Khóa học hòa nhập xe buýt, trang bị kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật

Sử dụng xe buýt đối với người ngồi xe lăn gặp không ít trở ngại, thế nhưng với sự giúp đỡ và hướng dẫn từ những người bạn đồng hành có thể giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Xuất phát từ suy nghĩ đó, một khóa học trang bị cho học sinh kỹ năng giúp đỡ ngườ

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Anh Kishon Chong, nhân viên chuyên trách của Công ty xe buýt Tower Transit Singapore hỗ trợ những người khuyết tật khác tại bến xe buýt. Ảnh: straitstimes

Anh Kishon Chong, nhân viên chuyên trách của Công ty xe buýt Tower Transit Singapore, cho biết vì bản thân anh là một người sử dụng xe lăn nên anh thấu hiếu nỗi khó khăn của những người sử dụng xe lăn khi lên xe buýt, nhất là vào giờ cao điểm. Thế nhưng, anh tin rằng với sự giúp đỡ và hướng dẫn của những hành khách đi cùng có thể giúp họ vượt qua những trở ngại này.

Trước thực tế này, Cơ quan hỗ trợ người khuyết tật SG Enable và Hội đồng giao thông công cộng ra mắt Khóa học hòa nhập xe buýt tại Bến xe buýt phía đông Jurong vào cuối tháng 4 vừa qua, có sự tham gia của học sinh Tiểu học lớp 5 và phụ huynh.

Thư ký cấp cao của Quốc hội về Giao thông vận tải Baey Yam Keng cũng có mặt tại buổi học.

Buổi học bắt đầu bằng câu chuyện nâng cao nhận thức về người khuyết tật, sau đó là phần thực hành, nơi những người tham gia được yêu cầu lên xe buýt bằng xe lăn và cũng được bịt mắt để hiểu rõ hơn những thách thức mà người khuyết tật phải đối mặt.

Anh Chong chia sẻ: Người khuyết tật thường rất e ngại, một số người tránh các phương tiện công cộng hoàn toàn vì sợ hãi hoặc lo lắng. Trong khi nhiều người khác thường thấy những người ngồi trên xe lăn như anh nhưng họ không biết họ có thể làm gì để giúp đỡ.

“Là một nhân viên trải nghiệm, tôi thường giao tiếp, trao đổi với các hành khách, nếu họ cần tôi có thể hướng dẫn lộ trình, đường đi cho họ. Hầu hết mọi người đều rất bận, nên tôi luôn cố gắng có mặt ở đó để đảm bảo mọi người đều có thể được hỗ trợ trong trường hợp họ cần trợ giúp. Tôi hi vọng mọi người cùng giúp đỡ để những người khuyết tật cũng có quyền đi lại như tất cả chúng ta”.

Anh Chong cũng đã thực hiện một Khóa học về Sự tự tin trên xe buýt vào ngày 25/3, với sự tham gia của tổ chức hỗ trợ người khuyết tật SPD, để giúp những người gặp khó khăn trong việc di chuyển lấy lại sự tự tin khi đi lại.

Khóa học hòa nhập xe buýt tại Bến xe buýt phía đông Jurong có sự tham gia của học sinh Tiểu học lớp 5 và phụ huynh. Ảnh: Straitstimes

Reanne Leck, 11 tuổi, đã tham dự buổi học cùng mẹ, bà Eleanor Tan, 42 tuổi, thấy buổi học rất vui và nhiều thông tin.

Bà Eleanor Tan chia sẻ: "Một trong những đồng nghiệp của tôi bị chứng loạn dưỡng cơ và cô ấy thường chia sẻ về những thách thức mà cô ấy phải đối mặt. Tham gia khóa học này và giáo dục thế hệ trẻ là một trong những cách nhỏ bé mà chúng tôi có thể giúp đỡ".

Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình cho biết, tỷ lệ người khuyết tật khoảng 2,1% trong đối tượng học sinh, 3,4% trong nhóm người từ 18 đến 49 tuổi và 13,3% trong nhóm người từ 50 tuổi trở lên.

Ngoài ra, những người bị khuyết tật về giác quan (mù và điếc) và thể chất chiếm một nửa trong nhóm khuyết tật.

Trước đó, công ty xe buýt SMRT đã mở các khóa đào tạo cho nhân viên kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật. Ông Shaharudin Mohamed Yasin, đội trưởng đội lái xe thuộc Công ty xe buýt SMRT cho biết: “Khi vào công ty, chúng tôi được dạy những cái cơ bản về giao tiếp với hành khách là người khuyết tật. Tham gia khóa học, tôi biết thêm được nhiều kỹ năng, như khi đẩy xe lăn của hành khách lên dốc để vào xe buýt cũng cần đến sự hỗ trợ của đầu gối, để giúp xe lăn cố định; nhờ vậy việc di chuyển sẽ an toàn hơn”.

Được biết, để thúc đẩy văn hóa quan tâm và hòa nhập trong giới trẻ, Tower Transit Singapore sẽ tiếp tục hợp tác với các trường học, mở thêm các khoá hướng dẫn trong tương lai.

Cụ thể, đang có kế hoạch khởi động một chương trình dành cho học sinh từ cấp 2 trở lên, các em sẽ có thời gian thực tế tại điểm trung chuyển xe buýt, học hỏi các kỹ năng giúp đỡ người khuyết tật

Theo số liệu thống kê vào năm 2019, ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 6,2 triệu người (hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên) là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có gần 12 triệu người (khoảng 13% dân số), sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng xu hướng già hóa dân số.

Thế nhưng hiện nay, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong tham gia giao thông, nhất là giao thông công cộng… Hiện hệ thống phương tiện công cộng ở ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM cũng còn rất lạc hậu, thiếu tiếp cận với người khuyết tật.

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, cho biết: “Hiện chỉ có một số vị trí hạ tầng là bố trí có thể thuận tiện cho bà con đi xe lăn, ví dụ như cơ sở hạ tầng của xe BRT có sàn xe ngang với bờ ke của nhà chờ, thì bà con có thể đi xe lăn rất thuận tiện. Còn hầu hết trên hệ thống xe buýt, chúng ta có độ chênh nhất định”.

Bên cạnh đó, việc trang bị kỹ năng hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật của người dân, ngay cả chính các tài xế, nhân viên xe buýt cũng chưa được chú trọng. Các lớp tập huấn kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật dành cho các doanh nghiệp vận tải chưa được nhiều, dẫn đến việc người khuyết tật khó hòa nhập với cộng đồng.