Khủng hoảng nghỉ lễ và thông tin cao tốc

Chôn chân, chịu trận, bất lực... trên những con đường cao tốc hiện đại là điều mà hàng triệu người đã phải trải qua trong hành trình di chuyển dịp nghỉ lễ vừa qua. Nhưng liệu điều đó có phải không thể nào tránh khỏi?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Những cửa ngõ đô thị ùn tắc nhiều giờ đồng hồ. Xe ô tô hết xăng trên cao tốc. Hành khách loay hoay tìm cách giải quyết nhu cầu bên vệ đường…

Đó là những câu chuyện đã trở nên quen thuộc trước, sau mỗi kỳ nghỉ lễ từ vài năm trở lại đây, và trở nên trầm trọng theo thời gian.

Hàng trăm cú điện thoại gọi về VOVGT trong buổi sáng ngày 30/4 với cùng một nội dung: Hiện nay tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có đi được không? Và có thể tìm phương án thay thế nào? –

Những người dẫn chương trình chỉ có thể trả lời dựa trên những góc nhìn tương đối, được cung cấp tại thời điểm thực tế của các nguồn tin, với cự ly ngắn. Đó là những nỗ lực không nhỏ của một kênh phát thanh công cộng.

Tuy nhiên, điều đó không thể giúp thính giả có được những lựa chọn tối ưu cho lựa chọn hành trình của bản thân. Và điều này hoàn toàn có thể thay đổi, nếu như hệ thống cao tốc của VN có sự đầu tư đúng mức cho hạ tầng thông tin căn bản.

Nếu các đường cao tốc có thiết bị đếm để biết lưu lượng xe qua trạm, để đo được tốc độ trung bình của dòng phương tiện trong mỗi giờ đồng hồ, nếu đầu mỗi tuyến đường có màn hình led để hiện thị những thông tin về các sự cố đang xảy ra trên tuyến, với mức độ nghiêm trọng, và những tác động tiêu cực… người dân đã có thể đưa ra quyết định của mình một cách dễ dàng để không khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Từ năm 2015, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về Hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc đã được ban hành. Và những điều “nếu như” kể trên đã được quy định đầy đủ trong bộ tiêu chuẩn này.

Tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương là tuyến đầu tiên của Việt Nam trang bị hệ thống ITS hiện đại để thông báo tình trạng giao thông.

Tuy nhiên, hiệu quả không cao do việc khai thác những thông tin quan trắc từ hệ thống ITS chưa được sử dụng một cách rộng rãi, và người dân chỉ tiếp cận những thông tin này một cách bị động khi đã đi vào cao tốc.

Ùn tắc kéo dài trên nhiều tuyến cao tốc trong các dịp nghỉ lễ. Ảnh: VOV

Thông tin cảnh báo rủi ro về tình trạng giao thông là thành phần quan trọng hàng đầu để tạo nên sự hiệu quả của các con đường cao tốc. Vì thế nó cần được xác định là một tiêu chuẩn không thể thiếu khi nghiệm thu mỗi con đường cao tốc.

Và tất cả những thông tin quan trắc từ hệ thống này cần được sử dụng một cách hiệu quả, ngoài hiển thị trên đường, nó cần được thông báo một cách đầy đủ từ xa, trước các lối vào cao tốc, thậm chí là trên các phương tiện thông tin công cộng.

Khi một vụ tai nạn xảy ra do tình huống bất ngờ, như vụ xe khách đấu đầu xe cứu hỏa trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vào một buổi chiều mưa năm 2018, đơn vị khai thác đường cao tốc sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu như không thông báo về việc có xe cứu hỏa lưu thông ngược chiều. Nếu như chúng ta có quy định về việc buộc phải cảnh báo.

Cũng trong tình huống ấy, nếu như hệ thống thông tin cao tốc hoạt động, nhưng lái xe khách không tuân thủ khuyến cáo từ xa, vẫn duy trì tốc độ khi đi vào vùng cảnh bảo nguy hiểm, trách nhiệm pháp lý của người lái xe sẽ bị tăng nặng.

Khi mua, trả phí cho một dịch vụ như dịch vụ đường cao tốc, khách hàng cần được cung cấp những thông tin có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của mình. Về mức độ an toàn, tiện nghi, và những tác động tiêu cực vào thời điểm họ lựa chọn dịch vụ.

Những khủng hoảng giao thông vào các kỳ nghỉ lễ sẽ không còn nặng nề như hiện nay nếu như thông tin về tình trạng giao thông trên các tuyến đường cao tốc được thu thập và thông báo đầy đủ.

Những vụ tai nạn do tình huống bất ngờ như vụ xe cứu hỏa Pháp Vân sẽ rất khó xảy ra, những cú dồn toa liên hoàn cũng được giảm bớt. Nếu như tiêu chuẩn quốc gia về giám sát, điều hành giao thông cao tốc 2015 được áp dụng như một tiêu chuẩn bắt buộc cho tất cả các con đường cao tốc ở Việt Nam.

Và tất nhiên, tất cả những điều này cần lập tức được thực hiện, để không còn phải nói “nếu như”.