Khí thải xe máy: Tiêu chuẩn một nơi, giám sát một chốn, ổn không?

Thời gian tới, tiêu chuẩn khí thải mô tô, xe máy có thể sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, trong khi việc giám sát, kiểm soát do ngành giao thông thực hiện. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi do

Việc một nơi ban hành tiêu chuẩn, một nơi giám sát, kiểm soát liệu có gây ra khó khăn hoặc chồng chéo khi thực hiện?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nhiều năm làm nghề “xe ôm”, ông Nguyễn Tất Thắng ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm Hà Nội rất quan tâm đến việc các cơ quan chức năng tính toán kiểm soát khí thải mô tô, xe máy. Theo ông Thắng, dù sẽ phát sinh thêm chi phí cho người dân, song vì mục đích chung, ông sẵn sàng chấp hành:

 

"Tôi thấy chương trình này có lợi cho toàn dân, toàn xã hội thì ví dụ mình có phải đóng góp cùng công tác xây dựng thì tôi thấy hợp lý thì tôi ủng hộ việc ví dụ phải mang xe đi khám định kỳ, kiểm tra định kỳ để đảm bảo lưu thông mà không gây ô nhiễm thì tôi ủng hộ".

Đồng tình ý kiến này, một số người dân cũng chia sẻ ý kiến về việc kiểm soát khí thải xe máy, nhất là những phương tiện cũ nát:

 

"Em nghĩ vấn đề này nên có, tại vì em thấy nhiều xe máy chất lượng kém lắm rồi, nhưng họ vẫn đi ngoài đường bình thường".

"Bắt buộc người dân phải sử dụng xe trong thời hạn để lưu hành, chứ không thể nào để nhiều xe máy không còn gì cả, chỉ còn mỗi cái máy, cái khung và cái yên để người ta ngồi thôi".

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, khoản 3, Điều 92 quy định: thẩm quyền ban hành Quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông vận tải được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo lý giải của đơn vị soạn thảo, quy định này nhằm đảm bảo một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí. 

Tuy vậy, một số ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ gây ra hiện tượng chồng chéo, khi cả Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng quản lý chất lượng mô tô, xe máy.

Ở góc độ giám sát, thực thi, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, phương tiện vận tải không đơn thuần là ô tô, xe máy, mà còn cả phương tiện hàng không, phương tiện tàu biển, đường sắt.

Do vậy, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải phương tiện GTVT thì được hiểu là Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành Quy chuẩn khí thải của tất cả các phương tiện giao thông. Điều này gây chồng chéo với một loạt các luật hiện hành và bất cập trong quá trình thực hiện:

 

"Một đơn vị không chuyên sâu về phương tiện mà ban hành quy chuẩn khí thải phương tiện thì chắc chắn là rất khó khăn, mà không khả thi. Bởi vì cái khí thải của phương tiện nó sẽ song hành với kết cấu công nghệ chế tạo động cơ, nó song hành với những vấn đề nhiên liệu sử dụng Thế nên là ví mức độ như vậy thì thứ nhất không đảm bảo nhất quán là một phương tiện là do một cơ quan một bộ, ngành quản lý".

Ông Chu Mạnh Hùng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT cũng cho rằng, việc quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn khí thải với toàn bộ phương tiện giao thông vận tải sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: Không đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong quản lý Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng, an ninh đối với phương tiện giao thông.

Đồng thời điều này cũng khiến phương tiện giao thông phải chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp:

 

"Ban hành một tiêu chuẩn ra mà không phù hợp với thực tế kinh tế, đời sống thì tôi cho rằng văn bản ấy sẽ chết yểu và không có tính khả thi".

TS Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt-Nhật cũng cho rằng, việc cơ quan ban hành quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông không có chuyên môn về chuyên ngành phương tiện có thể dẫn tới quy chuẩn ban hành không phù hợp, không đảm bảo tính khả thi:

 

"Nó dễ xảy ra hiện tượng là bên ra văn bản không tính đến khả năng thực thi của quy định mình ra. Thông thường muốn tránh việc đó thì 2 đơn vị phải ngồi với nhau, bên ra văn bản và bên thực thi văn bản phải ngồi với nhau xem quy định như thế thì có được hay không, chứ nếu ra văn bản chỉ để ra văn bản, còn thực thi được hay không mặc kệ thì cái đấy là thiếu sót rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước".

Hiện nay việc kiểm tra khí thải phương tiện giao thông vận tải là chức năng chuyên ngành của cơ quan đăng kiểm

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là cần thiết để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phát thải của loại phương tiện này gây ra, nhất là tại các đô thị lớn. Tuy vậy, việc phân công bộ, ngành nào ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, cần tính đến sự kế thừa, thống nhất quản lý và hiệu quả thực thi. 

Mời quý vị cùng đến với góc nhìn của VOVGT về vấn đề này qua bài bình luận nhan đề: “Đừng xây lâu đài trên cát”

 

Mặc dù việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy mới chỉ là dự thảo, song đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi với người dân, chiếc xe máy không chỉ là tài sản, mà còn là phương tiện mưu sinh của hàng triệu gia đình.

Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí – không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà đó cũng là trách nhiệm xã hội của mỗi người dân. Nhưng nếu vì điều đó mà phát sinh thêm nhiều chi phí lại là chuyện khác.

Hiện nay việc kiểm tra khí thải phương tiện giao thông vận tải là chức năng chuyên ngành của cơ quan đăng kiểm.

Để thực hiện được điều này, ngành giao thông đã xây dựng và ban hành hàng loạt tiêu chuẩn khí thải và tổ chức thực thi hệ thống văn bản văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện giao thông bằng hệ thống phòng Lab để thử nghiệm, bằng hệ thống các trung tâm đăng kiểm và nguồn nhân lực từ Trung ương đến địa phương.

Công tác kiểm tra, chứng nhận về Bảo vệ môi trường đối với phương tiện cũng được Bộ GTVT kết hợp với kiểm tra, chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật.

Nếu dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi thiết kế thêm một cơ quan kiểm soát khí thải ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, tức là thêm một cơ quan đăng kiểm mới, chỉ kiểm soát phần khí thải, còn các yếu tố kỹ thuật khác không kiểm tra được. Trong khi đó, cơ quan đăng kiểm lại chỉ kiểm tra về an toàn kỹ thuật của phương tiện, không kiểm tra về khí thải.

Như vậy vừa chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, vừa rất dễ dẫn đến tình trạng “một cổ hai tròng”, hệ lụy là phát sinh chi phí cho người dân và doanh nghiệp, còn hiệu quả thì chưa biết đến đâu.

Đành rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí, song sẽ là hợp lý hơn nếu Bộ này đảm nhiệm phần việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với mức phát thải ra môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành.

Còn việc thử nghiệm, xây dựng bộ quy chuẩn để phương tiện giao thông vận tải đáp ứng mức phát thải theo quy định thì giao cho Bộ Giao thông quản lý. Điều này cũng giống như Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mức điểm chuẩn của các trường đại học, còn các trường sẽ tự chủ trong việc ra bài thi, tổ chức thi, chấm điểm cho thí sinh.

Như vậy sẽ đúng đối tượng ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường trong khu vực đô thị và không chồng chéo với quy định của các Luật chuyên ngành, từ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến các Điều ước quốc tế Việt Nam tham gia. 

Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, Bộ GTVT ban hành quy chuẩn và kiểm soát, thực thi là điều bình thường, giống như xây một ngôi nhà sau khi đã sẵn nền sẵn móng. Còn nếu để Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn và kiểm soát khí thải phương tiện giao thông vận tải, thì chẳng khác nào xây lâu đài trên cát.