Hướng đến học sinh để chọn sách phù hợp

Chặng đường đổi mới SGK theo chương trình GDPT 2018 còn hơn một năm. Đây là khoảng thời gian quan trọng để giáo viên và các trường vừa triển khai nội dung còn lại, vừa đánh giá thực tế để đến năm 2025 sẽ có nhìn nhận tương đối đầy đủ về chương trình mới.

Đổi mới là cả một quá trình dài, để đạt được kết quả như mong muốn thì yếu tố then chốt là sự chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học, mà trong đó, cở sở đầu tiên là lựa chọn SGK phù hợp.

Đầu tiên, cần khẳng định việc giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho nhà trường là hướng đi đúng bởi người trực tiếp sử dụng SGK là thầy và trò. Mỗi trường có điều kiện khác nhau về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và năng lực học sinh.

Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy là người hiểu rõ nhất về ngôi trường và học sinh của mình, có đủ khả năng để lựa chọn SGK phù hợp, đồng thời rút ngắn thời gian, chủ động cho việc in ấn, cung ứng sách.

Quy định tại Thông tư 27 năm 2023 của Bộ GD&ĐT là lần thay đổi thứ ba về chọn SGK, nhưng quyền quyết định được giao cho các trường là sự quay trở lại giống như năm học 2020-2021, năm đầu tiên áp dụng chương trình GDPT 2018. Sau đó, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, Bộ GD&ĐT lại quy định hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập.

Quyết định chọn SGK dù ở cấp nào thì quy trình lựa chọn đều cần đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, nh bạch (Ảnh nh họa)

Từ thực tế triển khai, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc lựa chọn SGK tại Thông tư 25 chưa chặt chẽ. Các địa phương khác nhau có cách triển khai khác nhau, dẫn tới nhiều nơi chậm công bố kết quả, ảnh hưởng việc cung ứng sách cho năm học mới. Việc giao quyền chọn SGK cho một số ít người (ở hội đồng cấp tỉnh) có thể khiến lựa chọn không sát thực tiễn, thậm chí tạo kẽ hở dẫn tới trục lợi.

Thực hiện Thông tư 25 trước đây, tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, các trường đã thành lập hội đồng chọn SGK và thực hiện quy trình tương tự hiện tại: việc nghiên cứu, nhận xét và đề xuất lựa chọn cũng từ giáo viên, tổ bộ môn, ban giám hiệu đến hội đồng thành phố.

Nhiều giáo viên cho biết cơ bản ý kiến được lắng nghe, nhưng họ vẫn bị động vì không có quyền quyết định cuối cùng. Do vậy, khi được đưa về trường, liên quan trực tiếp công việc thì giáo viên sẽ có tâm thế khác, trách nhiệm hơn trong việc nghiên cứu SGK và chuẩn bị tài liệu dạy học.

Trách nhiệm ở đây được thể hiện khi các tổ chuyên môn tiến hành thảo luận, lựa chọn. Giáo viên cần nêu rõ những ưu - nhược điểm của từng bộ sách khác nhau và lý do môn nào dùng sách của bộ nào, hay dùng chung một bộ sách cho tất cả môn học,…

Quyết định là ở cô thầy, nhưng cần đặt lợi ích của học sinh làm cơ sở lựa chọn. Kết quả học tập và khả năng lĩnh hội kiến thức của các em sẽ là thước đo chính xác nhất cho lựa chọn của giáo viên cũng như khẳng định năng lực của người dạy.

Việc chọn sách của các trường cũng cần được duy trì ổn định, thống nhất trong nhiều năm để không làm xáo trộn việc dạy và học, giúp học sinh có thể hệ thống được kiến thức trong suốt quá trình. Sự ổn định, thống nhất còn giúp các em có thể sử dụng lại SGK của anh chị, không chỉ có ý nghĩa ở góc độ tiết kiệm, tránh lãng phí, mà còn là ý thức bảo vệ môi trường, biết giữ gìn sách cũng là tôn trọng tri thức và công sức nuôi dạy của cha mẹ, cô thầy.

Việc chọn sách cần được duy trì ổn định, thống nhất trong nhiều năm để không làm xáo trộn việc dạy và học, đồng thời giúp học sinh có thể sử dụng lại SGK của anh chị... (Ảnh nh hoạ)

Tất nhiên, duy trì ổn định, thống nhất không đồng nghĩa bảo thủ. Nếu thực tiễn dạy học phát sinh khó khăn, bất cập thì các nhà trường cần lắng nghe, tham khảo ý kiến các chuyên gia, phụ huynh, đề xuất với các cấp quản lý để chọn lại bộ SGK phù hợp hơn.

Quyết định chọn SGK dù ở cấp nào thì quy trình lựa chọn đều cần đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, nh bạch. Bộ GD&ĐT sẽ có các đoàn kiểm tra về việc chọn SGK tại các địa phương. Bên cạnh sự công tâm của lực lượng thực thi công vụ, cần phát huy vai trò của đại diện cha mẹ học sinh, những người có mặt trong hội đồng chọn SGK của cơ sở giáo dục. Dù không được can thiệp vào việc lựa chọn sách, nhưng phụ huynh có thể thẩm định quy trình đúng hay chưa thay vì phó mặc trách nhiệm.

Công tác truyền thông tới phụ huynh về bộ sách giảng dạy bằng chính trải nghiệm của thầy cô đứng lớp cũng cần được các nhà trường quan tâm, để cha mẹ an tâm và tin tưởng gửi gắm con em.

Cùng với việc đổi mới SGK, việc tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên cũng cần được thực hiện thường xuyên. Chỉ khi các thầy cô được trau dồi kiến thức chuyên môn, chủ động tìm kiếm thông tin, áp dụng nhiều nguồn học liệu khác nhau phục vụ việc soạn giáo án, phương pháp giảng dạy mới, thực sự khuyến khích học trò tìm tòi, sáng tạo, đọc nhiều sách, làm nhiều dự án bài tập,… thì lúc đó những mục tiêu đổi mới giáo dục được đề ra mới có thể thành hiện thực.