Khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu: Cần đi kèm cơ chế giám sát để đảm bảo lợi ích của người dân

Là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên ở nước ta quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thông tư 13 được kỳ vọng khắc phục tình trạng “loạn giá”ở các bệnh viện công thời gian qua.

Mặt khác, tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của người dân khi sử dụng dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề xuất hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Ảnh: Chinhphu.vn

Những năm gần đây, ngành y tế ở nước ta đang được đẩy mạnh nhờ áp dụng nhiều công nghệ chuyển đổi số, các kỹ thuật cao, chuyên sâu ngày càng đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng người dân có điều kiện kinh tế vẫn đi nước ngoài để tầm soát, khám chữa bệnh.

Lý do có thể là người dân còn thiếu thông tin về các kỹ thuật y tế chuyên sâu hoặc biết nhưng chưa hài lòng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích của các bệnh viện trong nước. Vậy nên, việc Thông tư số 13 của Bộ Y tế ban hành không chỉ phù hợp trong điều kiện y tế nước ta ngày càng phát triển mà còn “cởi trói” cho các bệnh viện trong việc nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh.

Đó là giúp các bệnh viện, cơ sở y tế có cở sở pháp lý để xây dựng khung giá dịch vụ phù hợp với sức chi trả của người dân; đồng thời tạo nguồn thu cho bệnh viện đầu tư trở lại cở sở, thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, trong bối cảnh giá vật tư ngày càng tăng cao như hiện nay.

Nhờ Thông tư này, bệnh viện sẽ không cậy mình có uy tín, thương hiệu mà xây dựng giá một cách tuỳ tiện. Bởi nếu xây dựng giá quá cao mà cơ sở vật chất không đáp ứng thì người dân sẽ không đến, bệnh viện rơi vào tình trạng “ế ẩm”.

Tuy nhiên, nếu bệnh viện có mức giá hợp lý, tính đúng, tính đủ, đi kèm với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, có thái độ phục vụ tốt thì rõ ràng sẽ càng thu hút khách; thậm chí người dân vẫn chấp nhận bỏ ra mức giá cao để được khám chữa bệnh. Việc bệnh viện có thêm nguồn thu cũng là cơ sở để chi trả tăng lương, giữ chân cán bộ y tế có năng lực gắn bó lâu dài với các cơ sở y tế công lập.

Vấn đề còn lại là, trong quá trình các bệnh viện, cơ sở y tế công lập xây dựng các đơn giá phải công khai để người dân biết mà lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo nhu cầu; khi làm dịch vụ cũng phải chấp nhận góp ý, phê bình thẳng thắn để có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Nhất là chú trọng đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ y tế; sử dụng nguồn thu để đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị y tế.

Để làm tốt việc này, công tác giám sát chặt chẽ từ Thanh tra Bộ Y tế là rất cần thiết; qua đó uốn nắn các bệnh viện có hành vi khám bệnh không chu đáo, không an toàn, cũng như kịp thời phát hiện xử lý hành vi lợi dụng việc tăng giá để tham ô, tham nhũng.

Bên cạnh việc quan tâm đến khung giá khám dịch vụ, nhà nước cũng cần tính toán chính sách hỗ trợ song song với việc chăm lo chất lượng khám bảo hiểm y tế dành cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Không nên đẩy cái khó cho bệnh viện và người dân.

Do đó, để Thông tư nhanh chóng đi vào hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc giám sát, cũng như hoàn thiện các văn bản, quy chế tạo hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế và đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân khi đi khám bệnh./.