Không để giới hạn bị vượt qua...

Nhằm bảo đảm sức khỏe của tài xế, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đặt ra giới hạn thời gian làm việc; nhưng thực tế không phải tài xế nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh. Với riêng tài xế công nghệ để "săn" tiền thưởng, họ sẵn sàng vượt qua quy định.

Vì thế cần những điều chỉnh hợp lý để quy định không chỉ nằm trên giấy và giới hạn khi đã đặt ra thì không được vượt qua.

 

Theo nhiều lái xe công nghệ, nếu không có thêm khoản tiền thưởng từ hãng thì doanh thu sau khi trừ tiền xăng xe, bảo dưỡng, khấu hao phương tiện không đáng là bao. 

Nên tiền thưởng sau một ngày lao động là khoản thu nhập quan trọng mà các tài xế công nghệ luôn mong muốn đạt được bên cạnh thu nhập từ các chuyến xe.

Đặc biệt sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid 19 thì hầu hết các tài xế đều mong muốn làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, họ sẵn sàng làm việc liên tục 15-17 giờ đồng hồ đến khi đạt được mức thưởng mới thôi.

Nhu cầu chính đáng này cần được các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu để có điều chỉnh hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tăng thêm thời gian lao động, cải thiện thu nhập; đặc biệt trong điều kiện sức khỏe người lái xe được cải thiện tốt hơn trước và có khả năng làm việc kéo dài nên mong muốn “nới khung” thời gian làm việc là có cơ sở.

Mặt khác, lâu nay, quy định về thời gian làm việc thường bị các lái xe “phớt lờ”, nhất là khi các lái xe được sự tiếp tay của chính doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Bởi khi cần đáp ứng nhu cầu khách hàng, các doanh nghiệp vẫn không ngần ngại điều động lái xe chạy quá thời gian quy định mà việc xử phạt dường như rất hiếm hoi.

Nhiều ý kiến đã từng phản ánh, quy định về thời gian làm việc chỉ thích hợp áp dụng với tài xế xe khách, còn khi áp dụng với taxi thì có nhiều bất hợp lý do đây là loại hình vận tải không cố định theo tuyến.

Do đó, các đơn vị liên quan từng nhiều lần kiến nghị xem xét lại cách tính thời gian lái xe liên tục và tạm thời chưa xử phạt hành vi vi phạm này cho đến khi sửa đổi quy định, tuy nhiên tới nay, quy định này chưa có gì thay đổi.

Ảnh: Vietnamnet

Mặt khác, dù các tài xế công nghệ làm việc bất kể ngày đêm, quá thời gian quy định nhưng các hãng xe công nghệ chỉ tự nhận mình là bên cung cấp dịch vụ kết nối giữa hành khách và lái xe, còn lái xe chỉ là “đối tác độc lập” nên họ không chịu trách nhiệm khi tài xế vi phạm thời gian lái xe.

Điều này cần sớm được làm rõ, nghiên cứu và điều chỉnh trong Luật để có cơ chế kiểm soát, ràng buộc trách nhiệm các công ty công nghệ khi không thể trông chờ sự tự giác của tài xế và hình thức tăng ca, làm thêm của họ ngày càng phổ biến.

Thêm vào đó, cần có quy định đối với các hãng xe công nghệ khi đưa ra chính sách thưởng, khuyến khích tài xế của mình. Trong đó, cần phải bổ sung và có chế tài cho các doanh nghiệp công nghệ trong việc áp dụng mức doanh thu, mức thưởng để các tài xế không bị ép buộc vượt thời gian lao động khi muốn nhận thưởng.

Các hãng xe công nghệ có thể đưa ra các chính sách thưởng để khuyến khích, nhưng hình thức nào cũng phải dựa trên các quy định của pháp luật, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và đảm bảo ATGT.

Hiện, các hãng xe công nghệ đều có công cụ để kiểm soát và khống chế thời gian chạy xe trên đường của lái xe, vấn đề là làm sao để họ chú trọng và tuân thủ quy định này.

Việc sớm có chính sách mới về giờ làm việc cho tài xế với điều chỉnh phù hợp để tạo sự đồng thuận và nghiêm chỉnh chấp hành từ các hãng xe công nghệ, các doanh nghiệp vận tải đến mỗi người lái xe.

Điều này còn có ý nghĩa tạo điều kiện làm việc cho người lái xe, góp phần đảm bảo ATGT cho hành khách và những người tham gia giao thông.

Nếu không, chúng ta vẫn phải chấp nhận chuyện các hãng xe công nghệ vì tối đa lợi nhuận mà tung ra các mức thưởng, còn tài xế vì điểm thưởng mà làm việc quá sức tới ngất xỉu khi đang chở khách.