Làm thế nào để tư nhân bỏ vốn vào hạ tầng hàng không?

Hạ tầng hàng không trong nhiều năm luôn được mặc định là sân chơi của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự tăng mạnh về nhu cầu đi lại, sự góp mặt của vốn tư nhân là điều cần thiết, dù là ở Việt Nam hay trên thế giới.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Sau 2 năm chịu nhiều tổn thất do đại dịch COVID-19, lại chịu ảnh hưởng bồi thêm bởi xung đột Nga - Ukraine nhưng nhìn chung, ngành hàng không đang bắt đầu hồi phục với một tốc độ chậm rãi. Các chuyên gia của Hội đồng sân bay quốc tế (ACI) kỳ vọng hàng không sẽ có thể quay trở lại về mức trước đại dịch vào cuối năm 2023, chủ yếu dựa vào thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế cần nhiều thời gian hơn để hồi phục hoàn toàn.

Và trong thời kỳ hậu đại dịch, việc tăng trưởng dài hạn, hay nói cách khác là “phát triển bền vững”, với hàng không, phụ thuộc vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Chúng cần được nâng cấp, tối ưu hóa để phù hợp với những tiêu chuẩn của thời kỳ bình thường mới.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt về tài chính do ảnh hưởng của 2 năm đại dịch đã và đang đặt ra những thách thức đáng kể đối với ngành hàng không. Do đó, việc huy động nguồn vốn tư nhân lại càng trở nên cần thiết. 

Ông Hemant Mistry, Giám đốc Cơ sở hạ tầng và Nhiên liệu toàn cầu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) chia sẻ: “Với top 100 sân bay hàng đầu thế giới thì có khoảng 1/4 trong số đó cần phải nâng cấp hạ tầng trong 10 năm tới. Người đi máy bay hay các công ty vận tải rất cần những nâng cấp đó. Do đó, chúng ta cần đảm bảo hạ tầng phải được tu sửa, nâng cấp đúng thời hạn. Nguồn vốn tư nhân vừa có thể lo được việc đó, lại vừa đảm bảo rằng, cơ sở hạ tầng mới sẽ phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng. Vì xét cho cùng, chính tầng lớp tư nhân là người sử dụng sân bay”.

Để thu hút các nhà đầu tư vào hạ tầng hàng không thì hình thức đối tác công - tư (PPP) có lẽ vẫn là phổ biến nhất. Vào tháng 11 năm ngoái, Hội đồng về Đối tác Công - tư của Canada đã trao giải thưởng Quốc gia về Đổi mới và xuất sắc trong quan hệ đối tác công – tư. Đã có 5 công trình được giải và 1 trong số đó là Sân bay Quốc tế LF Wade tại Bermuda, lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm tại Bắc Đại Tây Dương.

Cụ thể, dự án trị giá 290 triệu đô-la Mỹ được dẫn dắt bởi 3 bên: Chính phủ địa phương, Tập đoàn thương mại nhà nước Canada và AECON, tập đoàn xây dựng nắm giữ 100% cổ phần của nhà điều hành sân bay, Skyport. Trên thực tế, uớc tính đã có khoảng 400 triệu đô-la Mỹ đầu tư từ các công ty tư nhân vào sân bay này. 

Nhờ đó, từ một sân bay cũ kĩ, lạc hậu được xây từ năm 1947 nay đã được xây mới hoàn toàn. Nhà ga mới nhất của sân bay này được khai trương vào tháng 12/2020 đã tích hợp những công nghệ mới nhất, đồng thời chú trọng tới yếu tố bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Aaron Adderley, giám đốc của Skyport, công ty điều hành sân bay chia sẻ về quá khứ khó khăn trước khi sân bay được xây mới: “Trước đây, ngân sách 1 năm để điều hành sân bay chỉ vào khoảng 19 triệu đô-la, quá ít so với số tiền cần thiết để xây mới sân bay. Nhưng vì nhu cầu của hành khách vẫn có, nên chúng tôi chỉ có thể gắng gượng, sửa chữa, gia cố tạm thời các khu vực để sân bay có thể tiếp tục vận hành”.

Theo Hội đồng đối tác công – tư của Canada, sân bay Bermuda là một trong những trường hợp hiếm hoi đạt được thành tựu mà hầu hết các sân bay trên thế giới có thể làm, đó là thu hút vốn đầu tư tư nhân cho một cuộc tái thiết. 

Bên trong nhà ga sân bay quốc tế L.F Wade sau khi xây mới. Ảnh: Aecon

Theo thỏa thuận đối tác công – tư, một số dịch vụ được giao cho chính quyền địa phương quản lý để chia sẻ trách nhiệm với các bên đầu tư, bao gồm Dịch vụ kiểm soát không lưu, bảo trì các thiết bị hỗ trợ và dịch vụ cứu hộ, chữa cháy. Cơ quan quản lý cũng quy định rõ ràng các loại phí mà nhà đầu tư, cụ thể ở đây là Skyport được phép thu với các hãng hàng không cũng như hành khách tại sân bay. 

Khi kết thúc thời hạn thuê, hay thu phí là 30 năm, tất cả hạ tầng, dịch vụ mà Skyport sử dụng sẽ được hoàn trả cho địa phương. Ngoài ra, thỏa thuận còn kèm theo điều khoản rằng giới chức địa phương sẽ phải đảm bảo doanh thu tối thiểu cho các nhà đầu tư trong trường hợp số lượng hành khách không đáp ứng ngưỡng quy định, từ đó đảm bảo trong thời hạn 30 năm, các nhà đầu tư ít nhất sẽ thu hồi được vốn. 

Nhờ vậy mà trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua, các nhà đầu tư vẫn được đảm bảo doanh thu, cụ thể là 20 triệu đô-la Mỹ trong năm 2020. Người phát ngôn của Chính quyền Bermuda cho biết:

“Theo thỏa thuận, chính quyền Bermuda có nghĩa vụ phải hỗ trợ Skyport trong một số trường hợp nhất định. Sự xuất hiện của COVID-19 đã khiến doanh thu của Skyport sụt giảm, nhưng đồng thời kích hoạt điều khoản này. Do đó, trong năm 2020, chúng tôi đã chuyển số tiền 5,7 triệu đô-la cho Skyport. Chúng tôi có trách nhiệm và sẽ đảm bảo Cơ quan quản lý sân bay Bermuda có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận” 

Còn tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách thông qua các sân bay khoảng 275,9 triệu hành khách và khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là khoảng gần 480 nghìn tỷ đồng.

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách, việc nâng cấp hạ tầng hàng không là điều cần thiết, và hiện đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân có mong muốn tham gia đầu tư xây dựng và mở rộng cảng hàng không hiện có.

Tại Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không vừa được Cục Hàng không VN trình Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT chuyển giao khu bay và các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại cho địa phương huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công – tư PPP.  

Như vậy nhà đầu tư tư nhân sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, vốn từ trước đến nay luôn được mặc định là sân chơi của doanh nghiệp nhà nước.