Lạm thu, sao nói hoài vẫn còn mãi

Việc vận động các nguồn lực cùng tham gia với Nhà nước để nâng cao chất lượng giáo dục (xã hội hóa giáo dục) trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn là chủ trương phù hợp và trên thực tế đã phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, qua hơn 30 năm triển khai, chủ trương này đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó tình trạng lạm thu là một trong những biến thể đáng được nhìn nhận đầy đủ hơn.

Ảnh nh họa

Dù ít hay nhiều thì các khoản đóng góp thông qua Ban Đại diện cha mẹ học sinh (trước đây gọi là Hội Phụ huynh học sinh) đã trở thành quy luật bất thành văn tồn tại ở hầu khắp các trường học trên cả nước.

Ở góc độ tích cực thì các khoản đóng góp này đã và đang giúp hoạt động giáo dục trở nên thuận lợi hơn, các học sinh có nhiều điều kiện để học tập tốt hơn.

Song với những gì diễn ra nhiều năm qua thì tình trạng thu không theo quy định, thu vượt quá khả năng đóng góp của phụ huynh vào đầu mỗi năm học không khác gì một “vấn nạn”.

Bằng những lý do tưởng chừng như “chính đáng” như làm cho lớp học sáng hơn, mát hơn, có thêm phương tiện hiện đại hơn, đường truyền internet nhanh hơn, làm sao để các con được phục vụ tốt hơn… không ít Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thu và chi những khoản tiền rất lớn mà không cần biết các phụ huynh còn lại phản ứng thế nào hoặc có phù hợp với pháp luật hay không.

Trách nhiệm đầu tiên dĩ nhiên thuộc về các Ban Đại diện Cha mẹ học sinh, tuy nhiên không thể phủ nhận trách nhiệm của các Giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu các trường cũng như không thể không nhắc đến vai trò của cơ quan chủ quản ngành giáo dục các địa phương khi để xảy ra tình trạng lạm thu kéo dài nhiều năm qua.

Tuy nhiên cũng cần phải xem lại các quy định về công tác vận động đóng góp, các hướng dẫn về thu chi và hơn hết là nhiệm vụ giám sát của các bên liên quan trong vấn đề này.

Nói một cách công bằng thì hiệu quả sau 10 năm đầu tiên triển khai quá trình đổi mới ngành giáo dục và đào tạo vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Và nếu không giải quyết triệt để được tình trạng “lạm thu đầu năm” thì sẽ còn rất lâu nữa ngành giáo dục mới có thể đạt đến ngưỡng căn bản, toàn diện như định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

Thay vì khẩn trương kỷ luật một giáo viên chủ nhiệm hay cảnh cáo một hiệu trưởng khi dư luận ồn ào về lạm thu thì đã đến lúc cần tính toán đến các giải pháp mang tính căn cơ hơn như thiết lập đầy đủ các quy định, hướng dẫn và thực thi công tác giám sát triệt để việc thu chi các nguồn quỹ từ trường học để đảm bảo tính công khai, nh bạch, khoa học.

Bởi nếu cứ tiếp tục xử lý theo kiểu “hớt ngọn” như hiện nay thì lạm thu đầu năm sẽ vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.