Kêu gọi cấm tài xế trên 65 tuổi lái taxi sau hàng loạt tai nạn

Tỷ lệ tài xế taxi cao tuổi gây tai nạn ở Hong Kong (Trung Quốc) xảy ra ngày càng thường xuyên khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu cơ quan chức năng có nên siết chặt quản lý y tế và cấm người trên 65 tuổi lái taxi.

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông, liên quan tới tài xế taxi cao tuổi, xảy ra thời gian gần đây đang khiến giới chức đặc khu Hong Kong, Trung Quốc đau đầu, đồng thời gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình nhất là vụ tai nạn xảy ra hôm 5/3 mới đây tại ngã tư đông đúc Fortress Hill – King ở trung tâm Hong Kong. Một tài xế taxi 84 tuổi lái xe vượt đèn đỏ rồi tông vào một nhóm người đi bộ qua đường. Vụ va chạm khiến 3 người bị thương, trong đó 2 nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Tại Sở cảnh sát, tài xế 84 tuổi nói với các nhà điều tra rằng xe của ông bị hỏng phanh, nhưng điều tra cho thấy phanh của chiếc taxi vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường.

Trước đó, giữa tháng 2/2023, một tài xế taxi 66 tuổi cũng bị bắt vì lái xe nguy hiểm sau khi rẽ trái quy định ở Kwai Chung khiến một người giao đồ ăn 42 tuổi tử vong. Hồi tháng 1, một hành khách thiệt mạng khi chiếc taxi do người đàn ông 77 tuổi điều khiển đâm vào đuôi xe tải ở Wong Tai Sin.Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông do tài xế taxi cao tuổi gây ra khiến người dân Hong Kong cảm thấy bất an.

Trên mạng xã hội, Gill một người đàn ông 31 tuổi mới đây khởi xướng ý tưởng ‘Hong Kong nên cấm người trên 65 tuổi lái taxi’ thu hút hàng nghìn người ủng hộ.

Gill cho biết, đề xuất của anh không nhằm phân biệt đối xử với người lái xe lớn tuổi, mà chỉ muốn chính quyền xem xét kỹ lưỡng hơn quy định quản lý những tài xế từ 65 tuổi trở lên đang lái xe dịch vụ: “Tại sao các tài xế taxi ở Hong Kong có thể tiếp tục lái xe ngay cả khi đã già, trong khi nhiều công việc khác quy định độ tuổi nghỉ hưu là 65. Tôi biết có một số người thậm chí chỉ bắt đầu lái taxi ở tuổi 70 dù không ở trạng thái tốt nhất về thể chất cũng như tinh thần”.

Do không quy định độ tuổi nghỉ hưu, nên tại Hong Kong (Trung Quốc) nhiều người cao tuổi vẫn lái taxi dịch vụ để mưu sinh - Ảnh scmp

 

Theo thống kê, Hong Kong hiện có hơn 91.000 người từ 60 đến 69 tuổi có bằng lái taxi và 30.000 tài xế taxi từ 70 đến 79 tuổi tính đến ngày 31/1/2023.

Một nghiên cứu cho thấy, năm 2021 có 970 tài xế taxi từ 60 đến 64 tuổi liên quan đến các vụ tai nạn giao thông, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi tài xế. Năm 2020, hơn 2.300 sự cố giao thông do tài xế taxi từ 55 tuổi trở lên gây ra, gần gấp đôi số lượng so với nhóm từ 54 tuổi trở xuống.

Tiến sĩ Paul Shea Tat-ng, chuyên gia lão khoa cho rằng, mặc dù một thành phố phát triển phải chấp nhận việc người già tiếp tục lái xe, nhưng những yếu tố liên quan đến lão hóa như suy giảm thị lực, thính giác, chức năng xương khớp ở tài xế cao tuổi cần đặc biệt quan tâm.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Ringo Lee Yiu-pui, tới từ Hội đồng An toàn Đường bộ Hong Kong cho rằng, chính quyền thành phố nên cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe toàn diện, ễn phí cho tất cả tài xế taxi lớn tuổi, nơi họ có thể được đánh giá thị lực và các bệnh tiềm ẩn: “Theo quy định, tài xế từ 70 tuổi trở lên phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe khi đổi bằng lái, nhưng việc kiểm tra hiện nay chưa đủ kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn. Một số tài xế cao tuổi thậm chí còn không biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình”.

Hiện Hong Kong chưa đưa ra quy định độ tuổi nghỉ hưu với tài xế taxi và xe buýt nhỏ. Trong khi đó, chủ nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, việc kêu gọi lệnh cấm tài xế trên 65 tuổi lái taxi là bất bình đẳng với người cao tuổi.

Wong Po-keung, vẫn lái taxi dù ở tuổi 75 - Ảnh scmp

Ông Wong Po-keung, 75 tuổi, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hong Kong nhận định: “Già đi không có nghĩa là bạn sẽ gây tai nạn. Khi lái xe trên đường, thái độ quan trọng hơn tuổi tác, bởi đây mới là nguyên nhân gây rủi ro”.

Quan điểm này nhận được sự hưởng ứng của nhiều tài xế taxi cao tuổi. Ông Cheung Chiu-tung, 73 tuổi, người có 50 năm hành nghề lái taxi cho biết, công việc không chỉ là ‘phao cứu sinh’ để người cao tuổi có thêm thu nhập mà còn giúp họ giữ được lối sống tích cực.

Cheung cho hay, từng quyết định nghỉ hưu, nhưng sau 6 tháng, ông trở nên buồn bã và hay quên hơn. Sau đó, bác sĩ và gia đình đề nghị ông trở lại làm việc để giữ cho tinh thần nh mẫn: “Khi lái xe tôi có thể rèn luyện trí não bằng cách suy nghĩ và ghi nhớ các tuyến đường, điều này mang lại cho tôi nguồn sức khỏe về tinh thần”

Cheung chia sẻ, dù nhiều người gọi các tài xế cao tuổi là ‘bom nổ chậm’ bởi không biết lúc nào họ gây tai nạn trên đường. Nhưng ông khẳng định, biết rõ khả năng của mình đến đâu và sẽ tiếp tục làm việc để kiếm sống và giữ cho tinh thần thoải mái, đồng thời giữ cho bản thân luôn bận rộn để kết nối với đồng nghiệp, bạn bè. 

Còn tại Việt Nam, hiện Bộ GTVT không có quy định cụ thể về giới hạn độ tuổi hành nghề lái xe taxi hay lái xe thuê tư nhân mà chỉ có quy định về niên hạn của giấy phép lái xe. Nghĩa là, lái xe dù ở độ tuổi nào cũng vẫn có thể lái xe nếu đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe do Tổng cục đường bộ quy định.

Liên quan đến việc có nên đặt ra giới hạn độ tuổi hành nghề lái xe hay không, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Lái xe là nghề đòi hỏi sức khỏe và phản xạ tốt và độ va chạm rất lớn, đặc biệt là ở các đường phố đông đúc, mật độ phương tiện dày như ở Việt Nam thì nên giới hạn ở độ tuổi 65 là phù hợp. Bởi nếu ngoài 65 tuổi mà vẫn lái xe taxi thì độ rủi ro rất cao bởi lúc ý, phản xạ của lái xe đã giảm đi rất nhiều”.