Kiểm soát yếu tố con người trong kinh doanh vận tải bằng hợp đồng điện tử

VOVGT- Việc kiểm soát yếu tố con người trong kinh doanh vận tải bằng hợp đồng điện tử có thể bị lợi dụng trong quá trình hoạt động...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Vẫn còn những kẽ hở trong dự thảo Nghị định mới (Ảnh: Báo Giao thông)

Phát biểu bên lề hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay (23/1), ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dù dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đã dành hẳn một chương riêng cho phương tiện hợp đồng điện tử, nhưng lại chưa đề cập việc quản lý đội ngũ lái xe Uber, Grab, từ khâu tuyển dụng, tập huấn, kiểm tra sức khỏe như thế nào, đến việc giám sát hoạt động của lái xe có đúng Luật GTĐB quy định là không được phép hoạt động liên tục 4 giờ, một ngày không quá 10 giờ hay không.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng: “Lái xe chạy cho Uber, Grab thì đều phải vào doanh nghiệp hoặc HTX, thì doanh nghiệp, HTX phải chịu trách nhiệm thực hiện những nội dung quy định đối với lái xe. Tuy nhiên, hiện nay, tôi đánh giá vai trò của họ là hữu danh vô thực, không có quyền hạn gì cả. Việc điều hành trực tiếp vẫn là từ công ty Uber, Grab”.

 

Cần tăng cường thanh, kiểm tra ở các doanh nghiệp, HTX, nơi các lái xe hợp đồng điện tử đăng ký hoạt động. (Ảnh: Zing.vn)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định, trách nhiệm của các bên giữa Grab, Uber với doanh nghiệp, HTX và người lái xe hiện nay chưa rõ ràng, dẫn tới hệ lụy là hành khách bị thiệt thòi, không biết kêu ai khi xảy ra các sự cố không mong muốn. Ông Hùng dẫn chứng, hàng trăm khách hàng bị Uber, Grab bắt chẹt giá, bị tài xế chửi bới, dọa nạt, đuổi khách dọc đường nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

 

“Khi truy cứu các trách nhiệm, sự việc xảy ra thì các đơn vị cung cấp phần mềm người ta nói rằng, người ta không kinh doanh vận tải, họ chỉ kinh doanh phần mềm. Và trách nhiệm đổ lại các HTX, nhưng HTX lại không có các quy định, không có người để xử lý việc này. Còn các tài xế, họ tận dụng hết thời gian của họ, vì thế này, họ biết là cơ quan quản lý không kiểm soát được. Cơ quan quản lý có nắm được máy chủ, user đâu để mà kiểm soát anh lái xe đó chạy quá 4 tiếng. Và việc này thì lại đang áp dụng với taxi chính thống chúng tôi khi chúng tôi có đường truyền thiết bị giám sát về Tổng cục Đường bộ”.

>>>Bỏ quy định xe tối thiểu: Những việc cần phải làm

Bình luận về việc kiểm soát yếu tố con người trong kinh doanh vận tải bằng hợp đồng điện tử, chuyên gia kinh tế Ngô Chí Long nói:

 

“Thì đúng, đây thực chất là kẽ hở, đòi hỏi Nghị định phải có chế tài giám sát việc này. Còn thực tế, Grab, Uber đã quản lý cụ thể trên phần mềm bằng việc cụ thể là tránh cho đi khứ hồi. Nhưng cũng có những tài xế của các loại xe này đối phó bằng cách tắt thiết bị giám sát, tắt ứng dụng đi, không liên hệ nữa. Cơ quan quản lý cần phải có biện pháp để khắc phục”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) chia sẻ, biện pháp trong thời điểm trước mắt là tăng cường thanh, kiểm tra ở các doanh nghiệp, HTX, nơi các lái xe hợp đồng điện tử đăng ký hoạt động.

Tuy nhiên, theo góp ý của ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, giải pháp căn cơ là Nghị định mới thay thế Nghị định 86 cần quy định chi tiết hơn, buộc Uber, Grab công khai, nh bạch các hợp đồng với các doanh nghiệp, HTX về chuyển giao công nghệ kết nối; cần nh bạch số lượng phương tiện, tài xế với Sở GTVT, Sở Tài chính địa phương. Từ đó, tạo điều kiện cho công tác quản lý yếu tố con người với loại hình kinh doanh vận tải bằng hợp đồng điện tử.

>>>Nhìn lại 1 năm cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ