Làm gì để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế?

Hiện Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thành công trung tâm tài chính của cả nước và khu vực.

Đây là xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện đại nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực vàquốc tế; xem đây là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa mục tiêu này, cần có cơ chế riêng và nhiều điều phải thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ảnh: Hà Nội mới

Trong văn bản kiến nghị, lãnh đạo TP.HCM đề xuất 3 giai đoạn của đềán. Cụ thể, trong ngắn hạn sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia với các hoạt động đa dạng và tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều hàng hóa, phát triển các loại thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ theo chuẩn mực quốc tế.

Trong trung hạn, định hướng trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn. Về dài hạn, TP kỳ vọng với nền tảng thị trường tài chính cấp quốc gia cùng với các chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, trung tâm tài chính TP.HCM sẽ cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác.

Theo UBND thành phố, việc đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được lên kế hoạch trong 20 năm trước. Sau 2 thập kỷ, giờ đây, TP.HCM được đánh giá là đã hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và quốc tế.

Những năm qua, TP.HCM đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh M&A, các quỹ đầu tư mạo hiểm và kiều hối.

Ngoài ra, mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP.HCM hiện vào loại cao nhất cả nước. Năng suất lao động của TP.HCM gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và liên quan như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư…

Việc đề xuất đề án này, cũng được người dân phấn khởi và đồng tình ủng hộ.

 

"Mình cũng rất kỳ vọng, giúp thành phố phát triển, kinh tế của người dân phát triển hơn, thay đổi nhiều hơn. Rõ ràng, mình sẽ có những được nhiều cái lợi thế hơn, về học tập và tiếp xúc được những cái về kinh tế, về khoa học”.

"Tôi vui mừng trước những phát triển đô thị thành phố chúng ta đã đạt được. Chúng ta xây dựng được một hệ thống đường xá hợp lý, coi như đây là một bộ khung sườn để tạo cho thành phố phát triển".

Nhu cầu hoạt động tài chính ở TP.HCM rất lớn, là điều kiện để hình thành, phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai. Ảnh: Zing

Theo Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh (chuyên gia kinh tế), nhu cầu hoạt động tài chính ở TP.HCM rất lớn, là điều kiện để hình thành, phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.

Ngoài ra, TP.HCM chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc….

 

“Nếu TP.HCM chúng ta đủ quyết tâm và được hỗ trợ đầy đủ của chính sách có tính cởi mở và đột phá của trung ương thì chúng ta hoàn toàn có thể bứt phá được. Tôi nghĩ là về mặt thiên thời, địa lợi và nhân hòa chúng ta đều có những cơ sở tương đối thuận lợi.”.

Ông Trần Thanh Hải (chuyên gia về tài chính) cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM là cần thiết. Tuy nhiên cần dựa vào những lợi thế, những cái riêng của mình để phát triển và bắt kịp so với khu vực. Theo ông Hải, để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính có thể cạnh tranh với khu vực và quốc tế thì cần kết hợp nhiều yếu tố.

Trong đó, cần tạo cơ chế riêng và lớn hơn để xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính đúng nghĩa, thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển thương mại, đầu tư vào kinh doanh, tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và quốc tế.

 

“Để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính mà có thể cạnh tranh dựa trên thế mạnh, chúng ta cần phải kết hợp nhiều yếu tố. Và trong đó, tôi cho rằng, sự thuyết phục đối với trung ương để cho chúng ta có cơ chế lớn hơn, để xây dựng một trung tâm tài chính đúng nghĩa.”.

Hiện Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thành công trung tâm tài chính của cả nước và khu vực.

Đây là xu thế tất yếu của nền kinh tế hiện đại nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam, góp phần nâng tầm quốc gia lên vị thế mới.

TP.HCM đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng thành công trung tâm tài chính của cả nước. Ảnh: Dân Việt

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Làm gì để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế?”.

 

TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong suốt thời gian vừa qua để hội nhập. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch covid bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, với vai trò và vị trí địa lý của mình, thành phố đông dân nhất cả nước đang chuẩn bị đón làn sóng đầu tư FDI rất lớn trong giai đoạn sắp tới.

Bắt kịp xu hướng này, thành phố đã dồn các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối. Chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế số để hỗ trợ.

Sự kiện thành lập thành phố sáng tạo phía đông- TP Thủ Đức và vận hành mô hình chính quyền đô thị, chính là những bước đi đầu tiên để thành phố hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, một yêu cầu đặt ra là cùng với phát triển các ngành nghề sản xuất mang tính sáng tạo, công nghệ; phát triển thương mại, dịch vụ thì đi theo đó là một trung tâm tài chính tầm cỡ là một yêu cầu bức thiết. Trung tâm tài chính không chỉ được ví như” mạch máu” cung cấp nguồn vốn cho một dây chuyền sản xuất mà cao hơn còn thể hiện sự dẫn dắt cho cả nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Việc UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương “Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM” giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là một đề xuất kịp thời và chín muồi trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế, TP.HCM đang là trung tâm giao dịch tài chính lớn nhất cả nước với các định chế tài chính hoạt động khá hiệu quả. Đó là hoạt động sôi động suốt ngày đêm của hệ thống các ngân hàng,các sàn giao dịch chứng khoán; các dịch vụ mua bán, cho thuê, cho vay tài chính.

Với hàng ngàn các giao dịch bằng đủ các hình thức, dạng thức khác nhau mỗi ngày, tạo điều kiện thuận lợi để cho sản xuất và kinh doanh của thành phố phát triển. Đồng thời là tiền đề để hình thành một trung tâm tài chính đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự chuyển đổi mạnh mẽ của thành phố năng động bậc nhất cả nước này.

Trước đó, Thành phố cũng đã quy hoạch và dự kiến phát triển Thủ Thiêm và một phần bờ sông trung tâm ở quận 1 để làm cơ ngơi cho các định chế tài chính hoạt động. Riêng nguồn nhân lực đang được đào tạo tại các viện, trường đủ sức cung ứng cho hoạt động này.

Vấn đề lúc này là nếu được Chính phủ đồng ý, TP.HCM cần triển khai các kế hoạch chi tiết, cụ thể trong đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của mình. Trong đó, thiết kế các định chế, khung chính sách đầy đủ để tiến hành từng bước. Tạo ra các cơ chế đủ mạnh để thu hút nguồn tài chính từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào thành phố ngày một nhiều, với các giao dịch lớn và hiện đại.

Đặc biệt, kịp thời kiến nghị đề xuất với Trung ương các vướng mắc, trở ngại trong quá trình xây dựng trung tâm để tháo gỡ; tránh tình trạng nhà đầu tư vào nhiều nhưng lúng túng, không giải quyết, gây ách tắc.

Về phía các cơ quan trung ương, cùng với việc ủng hộ chủ trương này cần thể hiện các quyết tâm hỗ trợ tối đa để thành phố xây dựng thành công trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; tạo động lực cho kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung phát triển.

Một yêu cầu đặt ra mang tính quyết định sự thành bại của một trung tâm tài chính chính là năng lực quản trị và tạo điều kiện của đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm cho một trung tâm mới và hiện đại này.

Nếu không có sự thay đổi từ chính những con người của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất khó để có được một trung tâm tài chính đi vào hoạt động thực chất và đạt hiệu quả như mong muốn./.