Khơi thông cửa ngõ phía Tây TP.HCM: Đã đến lúc không để “tắc” tiến độ

TP.HCM đang cấp bách khởi động hàng loạt dự án mở rộng cầu, đường nhằm giảm tải áp lực giao thông cho cửa ngõ phía Tây. Tuy nhiên, đây đều là những dự án đã được phê duyệt, lên kế hoạch cách đây nhiều năm mà đến nay mới được thực hiện.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 Cửa ngõ phía Tây TP.HCM đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa thể theo kịp, dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các tuyến huyết mạch cửa ngõ lặp đi lặp lại nhiều năm, khiến người dân vô cùng ngao ngán:

"Anh đi là lúc nào cũng thấy luôn luôn kẹt hướng về ền tây".

"Kẹt ngay nút cổ chai từ quốc lộ 1 lên cầu Bình Điền đến cầu vượt Nguyễn Văn Linh".

"Tuyến quốc lộ 50 bây giờ quá nhỏ so với lưu lượng xe".

"Hạ tầng giao thông có bao nhiêu đó mà dân cư càng ngày càng đông, xe cộ thì càng ngày càng lên".

"Lượng xe rất nhiều, nếu mở rộng đường thì tốt quá".

Quá tải hạ tầng giao thông không chỉ gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Theo Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, TP.HCM là đầu mối giao thương trọng điểm thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam.

Tuy nhiên nhiều năm qua, các tuyến cửa ngõ kết nối TP với các tỉnh, thành vẫn thường xuyên bị tắc nghẽn; gây lãng phí và cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội. Dù nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được TP quy hoạch, ấp ủ nhiều năm, nhằm phá thế độc đạo ở các tuyến giao thông huyết mạch. Song tiến độ triển khai khá ỳ ạch đã kìm hãm sự phát triển chung của vùng và cả nước.

"Tôi thấy là TP.HCM, Đông Nam Bộ cũng như ĐBSCL có đóng góp rất lớn vào tỷ trọng GDP của cả nước. Chỉ riêng TP.HCM thôi đã đóng góp 27% GDP.

Tuy nhiên, việc kết nối giao thông giữa Đông Nam Bộ cũng như ĐBSCL trong nhiều thập kỷ qua chậm so với phát triển chung của cả nước. Tôi lấy đơn cử đường từ TP.HCM đi Cần Thơ, 1 tuyến quốc lộ 1 nếu không nói cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì có thể nói đường này là độc đạo từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Có thể nói, việc kết nối liên vùng giữa vùng trọng điểm phía Nam mà hạt nhân là TP.HCM, với cụm cảng dọc sông Sài Gòn và ga hàng hóa tập trung tại TP.HCM, điều này chậm nhưng hết sức cần thiết và hết sức cấp bách phát triển kinh tế liên vùng và kinh tế cả nước", Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho biết.

Cửa ngõ phía Tây TP.HCM ùn tắc dịp nghỉ lễ Giỗ tổ vừa qua. Ảnh: Báo Giao thông

Để giải quyết tính cấp bách của hạ tầng giao thông hiện hữu, tăng tính kết nối vùng, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: "Hiện nay, kết cầu hạ tầng phía Tây TP.HCM chưa được kết nối hoàn chỉnh.

Do đó đã có những dự án cũng như có những công trình và phi công trình cho việc giải tỏa khu vực này, tránh việc kẹt xe trong thời gian sắp tới. Cụ thể, đã hoàn thành dự án cải tạo nâng cấp tuyến Quốc lộ 1 đoạn trạm thu phí An Sương An Lạc.

Thứ hai, đối với đoạn An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An, hiện đang thực hiện các trình tự đầu tư để nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 đoạn An Lạc giáp ranh Long An, trong giai đoạn 2021-2025 mới hoàn thành được. Năm nay sẽ cố gắng khởi công xây dựng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.

Điều tiên quyết là tiến độ giải phóng mặt bằng, cố gắng sẽ khởi công trình cuối quý 3, đầu quý 4/2022 này".

Cuối đường Võ Văn Kiệt giao quốc lộ 1 tại huyện Bình Chánh, TP HCM, tháng 2/2021. Ảnh:Vnexpress

Đánh giá về việc TP khởi động hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm trong thời gian tới, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt - Đức cho rằng: Các dự án kết nối cửa ngõ TP.HCM được triển khai càng sớm sẽ càng sớm thúc đẩy sự phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh Miền Tây. Vấn đề còn lại là, làm sao để đẩy nhanh tiến độ các dự án? Trong đó, việc tháo gỡ ba “nút thắt” về vốn, giải phóng mặt bằng, quy trình giám sát và nghiệm thu, sẽ quyết định việc các dự án có được triển khai và hoàn thành sớm, đem vào khai thác hay không.

"Vấn đề về vốn, đứng từ góc độ nhà đầu tư, không muốn hứng chịu những rủi ro về mặt nhu cầu. Họ muốn đầu tư vào những tuyến có nhu cầu giao thông lớn, để thu phí sử dụng và hoàn vốn sớm. Nhưng hiện nay chúng ta không làm giống như thế. Tức là chúng ta ưu tiên những tuyến nào có nhu cầu cao thì sử dụng vốn ngân sách nhà nước, còn những tuyến mà có nhu cầu chưa cao thì chuyển sang làm BBT, như vậy nó hơi ngược.

Thứ hai, về giải phóng mặt bằng, để giải quyết vần đề này thì cần phải có rà soát lại trong việc định giá đất và định giá đến năm nào, chứ không phải định giá đến thời điểm hiện nay. Thậm chí phải tính đến giá trị ếng đất trong 10 năm tới như thế nào để đền bù sớm. 

Thứ ba, quy trình về giám sát, thẩm định, nghiệm thu - Một trong những yếu tố gây chậm trễ trong việc hoàn thành các dự án nghiệm thu và đem vào khai thác. Và Bộ GTVT cần phối hợp Bộ Đầu tư, Bộ Tài chính để rà soát các văn bản vi phạm pháp luật liên quan đến công tác lập, thẩm định và nghiệm thu các khối lượng, để làm sao đơn giản hóa, phù hợp chung với các quy định chung của kỹ sư xây dựng quốc tế", Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn phân tích.

Các dự án kết nối cửa ngõ TP.HCM được triển khai càng sớm sẽ càng sớm thúc đẩy sự phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh Miền Tây. Ảnh: Báo Pháp luật

Những năm qua, người dân TP.HCM luôn rất kỳ vọng vào các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án kết nối vùng. Bởi dự án này sẽ góp phần giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện xây dựng công trình theo quy hoạch của TP còn chậm so với quy mô dân số và chưa tương xứng với vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế.

Góc nhìn của  VOV Giao thông qua bài bình luận: “Khơi thông cửa ngõ phía Tây TPHCM: Đã đến lúc không để “tắc” tiến độ”. 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng yếu, là lúa, vựa trái cây không chỉ cho khu vực phía Nam mà còn cho cả nước. Do đó, việc khơi thông tuyến giao thông kết nối TP.HCM với Đông Nam Bộ và ĐBSCL là đặc biệt quan trọng; không chỉ mang tính liên vùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của vùng ĐBCSL và cả nước xuất khẩu nhanh hơn.

Nhiều năm qua, TP.HCM và các tỉnh ĐBCSL đã xác định được vấn đề này. Tuy nhiên, điểm nghẽn về giao thông vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân do tính kết nối liên vùng giữa TP.HCM với Đông Nam Bộ và ĐBCSL chưa đi vào hiệu quả.

Thực tế, các quy hoạch giao thông tại các địa phương thời gian qua chưa mang tính liên vùng. Việc thông tuyến TP.HCM và các tỉnh phía Nam là cấp thiết và phải làm ngay.

Trước mắt, một loạt các dự án, công trình đã được khởi động, quan trọng là việc hướng các công trình theo đúng tiến độ đề ra. Lúc này, TP.HCM có vai trò đầu tàu, chi phối cho cả khu vực cần có bước đột phá kết nối về giao thông.

Theo đó, để các công trình đúng tiến độ rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền, các cấp, các ngành của TP trong giải phóng mặt bằng và thi công công trình.

Trong đó, vai trò của chính quyền các quận, huyện cửa ngỏ phía Tây phải được phát huy; từ việc vận động người dân theo hướng đồng tình, ủng hộ chủ trương đến việc đảm bảo đời sống cho các hộ dân bị di dời nhường chỗ cho dự án.

Bên cạnh đó, việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu phải được thực hiện thường xuyên; tránh tình trạng khởi động xong, công trình vẫn ì ạch. Vì vậy, lãnh đạo TP cần có sự phân công rõ ràng về trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong từng công việc và thời gian hạn định cho từng dự án.

Bên cạnh đó, do tính chất giao thông liên vùng cần có sự vào cuộc của Bộ ngành Trung ương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ GTVT trong việc tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để công trình kịp tiến độ.

Việc tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông cho TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh thành ĐBCSL là một chủ trương quan trọng, cần quyết tâm chính trị đủ lớn để thực hiện các dự án một cách thông suốt và hiệu quả.

Đồng thời, đây là cơ hội để ĐBCSL tận dụng vượt qua thử thách, kết nối TP.HCM với Đông Nam bộ đưa hàng hóa xuất khẩu thuận lợi, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam./.