Không khoan dung với tài xế say xỉn

VOVGT - Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Park Sang-ki khẳng định sẽ coi say rượu khi lái xe là hành vi sát nhân và sẽ nghiêm trị hành vi này...

Say rượu khi lái xe là hành vi sát nhân, cần phải nghiêm trị

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đêm 21/10, tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) một nữ tài xế có hơi men lái ô tô đã gây ra vụ tai nạn liên hoàn khiến 1 người chết, 5 người bị thường.

Không chỉ tại Việt Nam, tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu bia đang là vấn nạn ở nhiều nước, riêng với Hàn Quốc, Bộ trưởng Tư pháp nước này khẳng định sẽ coi say rượu khi lái xe là hành vi sát nhân và sẽ nghiêm trị.

Tuyên bố trên được ông Park Sang-ki đưa ra sau vụ Yoon Chang-ho, một quân nhân bị chết não và một người khác bị thương, sau khi bị một tài xế say rượu lái xe đâm phải trong lúc đang đi bộ trên vỉa hè ngày 25/9 vừa qua.

Người nhà hai nạn nhân đã đăng kiến nghị lên trang web của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, đề nghị chính phủ nghiêm trị tài xế gây tai nạn, cũng như đưa ra biện pháp bảo vệ cho người dân. Chỉ sau 5 ngày, kiến nghị được 270.000 người ủng hộ, do đó, Chính phủ phải đưa ra lập trường chính thức theo quy định. Tổng thống Hàn Quốc - Moon Jae In lên tiếng:

 

"Lái xe say rượu không phải là một tai nạn. Có thể xem đó như một hành động giết người hoặc phá hủy cuộc sống của người khác. Chúng ta cần phải chấm dứt lối nghĩ coi lái xe khi say rượu là một sai lầm".

Cảnh sát Hàn Quốc kiểm tra nồng độ cồn của một tài xế trẻ (Ảnh: AFP)

Ngày 21/10, Bộ trưởng Tư pháp Park Sang-ki nhấn mạnh sẽ tịch thu xe và bắt giam ngay những người tái phạm lái xe sau khi uống rượu và kiên quyết không khoan dung đối với những vi phạm tương tự.

Bộ Tư pháp sẽ bắt giam ngay để điều tra đối với những trường hợp gây tai nạn làm chết người, khiến người khác bị thương nặng, hoặc gây ra 3 vụ tai nạn trở lên trong vòng 3 năm. Đồng thời, sẽ nghiên cứu nâng mức án đối với tài xế say rượu gây tai nạn chết người lên mức cao nhất, thay cho mức án từ 1 đến 3 năm tù giam như hiện nay. Ngoài ra, nếu gây tai nạn trên 3 lần bất kể trong khoảng thời gian bao lâu cũng sẽ bị tuyên án tù giam.

Theo ông Park Sang-ki, có gần 182.000 trường hợp lạm dụng rượu bia trong khi lái xe năm ngoái, khoảng 500 trường hợp mỗi ngày. Chính vì lẽ đó, ông Park kêu gọi không khoan dung đối với những người lái xe say xỉn:

 

"Theo thông tin từ cảnh sát, tỉ lệ tái phạm của lái xe khi say rượu là 45%. Điều đó có nghĩa họ quen làm như thế. Vì hành vi đó có thể lấy đi mạng sống của những người vô tội, chúng ta cần phải có hành động nghiêm khắc chống lại nạn lái xe say rượu".

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp trong các vụ xét xử về hành vi say rượu lái xe, có tới 95% các vụ gây ra thương tích và 77% các vụ gây chết người nhưng chỉ bị tuyên án tù treo; nên phải bổ sung các biện pháp trừng phạt với những trường hợp này. Nhưng ở một khía cạnh khác, ông Chun Sung Soo thuộc Hiệp hội Y tế công cộng lên tiếng việc các chính trị gia chịu sức ép của các hãng bia rượu:

 

"Trong 20 năm qua, chúng tôi đã đề xuất các chính sách có thể làm giảm đáng kể mức tiêu thụ rượu - như tăng giá, điều chỉnh số lượng được bán, giới hạn quảng cáo... nhưng các biện pháp này không bao giờ vượt qua được Hội đồng quốc gia".

Hiện trường vụ TNGT liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh đêm 21/10/2018

Quay trở lại vụ việc người phụ nữ lái xe sau khi uống rượu đã gây ra vụ tai nạn đêm 21/10 tại ngã tư Hàng Xanh; khiến 1 người chết, 5 người bị thương. Người này có nồng độ cồn 0.94 ligam/1 lít khí thở; trong khi đó, luật quy định, chỉ cần có cồn là đã phạm luật. Do đó, người này có thể phải đối mặt với mức án từ 3 đến 10 năm tù và phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho nạn nhân.

Mới đây, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên uống khoảng 21 lít rượu hoặc 170 lít bia mỗi năm; và con số này đang có xu hướng tăng. Hiện Việt Nam xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ rượu bia.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân rượu, bia chiếm hơn 43% các vụ TNGT. Riêng 3 tháng đầu năm 2018, có 65-70% người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn giao thông có vi phạm nồng độ cồn.

Cuối tháng 8/2018, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động động chiến dịch “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Bởi đáng sợ nhất là khi đã uống rượu, bia rồi mà vẫn cầm lái, thì họ không còn ý thức được rằng cuộc sống của người khác sẽ tan vỡ vì điều này.