Làm sao để nhà cao tầng không thế chỗ trường học, bệnh viện sau khi di dời?

VOVGT - Chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô nhằm giải tỏa áp lực ùn tắc giao thông nhiều năm qua dường như vẫn chỉ nằm trên giấy?

Chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô nhằm giải tỏa áp lực hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong nhiều năm qua dường như vẫn chỉ nằm trên giấy?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Tại Nghị quyết 12 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021 vừa ban hành, Chính phủ đặt ra yêu cầu cho các thành phố trực thuộc trung ương, phải tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch sử dụng các quỹ đất sau khi di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện… khỏi khu vực nội thành, gắn với bố trí quỹ đất và hạ tầng phục vụ các cơ sở mới trước khi phải di dời ra khỏi khu vực nội thành.

Dư luận đặt câu hỏi, vậy, Chính quyền các Thành phố sẽ phải làm gì để thực hiện chỉ đạo này, tránh tình trạng di dời trụ sở ra khỏi nội thành thì các khu đất vàng lại đua nhau mọc lên cao ốc?

Chia sẻ với Kênh VOVGT, nhiều người dân không khỏi bức xúc khi nhắc đến việc sau khi di dời các trụ sở, cơ quan, các bến xe nhà ga, thì ngay vị trí đó lại mọc lên cao ốc

 

“Như ở bến xe Lương Yên, khi còn bến xe thì mật độ phương tiện trên đường Nguyễn Khoái đã rất đông, nhưng sau khi giải tỏa bến xe Lương Yên thì lại có một tòa nhà rất cao mọc lên, người ta dọn về ở thì thậm chí mật độ giao thông còn cao hơn ngày xưa. Đây là chuyện hết sức bất cập”.

“Thật sự rất lo lắng và không đồng tình với việc quỹ đất của các cơ quan, bến xe, trường học sau khi di dời lại biến thành trung tâm thương mại hoặc khu chung cư. Đã nhiều chỗ như thế rồi”.

“Tôi đã thấy ngày càng nhiều khu cao ốc được xây dựng trên những mảnh đất di dời các nhà máy ra khỏi nội đô ở Hà Nội… khiến Hà Nội đã đông lại càng đông hơn, ùn tắc giao thông ngày càng nhiều. Chúng ta phải làm sao tránh tình trạng cao ốc lại mọc lên tại những địa điểm phải mất bao công sức mới di dời được”.

Dẫn chứng trường hợp bến xe Lương Yên ngay sau khi di dời, hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Thành phố Hà Nội cần chấn chỉnh lại quan điểm quy hoạch. Việc xây dựng hàng loạt nhà cao tầng trên những diện tích được di dời thì không hạ tầng nào gánh nổi và việc ùn tắc là điều đương nhiên:

 

“Bến xe Lương Yên thành các nhà cao tầng luôn, nó rõ như ban ngày rồi. Bến xe Kim Liên thành khách sạn, bến xe Long Biên trở thành chợ... Tức là nhiều bến xe, nhiều nơi, cơ quan này chuyển đi nhưng nhà cao tầng lại mọc lên. Thì cái đó không đúng theo quy định”.

Nhiều bến xe ngay sau khi di dời thì hàng loạt tòa nhà cao tầng khác lại mọc lên

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cũng cảnh báo, việc di dời xuất hiện tình trạng lấy đất xây cao ốc, như thế sẽ không giải quyết được việc giảm áp lực gia tăng dân số, ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô…

 

“Nếu Nhà nước đứng ra làm quyết liệt thì sẽ thực hiện được, không có vấn đề gì, thậm chí có những trường hợp chúng ta phải cấp mới hoàn toàn. Nếu có kinh phí thì chúng ta làm phục vụ nhu cầu xã hội, còn trường hợp khác thì phải thực hiện đấu giá theo chủ trương phục vụ cho xã hội nhiều nhất, và phải đảm bảo quy hoạch để tránh tình trạng tăng dân số nội đô và ách tắc giao thông”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, câu chuyện chính vẫn là thực hiện đúng quy hoạch. Theo ông Võ, từ xưa đến nay các đô thị vẫn liên tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch một cách thiếu căn cứ.

Vì vậy, những khu “đất vàng” thường hay được sử dụng làm nhà chung cư vì khi đó thu được tiền sử dụng đất nhiều hơn là việc bố trí diện tích đất làm vườn hoa công viên... Từ thực tế này, ông Đặng Hùng Võ kiến nghị:

 

“Chúng ta đừng tính lợi ích thuần túy mang tính kinh tế mà phải tính cả lợi ích mang tính xã hội và môi trường nữa. Lúc đó chúng ta sẽ không thấy xót xa khi chúng ta không thu được tiền sử dụng đất nhiều vì lợi ích xã hội và lợi ích môi trường nó không tính đếm được nhưng nó lại đóng vai trò rất qua trọng trong đời sống của mọi người tại đô thị”.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cũng cho rằng, đối với Hà Nội thì việc di dời một số trụ sở bộ ngành, cơ sở công nghiệp, cơ sở y tế, các trường Đại học, cao đẳng đã được Chính phủ phê duyệt năm 1998, đến quy hoạch năm 2011 thì chủ trương này tiếp tục được khẳng định. Tuy vậy, dù khá nhiều bộ ngành, cơ quan đã di dời nhưng Hà Nội chưa tập trung vào các công trình công cộng.

Từ thực tế này Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, muốn hạn chế nhà cao tầng thì giải pháp rõ rệt nhất là Nhà nước phải thu hồi trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện và phải giao lại đất đó cho TP. Hà Nội và việc sử dụng những khu đất này cần thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt:

 

“Bởi hiện nay đất thuộc quản lý của các bộ hoặc của các doanh nghiệp thì cần bàn giao và Nhà nước cần có ngân sách để thu hồi những đất này giao cho Hà Nội thực hiện những công trình công cộng, những không gian xanh như trong quy hoạch đã nêu ra. Đây là vấn đề còn đang tồn tại trong các quy định về hướng dẫn, sử dụng đất”.

Sự dụng đất hậu di dời, cần công khai nh bạch

Các ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch phải có quy trình chặt chẽ hơn. Còn nếu làm ra quy hoạch, duyệt quy hoạch rồi nhưng cứ điều chỉnh một cách tùy tiện thì quá trình duyệt quy hoạch ban đầu không còn ý nghĩa.

Chủ trương di dời các trụ sở cơ quan, trường học bệnh viện ra khỏi nội đô để nhằm giảm bớt áp lực dân cư trong khu vực lõi đô thị, giảm áp lực nhiều mặt cho nội đô, trước hết là về giao thông.

Nhưng thực tế thời gian qua, khi trụ sở vừa di dời, đất vàng đã mọc lên cao ốc. Vì sao một chủ trương đúng đắn khi triển khai lại bị lệch hướng như vậy?

 

“Sử dụng đất hậu di dời, cần công khai nh bạch” (Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOVGT bình luận)

Chủ trương di dời các cơ quan trung ương, cơ sở sản xuất, bệnh viện ra khỏi khu vực trung tâm các thành phố lớn, trước hết vì mục đích để giảm áp lực giao thông nội đô. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là trong nhiều năm qua, mục đích đó gần như đã thất bại.

Các nhà máy, cơ sở công nghiệp được di dời trước tiên, nhưng hầu hết quỹ đất hậu di dời đều đã biến thành các khu dân cư lớn, và làm tăng mật độ cư dân, tăng nhu cầu giao thông.

Các cơ quan trung ương cũng đã dịch chuyển dần ra các quận vùng ven, nhiều đơn vị đã xây trụ sở mới, nhưng hầu hết các cơ quan này vẫn giữ lại đất trung tâm để làm cơ sở 2, thậm chí sử dụng để liên kết hợp tác kinh doanh, không trả lại đất cho địa phương.

Một số đơn vị công lập như bệnh viện như bệnh viện K Hà Nội, sau khi xây cơ sở khám chữa bệnh và điều trị tại ngoại thành, vẫn tiếp tục xin giữ cơ sở cũ và hoạt động như trước.

Thực trạng kể trên cho thấy mục đích giảm tải cho khu vực trung tâm thành phố không đạt được sau khi cấp đất mới cho các cơ quan, đơn vị di dời. Đây là hậu quả của một chủ trương dù đúng đắn, nhưng không được triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc.

Mới đây, Nghị quyết 12 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông gia đoạn 2019-2021 một lần nữa đặt ra yêu cầu cho các Thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch sử dụng các quỹ đất sau khi di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện... khỏi khu vực nội thành, gắn với bố trí quỹ đất và hạ tầng phục vụ các cơ sở mới trước khi phải di dời ra khỏi khu vực nội thành. Quyết tâm đó của Chính phủ là rất rõ ràng.

Tuy nhiên, để các địa phương có thể thực hiện được Nghị quyết này thì trước hết, Chính phủ cần ban hành quyết định đi kèm với Nghị quyết, theo đó, buộc tất cả các cơ quan sau khi di chuyển phải lập tức bàn giao đất cho thành phố, không có bất cứ ngoại lệ nào. Chỉ có như vậy, các địa phương mới có thể chủ động lên phương án sử dụng đất một cách hợp lý.

Khi mà các địa phương không có quyền chủ động trong các phương án sử dụng đất của mình, chưa thể chắc chắn ếng đất đó mình có quyền quản lý hay không, thì họ cũng không thể có khả năng chịu trách nhiệm với các phương án của mình.

Điều duy nhất các địa phương có thể làm được đối với vấn đề này, hiện nay, chỉ có thể là lên phương án sử dụng quỹ đất hậu di dời. Công khai các phương án đó để người dân giám sát và cùng với chính quyền địa phương bảo vệ các thiết chế hạ tầng của thành phố. Chỉ có sự công khai, nh bạch, và sự đồng lòng giám sát của người dân mới có thể đảm bảo các mục tiêu dân sinh được thực hiện đúng với chủ trương vì cuộc sống tốt hơn cho người dân.