Khi học sinh là công cụ để thi đua của những người làm thầy

Nếu thông tin một số trường 'đề nghị' phụ huynh có con học lực yếu cam kết không thi vào lớp 10 hoặc phải chuyển trường được xác minh là sự thật; thì việc tước đi quyền được bình thường của học sinh là một tư duy giáo dục bệnh hoạn, coi học sinh là công cụ để thi đua của những người làm thầy.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đang xác nh thông tin một số trường THCS ở Hà Nội vận động học sinh có học lực yếu không đăng ký thi vào lớp 10, để đảm bảo thành tích có tỷ lệ đậu cao cho nhà trường.

Chuyện cụ thể thế nào còn chưa xác định, nhưng rõ ràng là có cơ sở khi không có nhiều phụ huynh tỏ ra ngạc nhiên với thông tin này.

Được thụ hưởng các dịch vụ giáo dục công là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của trẻ em. Vì thế, bất cứ tác động nào nhằm hạn chế quyền được học tập của trẻ em đều không phù hợp với luật pháp.

Nhưng trên thực tế, có rất nhiều yếu 'tố tác động mềm mại' nhưng mạnh mẽ đến việc học tập bình thường của con trẻ. Trong đó, phải kể đến là thành tích báo cáo của hệ thống trường công. 

Ảnh nh họa

Trong một ngôi trường, trong một lớp học, không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng luôn là học sinh giỏi. Ở một ngôi trường làng hẻo lánh, hay một trường điểm quốc gia cũng luôn có những học sinh xuất sắc, hoặc ngược lại.

Cùng một môi trường học tập, nhưng có những đứa trẻ vượt trội hơn những đứa trẻ khác cũng là điều bình thường. Nhưng luôn có một điều không bình thường là bao nhiêu năm nay các tiêu chí đánh giá chất lượng của một ngôi trường luôn mặc định là các chỉ tiêu thi đua về tỷ lệ đỗ đạt, tỷ lệ học sinh giỏi.

Các chỉ tiêu thi đua này, lâu nay đang biến hoạt động giáo dục phổ thông thành một cuộc đua thành tích, cuộc đua đến cái đích mà tỷ lệ học sinh giỏi tiệm cận những con số tuyệt đối.

Trong bất cứ cộng đồng nào thì tỷ lệ thành viên có các chỉ số trung bình cũng chiếm số đông so với cá nhân kiệt xuất. Vậy mà tỷ lệ học sinh giỏi lại áp đảo trong các ngôi trường thì nói lên điều gì? Hẳn nhiên, đó là một tỷ lệ phi lý, thậm chí là hoang đường.

Một sự phi lý đến bệnh hoạn khi những đứa trẻ không được phép có quyền là một đứa trẻ bình thường.

Sự việc một số trường học vận động phụ huynh học sinh không đăng ký thi vào lớp 10, hoặc chuyển sang trường tư để không ảnh hưởng thành tích của trường có thể không hoàn toàn đáng sợ như thông tin đang lan truyền trên mạng.

Nhưng, người ta cũng đã thừa nhận có những phụ huynh được mời đến trường để “trao đổi”.

Thử hình dung các phụ huynh đó về nhà sau khi được trao đổi rằng con cái anh chị học kém quá, e rằng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của trường. Họ sẽ về nhà đối diện với những đứa trẻ cùng thông điệp như thế nào?

Rất nhiều đứa trẻ đã tự tử trong thời gian qua vì áp lực của việc phải học giỏi. Người ta đổ lỗi cho sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ. Điều đó đúng.

Người ta đổ lỗi cho giáo viên, nhà trường vì chạy theo thành tích. Điều đó cũng đúng.

Nhưng vì sao mà các bậc phụ huynh vốn không có gì xuất sắc lại tự mang áp lực phải học giỏi cho con em mình?

Vì sao mà các thầy cô, những người hiểu rõ năng lực tiếp nhận kiến thức của các học trò không hề giống nhau lại phải gánh áp lực tất cả các học trò của mình đều phải là học sinh giỏi?

Rõ ràng, ở giữa những câu hỏi này có sự bất hợp lý, bất bình thường và cần thêm một câu hỏi khác. Đến bao giờ thì báo cáo tổng kết của các lớp học, các ngôi trường không còn phải đem danh hiệu của học sinh ra để liệt kê?

Đến bao giờ những đứa trẻ có quyền được bình thường, không phải đeo kính cận dày cộp khi còn chưa dậy thì, có thời gian để khám phá thiên nhiên, vui chơi cùng bạn bè; để trau dồi các kỹ năng sống thay vì cặm cụi trong các lớp học thêm ngoài giờ học chính khóa?

Giáo dục Việt Nam đã đưa khẩu hiệu lấy học sinh làm trung tâm từ rất lâu rồi. Nhưng thực chất của cái gọi là lấy học sinh làm trung tâm là gì, ngoài việc áp đặt các tiêu chí thi đua của người lớn vào kết quả học tập của lũ trẻ con?

Lấy học sinh làm trung tâm, đã đến lúc cần được nhìn nhận một cách thực tế hơn. Đó là mở rộng cơ hội được học tập của trẻ em, là triệt tiêu những tác động tiêu cực khiến trẻ em trở nên khổ sở khi đến trường, như sự so sánh kết quả, như áp lực phải giỏi như thần đồng, như việc không được phép bình thường để có thể làm ảnh hưởng đến thành tích của thầy cô và nhà trường.

Buộc trẻ phải từ chối việc dự thi một cách bình thường, hoặc phải chuyển trường chỉ vì không học giỏi, nếu như đây là thông tin chính xác, thực sự đã xảy ra thì đó là điều không thể chấp nhận.

Bởi nó thể hiện một tư duy không chỉ phản giáo dục, không chỉ đi ngược lại tinh thần của hiến pháp, mà còn là một tư duy giáo dục bệnh hoạn, coi học sinh là công cụ để thi đua của những người làm thầy./.

---

Tác giả Phạm Trung Tuyến là nhà báo, hiện đang công tác tại Kênh VOV Giao thông – Đài TNVN.