩn sẽ để lại nhiều hệ quả xấu về mặt sức khỏe cho bản thân,gia đình cả trước mắt và lâu dài.

Nhà sản xuất, nhà nông; doanh nghiệp kinh doanh, cửa hàng, siêu thị cũng nhận thức được yêu cầu này nên đều hướng đến mục tiêu cung ứng nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng.

Đáng mừng là cách làm ăn theo chuỗi; doanh nghiệp, siêu thị bắt tay với nông dân hoặc tự mình xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn Vietgap ngày càng nhiều. Người tiêu dùng cũng hào hứng và ưu tiên chọn mua nông sản sạch ngày một phổ biến.

Nhà sản xuất và kinh doanh nhờ vậy đều có lợi nhuận, đủ khả năng tái đầu tư và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc nông sản trôi nổi, không an toàn đội lốt nông sản sạch vào cửa hàng, siêu thị cũng không hiếm với nhiều vụ việc bị phanh phui; khiến người tiêu dùng hoang mang. Không ít nhà sản xuất và nông dân không tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất theo hợp đồng, xé rào, chạy theo lợi nhuận; trộn lẫn nhiều các loại nông sản khác nhau để cung ứng.

Doanh nghiệp, siêu thị thì không giám sát kiểm tra chặt chẽ hoặc cũng ngó lơ; khi nhập hàng thì gắn đại nhãn mác sạch để bày bán. Đó là chưa kể cũng vì hám lợi mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng tuồn rau không rõ nguồn gốc, rau bẩn bày lên quầy kệ để bán. Người tiêu dùng vì tin tưởng cửa hàng, cửa hiệu mà không tính toán, cân nhắc xuống tiền nhưng không biết niềm tin của mình đã bị phản bội.

Các cơ quan quản lý nhà nước dù được giao nhiều công cụ nhưng không kiểm tra, giám sát thường xuyên nên để tình trạng nông sản xuất theo kiểu mù mờ, không đảm bảo chất lượng vẫn xảy ra. Việc cấp phép, công nhận kết quả an toàn cho nông sản nhiều nơi còn phiền toái,nhiêu khê; cá biệt có trường hợp nhũng nhiễu.

Chế tài xử lý, xử phạt chưa nghiêm nên không đủ tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Nông sản Việt vì thế không thể vươn xa ra quốc tế mà ngay cả trong nước đôi khi cũng bị người tiêu dùng quay lưng.

Đã đến lúc, nông sản chất lượng, an toàn là mục tiêu tối thượng và không thể bàn lùi. Nhà vườn,  nhà sản xuất, doanh nghiệp cung cấp và người tiêu dùng phải ngồi chung một thuyền gọi là chuỗi giá trị. Xem thường bất cứ một công đoạn nào trong dây chuyền này thì con thuyền hoàn toàn có thể bị đánh đắm.

Do vậy mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi và nhận thức của mình trong quy trình sản xuất. Nếu cố tình làm ăn gian dối sẽ bị đào thải và loại bỏ ngay tức khắc, không thể tồn tại mãi. Vì mớ rau, con cá, hạt lúa củ khoai là thức ăn hàng ngày, có thể phân tích và định lượng, định tính được bằng các công nghệ nên cũng dễ nhận biết để đánh giá sạch hay không sạch.

Việc của nhà quản lý là phải đặt ra luật chơi chặt chẽ, mang tính dẫn đường để các bên cùng cam kết thực hiện thông qua các tổ chức khuyến nông, khuyến công. Đi kèm là các chế tài xử lý nghiêm khắc với bất cứ ai vi phạm; đồng thời hỗ trợ tối đa cho các bên thực hiện các mục tiêu đề ra về nguồn vốn, đất đai, nhân lực, giao thông, xúc tiến thị trường.

Các bên tham gia từ nhà nông, đơn vị sản xuất đến doanh nghiệp kinh doanh cung ứng cũng phải thể hiện sự ràng buộc của mình theo các hợp đồng cam kết; ai vi phạm sẽ phải đền bù hoặc nhận hình phạt thích đáng. Người tiêu dùng trong thời đại 4.0 cũng cần cẩn trọng và sàng lọc kỹ càng trước khi mua bán; không vô tình hay cố ý tiếp tay cho nông sản bẩn; sẵn sàng tẩy chay các nhà sản xuất gian dối.

Để xây dựng được chuỗi nông sản sạch, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chỉ làm theo phong trào và kêu gọi chung chung mà phải thực sự xắn tay vào cuộc để có nhiều cách làm hay, mô hình mới; rồi nhân rộng; thể hiện hiệu quả rõ nét trong cuộc sống.