Không cho phép xe máy biển trắng chạy xe ôm công nghệ, tài xế ‘than trời’

Việc chính quyền thủ đô New Delhi (Ấn Độ) quyết định không cho phép xe máy tư nhân (biển trắng) hoạt động dịch vụ xe ôm công nghệ khiến nhiều tài xế lâm vào cảnh lao đao.

Hàng ngàn người đang sử dụng xe máy cá nhân để cung cấp dịch vụ chở khách ở New Delhi sẽ phải đối mặt với tương lai bất ổn, khi chính quyền thủ đô Ấn Độ mới đây quyết định siết chặt quản lý hoạt động này.

Xe ôm tư nhân từ lâu là phương tiện đi lại thuận lợi đối với nhiều người dân ở New Delhi - Ảnh nikkei

 Trước đó, hôm 19/2, Bộ Giao thông Vận tải Ấn Độ thông báo, các ứng dụng công nghệ phải ‘ngừng ngay lập tức’ việc cho phép tài xế xe ôm cá nhân cung cấp dịch vụ gọi xe, bởi điều đó vi phạm Luật Phương tiện cơ giới.

Trong khi cố gắng thuyết phục nhà chức trách thay đổi quan điểm, ‘ông lớn’ công nghệ Uber Ấn Độ và các công ty địa phương như Ola hay Rapido vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng. Tuy nhiên, họ có nguy cơ bị phạt tới 100.000 rupee (hơn 1.200 USD) cho mỗi tài xế bị bắt quả tang vi phạm nguyên tắc. Trong khi bản thân người lái xe cũng đối mặt hình phạt 10.000 rupee và một năm tù giam.

Trước động thái siết chặt quản lý từ chính quyền, Suresh Kumar, một tài xế xe ôm 35 tuổi chia sẻ: “Tôi chắc chắn sẽ không đủ khả năng nộp phạt. Số tiền này tương đương nửa tháng tiết kiệm của tôi”.

Kumar cho biết, kiếm được khoảng 240 USD mỗi tháng từ nghề xe ôm công nghệ và là trụ cột duy nhất của gia đình 5 ệng ăn.

Nếu không được phép tiếp tục chạy xe, anh sẽ phải tìm một công việc khác thay thế để mưu sinh, nhưng trước mắt chưa biết làm gì sau lệnh cấm này.

Theo quy định tại New Delhi, phương tiện kinh doanh dịch vụ vận tải bắt buộc phải có ‘biển số màu vàng’, đồng thời người lái xe cũng phải có bằng lái thương mại.

Tuy nhiên, thời gian qua, trước sự phát sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng gọi xe, bên cạnh đó là tình trạng ‘mắt nhắm, mắt mở’ của chính quyền địa phương, số lượng xe hai bánh cá nhân (biển trắng) tham gia dịch vụ chở khách gia tăng bùng nổ.

Với thủ tục đăng ký đơn giản, thu nhập hàng tháng khá ổn định, nghề xe ôm công nghệ thu hút ngày càng đông lực lượng lao động. Nhiều người sử dụng chính phương tiện đi lại hàng ngày của mình để chở khách mà không có bất kỳ giấy phép thương mại nào.

Các chuyên gia trong ngành ước tính, hiện New Delhi có từ 70.000-80.000 tài xế xe ôm công nghệ thông qua các ứng dụng đặt xe. Trong khi Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market dự báo, thị trường xe ôm của Ấn Độ sẽ có trị giá khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Shiva Shailendran, Giám đốc điều hành Uber Ấn Độ cho biết, xe ôm công nghệ có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị của nước này, đặc biệt là việc đi lại ở chặng cuối hành trình: “Hàng trăm nghìn người ở Delhi đang sử dụng xe hai bánh trên các nền tảng chia sẻ xe, trong khi có khoảng 2 triệu người sử dụng dịch vụ này mỗi tháng. Ước tính khoảng 95% hành trình đi lại là giữa các ga tàu điện ngầm”

Thực tế, xe ôm tư nhân từ lâu là phương tiện đi lại thuận lợi đối với nhiều người dân ở New Delhi. Nhờ dễ luồn lách, tài xế có thể len lỏi qua các con phố tắc nghẽn để chở khách tới nơi họ muốn. Trong khi cảnh sát giao thông cũng thường bỏ qua dù biết phương tiện này không được chở khách dịch vụ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng xe ôm gia tăng đột biến, trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng trên các tuyến đường. Bên cạnh đó, nhà chức trách còn lo ngại về mức độ an toàn, do cảnh sát khó xác nh danh tính tài xế, đồng thời gặp khó khăn trong việc đánh thuế lĩnh vực này. Trước đó, một số bang như Maharashtra và Karnataka cũng có những động thái tương tự.

Bất ngờ bị siết chặt quản lý sau thời gian dài được buông lỏng khiến hàng nghìn tài xế xe ôm cảm thấy hoang mang bởi đây là vấn đề sinh kế của họ.

Việc chính quyền thủ đô New Delhi quyết định không cho phép xe máy tư nhân (biển trắng) hoạt động dịch vụ xe ôm công nghệ khiến nhiều tài xế lâm vào cảnh lao đao - Ảnh indiatimes

Abhishek Tiwari, 30 tuổi, người gắn bó 3 năm qua với ứng dụng gọi xe Ola bày tỏ: “Nếu dịch vụ vừa mới bắt đầu, chính quyền nên áp đặt lệnh cấm. Nhưng nay chỉ tính riêng ở thủ đô đã có hàng chục nghìn người làm công việc này, làm sao họ có thể áp đặt lệnh cấm một cách mù quáng như vậy”.

Tiwari cho hay, ngoài việc nuôi 2 con nhỏ, mỗi tháng còn phải gửi tiền về cho gia đình ở quê từ 4.000-5.000 rupee. Ngay cả chiếc xe máy đi làm anh cũng phải vay mượn để mua và gần 3 năm qua mới trả hết nợ ngân hàng.

Cùng tình cảnh với Tiwari, anh Vineet Sharma, một tài xế xe ôm khác bức xúc: “Điều này thật bất công với chúng tôi. Dịch vụ không chỉ cho chúng tôi việc làm mà còn đang giúp mọi người di chuyển nhanh chóng ở thành phố đông đúc này. Chính quyền nên tìm kiếm giải pháp tốt hơn thay vì ngăn chặt quyết liệt như vậy”.

Tuy nhiên, lệnh cấm xe ôm cá nhân của nhà chức trách nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các hiệp hội taxi. Mới đây, hiệp hội tài xế taxi ở bang Telangana đã gửi thư ngỏ, yêu cầu chính quyền siết chặt quản lý để ngăn chặn các phương tiện cá nhân hoạt động như xe ôm công nghệ. Một trong những nguyên nhân, là tình trạng cạnh tranh giảm giá cước của các tài xế xe ôm khiến giới taxi thường xuyên rơi vào cảnh ế khách.

Tại Việt Nam, sau gần 8 năm kể từ khi xuất hiện, thị trường gọi xe trực tuyến có sự phát triển bùng nổ với hơn 20 nền tảng khác nhau ra đời.

Một nghiên cứu giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng cho biết, chỉ tính riêng Grab, cả nước có khoảng 200.000 lái xe, bao gồm cả GrabBike lẫn GrabCar, 50% số này tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo Thông tư 58/2020 của Bộ Công an, hiện chỉ ô tô hoạt động kinh doanh vận tải mới phải đổi sang biển số nền vàng, trong khi tài xế moto (hay xe ôm) vẫn có thể chở khách trên xe cá nhân (biển trắng).