Khó xử phạt trách nhiệm quản lý đối với HTX, doanh nghiệp nhượng quyền khi lái xe vi phạm

VOVGT - Điều này dẫn đến việc lái xe phải nộp phạt hai lần ở hai mức khác nhau, gây khó khăn và phản ứng cho cả doanh nghệp, hợp tác xã, chủ xe và lái xe.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Khó xử phạt trách nhiệm quản lý đối với hợp tác xã, doanh nghiệp nhượng quyền khi lái xe vi phạm (Ảnh nh họa)

Theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, khi lái xe vi phạm, hai chủ thể sẽ cùng phải chịu phạt là phía lái xe và phía đơn vị chủ quản. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc tăng nặng chế tài và xử phạt các chủ thể liên quan đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vận tải nhằm tăng tính răn đe đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ xe, lái xe trong việc tự giác chấp hành quy định.

Dẫn chứng về quy định trong xử phạt quá tải, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Nghị định 46 đã kịp thời sửa đổi bổ sung, xử lý tận gốc đối với các trường hợp chở quá tải trọng cho phép đối với phương tiện, trong đó nâng cao mức chế tài xử phạt lên đối với người điều khiển vi phạm và chủ phương tiện vi phạm. Hành vi điều khiển phương tiện vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường thì mức phạt lên rất cao, chủ phương tiện có thể lên đến 18-20 triệu; cá nhân người điều khiển thì mức phạt lên đến 8-12 triệu'.

 

Tuy nhiên, phản ánh với Kênh VOV Giao thông quốc gia, không ít lái xe, chủ xe nêu thực tế, trong trường hợp lái xe là xã viên hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, thành viên của các doanh nghiệp vận tải kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương hiệu, việc thu tiền phạt từ phía đơn vị chủ quản là không thể thực hiện được. Lý do bởi lẽ, thực chất, các đơn vị này chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ, thu phí hàng tháng, hàng quý, hàng năm đối lái xe góp vốn, góp phương tiện cùng kinh doanh. Điều này dẫn đến việc lái xe sẽ phải chịu mọi trách nhiệm và chi phí trong trường hợp xảy ra sự cố hay vi phạm quy tắc an toàn giao thông.

Bà Bùi Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Hợp tác xã vận tải Thăng Long – Hà Nội đã có những chia sẻ về thực tế thực hiện quy định này đối với chủ xe, lái xe tại các hợp tác xã hiện nay.

Nội dung cuộc trao đổi tại đây:

 

PV: Thưa bà Bùi Thị Phương Lan, bà có ý kiến như thế nào về việc nộp phạt của hợp tác xã theo Nghị định 46 đối với trường hợp lái xe là xã viên vi phạm?

Bà Bùi Thị Phương Lan: Khi lái xe phạm lỗi thì người lái xe phải nộp phạt và chủ doanh nghiệp cũng phải nộp phạt. Theo tôi, biện pháp này không phù hợp vì người trực tiếp gây ra lỗi là lái xe. Hơp tác xã không trực tiếp gây ra lỗi nên người lái xe khi gây ra lỗi thì phải nộp hai lần phạt. Một lỗi là do mình gây ra và một lỗi nộp phạt cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp gây ra lỗi nên người lái xe bắt buộc phải trả nộp phạt cho doanh nghiệp. Như vậy cũng gây khó khăn cho chủ xe và lái xe.

PV: Theo bà, các chủ xe, lái xe có phản ứng như thế nào đối với việc chấp hành các quy định nêu trên?

Bà Bùi Thị Phương Lan: Nói chung lái xe phải chấp hành quy định này và phải nộp hai lần nhưng lái xe và chủ xe rất bức xúc vì số tiền phạt tăng lên gấp nhiều lần. Như thế, họ cũng phản ứng nhưng hợp tác xã cũng không có cơ chế, không có khoản kinh phí nào để hỗ trợ.

PV: Xin cảm ơn ý kiến của bà với chương trình

Như vậy, các ý kiến cho rằng, lái xe vi phạm phải nộp phạt và chấp hành theo quy định là điều rõ ràng, tuy nhiên, việc lấy tiền nộp phạt từ phía doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu, hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ là điều không thể và không bao giờ có. Do đó, lái xe sẽ phải gánh cả hai lần phạt, dẫn đến việc răn đe của chế tài trở nên không đúng đối tượng, gây khó khăn cho người lao động.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm và đề xuất hướng cần tháo gỡ đối với cơ quan quản lý: "Quan điểm của tôi trong xây dựng Nghị định 46 này thì mình phạt người nào gây ra thôi. Đúng là hiện nay đối với doanh nghiệp còn triển khai được chứ đối với hợp tác xã thì không thể triển khai được quy định về phạt. Bởi vì xã viên của hợp tác xã là hoạt động độc lập chứ họ không gắn bó với hợp tác xã. Mỗi việc là hàng tháng họ phải nộp một khoản dịch vụ hỗ trợ cho hợp tác xã còn mọi thứ người ta tự lo. Bởi vậy hợp tác xã lấy tiền đâu ra nộp phạt cho lái xe và thực sự là họ không có trách nhiệm về việc đấy".

 

Do đó, các ý kiến đồng thuận cho rằng, cơ quan quản lý cần đề xuất các giải pháp để tháo gỡ bất cập liên quan đến quy định nêu trên, hoặc tìm ra hướng tháo gỡ để xử phạt đúng người, đúng tội, tránh gây tâm lý ức chế, căng thẳng cho các cá nhân, đơn vị liên quan.

Ngoài ra, theo nhiều ý kiến, việc xử lý trách nhiệm quản lý đối với hợp tác xã, công ty nhượng quyền thương hiệu nên được bổ sung vào các thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT. Đặc biệt, công cụ hữu hiệu để xử lý có hiệu quả đối với đơn vị chủ quản hiện nay là thông qua hệ thống giám sát hành trình của phương tiện.

Qua đó, Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam cần tiếp tục chỉ đạo các Sở GTVT các địa phương xử phạt nghiêm trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp, HTX có nhiều phương tiện vi phạm hoặc vi phạm nhiều lỗi, vi phạm nhiều lần bằng những hình thức như: thu hồi phù hiệu phương tiện, đình chỉ khai thác tuyến. Điều này sẽ tăng tính răn đe và đảm bảo sự tự giác chấp hành ngày càng tốt hơn của doanh nghiệp, hợp tác xã và lái xe trong thời gian tới.