Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Minh Hiếu: Thứ hai 25/03/2024, 08:41 (GMT+7)

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Những ngày cuối tháng 3, bên cạnh việc giảng dạy và tổ chức thi giữa kỳ, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh cùng các đồng nghiệp tại Trường tiểu học Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội còn tất bật tham gia nghiên cứu, lựa chọn SGK lớp 5 cho năm học tới.

Theo cô Thanh, việc trao quyền chọn sách cho giáo viên sẽ giúp thầy cô mở rộng sáng tạo và phát huy tối đa năng lực của học sinh: "Giáo viên độc lập đánh giá và lựa chọn SGK mà hoàn toàn không có sự áp đặt nào từ cấp trên. Chúng tôi cũng nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, xác định rõ nhiệm vụ, tiêu chí lựa chọn sách, so sánh các bộ sách, tìm ra những điểm phù hợp với điều kiện giáo viên, học sinh trường mình, từ đó đề xuất với cấp trên".

Việc giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho nhà trường là hướng đi đúng bởi người trực tiếp sử dụng SGK là giáo viên và học sinh (Ảnh minh họa: Hà Nội Mới)

Việc giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho nhà trường là hướng đi đúng bởi người trực tiếp sử dụng SGK là giáo viên và học sinh (Ảnh minh họa: Hà Nội Mới)

Bà Phan Hương Giang, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thái Thịnh cho biết, ngay từ năm học đầu tiên áp dụng SGK mới, nhà trường đã yêu cầu tất cả giáo viên các khối lớp cũng tham gia nghiên cứu để theo dõi SGK liên tục qua từng năm học, từ đó nắm bắt xuyên suốt nội dung chương trình. Năm học tới được chủ động chọn SGK, quy trình được nhà trường thực hiện đúng theo quy định:

"Tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ họp với các giáo viên để thảo luận, sách được chọn đảm bảo có từ một nửa giáo viên trở lên bỏ phiếu. Trường hợp không đạt tỷ lệ này, tổ chuyên môn phải thảo luận, phân tích và bỏ phiếu lại. Các cuộc họp của tổ chuyên môn đều có biên bản, ghi đầy đủ ý kiến nhận xét, đánh giá SGK".

Tại trường THCS Vạn Phúc, Hà Đông, đại diện ban giám hiệu cho biết, việc nghiên cứu SGK lớp 9 mới đã được thực hiện và nhà trường cơ bản đã có quyết định với sự đồng thuận cao. Mỗi môn học lựa chọn sách của một bộ khác nhau, dựa trên kinh nghiệm giảng dạy thực tế và sinh hoạt định kỳ của tổ chuyên môn.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, quy trình nghiên cứu, lựa chọn, hồ sơ, báo cáo… cơ bản giống như các năm học trước, chỉ khác là các trường có quyền quyết định thay vì đề xuất đến hội đồng cấp tỉnh. Dự kiến tháng 4 tới, các trường sẽ hội ý lần cuối và bỏ phiếu, gửi kết quả để Phòng GD&ĐT tổng hợp và báo cáo Sở GD&ĐT:

"Phòng đã tổ chức họp hiệu trưởng và quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Thành phố, tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu sách, 100% giáo viên tham gia buổi họp. Phòng chỉ hướng dẫn quy trình thôi, lựa chọn sách nào là do giáo viên trong các tổ nhóm, và ban giám hiệu các trường cũng tôn trọng ý kiến giáo viên".

Để lựa chọn được bộ SGK phù hợp, tiêu chí quan trọng nhất là hướng đến lợi ích của học sinh (Ảnh minh họa)

Để lựa chọn được bộ SGK phù hợp, tiêu chí quan trọng nhất là hướng đến lợi ích của học sinh (Ảnh minh họa)

Tại phía Nam, ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, để duy trì sự ổn định, thống nhất, các trường ít có sự thay đổi về lựa chọn bộ sách trong các năm học kế tiếp. Các công ty sách cũng hỗ trợ để phụ huynh học sinh mua sách thuận lợi nếu mỗi môn học thuộc các bộ sách khác nhau:

"Sở GD&ĐT hướng dẫn các trường là các tổ chuyên môn phải đọc đầy đủ các bản sách của NXB đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, lưu ý là chọn cho học sinh chứ không phải chọn cho mình. Công ty sách, thiết bị trường học được bình ổn giá, các trường nếu được thì cho học sinh đăng ký, không bị sách lậu, sách giả và được giảm 5%. Tất nhiên là mình giới thiệu thôi, còn mua ở đâu thì tùy phụ huynh".

Dù các trường và cơ quan quản lý giáo dục đã có nhiều nỗ lực, song phụ huynh và học sinh vẫn không khỏi băn khoăn khi năm cuối đổi SGK cũng là năm học cuối cấp. Chị Nhữ Thị Hồng, ở Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ, chị muốn chuyển trường cho con gái học THPT nhưng không được vì mỗi trường chọn sách khác nhau và có tổ hợp môn học khác nhau:

"Về SGK, sau cuộc họp phụ huynh ở trường vừa rồi thì các chị rất là băn khoăn, ít nhiều xáo trộn, ảnh hưởng việc học của con. Con nhà chị đứng ở trong tốp học được của lớp nhưng học rất căng thẳng, thế nên những bạn học lực vừa cũng rất là khó. Chị cũng muốn chọn được bộ SGK làm sao phù hợp học lực chung của tất cả các con".

Nguyễn Quỳnh Như, học sinh lớp 11 Trường THPT Hoài Đức B bày tỏ: "Năm ngoái bọn cháu học bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, còn năm nay bọn cháu học hai bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều. Cháu thấy bộ sách Cánh diều nhanh hơn về phần hình học, còn bộ Kết nối tri thức nhanh hơn về phần đại số. Cháu thấy nếu học một bộ thì sẽ liền mạch hơn".

Chuyên gia giáo dục, TS. Giáp Văn Dương cho rằng, phụ huynh và học sinh không cần quá lo lắng bởi các bộ SGK đều được viết trên khung chương trình chung. Về tổng thể, những nội dung kiến thức lớn đều tương tự, nên việc chọn bộ SGK nào để giảng dạy không ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Năm học tới, các trường được chủ động chọn SGK sẽ khắc phục được những bất cập trước đó:

"Tiêu chí quan trọng nhất là hướng đến lợi ích của học sinh. Thứ hai là phù hợp đặc điểm riêng của giáo viên hoặc môn học tại nhà trường. Để chọn SGK tốt, giảm thiểu tiêu cực có thể có thì tôi cho rằng quan trọng nhất là quá trình lựa chọn SGK diễn ra công khai, minh bạch. Đặc biệt là có sự kiểm tra, giám sát để việc chọn sách không bị tác động bởi yếu tố thị trường, bán hàng của các công ty sách, NXB".

Góp ý thêm về việc lựa chọn SGK của các trường, PGS. TS. Trịnh Văn Minh, Trường đại học Giáo dục nhấn mạnh vào năng lực của giáo viên và sự giám sát của các cấp quản lý: "Đầu tiên phải bồi dưỡng năng lực cho giáo viên từng bộ môn. Cấp quản lý nhà nước, các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT cũng cần có những nguyên tắc, tiêu chí đặt ra. Vấn đề chuyên môn thì không thể can thiệp vào quá trình lựa chọn bộ sách này hay bộ sách khác, mà đưa ra những tiêu chí, nguyên tắc chung mang tính quản lý nhà nước". 

Quyết định chọn SGK dù ở cấp nào thì quy trình lựa chọn đều cần đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch (Ảnh minh họa)

Quyết định chọn SGK dù ở cấp nào thì quy trình lựa chọn đều cần đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch (Ảnh minh họa)

Hướng đến học sinh để chọn sách phù hợp

Chặng đường đổi mới SGK theo chương trình GDPT 2018 còn hơn một năm. Đây là khoảng thời gian quan trọng để giáo viên và các trường vừa triển khai nội dung còn lại, vừa đánh giá thực tế để đến năm 2025 sẽ có nhìn nhận tương đối đầy đủ về chương trình mới.

Đổi mới là cả một quá trình dài, để đạt được kết quả như mong muốn thì yếu tố then chốt là sự chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học, mà trong đó, cở sở đầu tiên là lựa chọn SGK phù hợp.

Đầu tiên, cần khẳng định việc giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho nhà trường là hướng đi đúng bởi người trực tiếp sử dụng SGK là thầy và trò. Mỗi trường có điều kiện khác nhau về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và năng lực học sinh. Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy là người hiểu rõ nhất về ngôi trường và học sinh của mình, có đủ khả năng để lựa chọn SGK phù hợp, đồng thời rút ngắn thời gian, chủ động cho việc in ấn, cung ứng sách.

Quy định tại Thông tư 27 năm 2023 của Bộ GD&ĐT là lần thay đổi thứ ba về chọn SGK, nhưng quyền quyết định được giao cho các trường là sự quay trở lại giống như năm học 2020-2021, năm đầu tiên áp dụng chương trình GDPT 2018. Sau đó, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, Bộ GD&ĐT lại quy định hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập.

Từ thực tế triển khai, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc lựa chọn SGK tại Thông tư 25 chưa chặt chẽ. Các địa phương khác nhau có cách triển khai khác nhau, dẫn tới nhiều nơi chậm công bố kết quả, ảnh hưởng việc cung ứng sách cho năm học mới. Việc giao quyền chọn SGK cho một số ít người (ở hội đồng cấp tỉnh) có thể khiến lựa chọn không sát thực tiễn, thậm chí tạo kẽ hở dẫn tới trục lợi.

Thực hiện Thông tư 25 trước đây, tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, các trường đã thành lập hội đồng chọn SGK và thực hiện quy trình tương tự hiện tại: việc nghiên cứu, nhận xét và đề xuất lựa chọn cũng từ giáo viên, tổ bộ môn, ban giám hiệu đến hội đồng thành phố.

Nhiều giáo viên cho biết cơ bản ý kiến được lắng nghe, nhưng họ vẫn bị động vì không có quyền quyết định cuối cùng. Do vậy, khi được đưa về trường, liên quan trực tiếp công việc thì giáo viên sẽ có tâm thế khác, trách nhiệm hơn trong việc nghiên cứu SGK và chuẩn bị tài liệu dạy học.

Việc chọn sách cần được duy trì ổn định, thống nhất trong nhiều năm để không làm xáo trộn việc dạy và học, đồng thời giúp học sinh có thể sử dụng lại SGK của anh chị... (Ảnh minh hoạ)

Việc chọn sách cần được duy trì ổn định, thống nhất trong nhiều năm để không làm xáo trộn việc dạy và học, đồng thời giúp học sinh có thể sử dụng lại SGK của anh chị... (Ảnh minh hoạ)

Trách nhiệm ở đây được thể hiện khi các tổ chuyên môn tiến hành thảo luận, lựa chọn. Giáo viên cần nêu rõ những ưu - nhược điểm của từng bộ sách khác nhau và lý do môn nào dùng sách của bộ nào, hay dùng chung một bộ sách cho tất cả môn học,…

Quyết định là ở cô thầy, nhưng cần đặt lợi ích của học sinh làm cơ sở lựa chọn. Kết quả học tập và khả năng lĩnh hội kiến thức của các em sẽ là thước đo chính xác nhất cho lựa chọn của giáo viên cũng như khẳng định năng lực của người dạy.

Việc chọn sách của các trường cũng cần được duy trì ổn định, thống nhất trong nhiều năm để không làm xáo trộn việc dạy và học, giúp học sinh có thể hệ thống được kiến thức trong suốt quá trình. Sự ổn định, thống nhất còn giúp các em có thể sử dụng lại SGK của anh chị, không chỉ có ý nghĩa ở góc độ tiết kiệm, tránh lãng phí, mà còn là ý thức bảo vệ môi trường, biết giữ gìn sách cũng là tôn trọng tri thức và công sức nuôi dạy của cha mẹ, cô thầy.

Tất nhiên, duy trì ổn định, thống nhất không đồng nghĩa bảo thủ. Nếu thực tiễn dạy học phát sinh khó khăn, bất cập thì các nhà trường cần lắng nghe, tham khảo ý kiến các chuyên gia, phụ huynh, đề xuất với các cấp quản lý để chọn lại bộ SGK phù hợp hơn.

Quyết định chọn SGK dù ở cấp nào thì quy trình lựa chọn đều cần đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Bộ GD&ĐT sẽ có các đoàn kiểm tra về việc chọn SGK tại các địa phương. Bên cạnh sự công tâm của lực lượng thực thi công vụ, cần phát huy vai trò của đại diện cha mẹ học sinh, những người có mặt trong hội đồng chọn SGK của cơ sở giáo dục. Dù không được can thiệp vào việc lựa chọn sách, nhưng phụ huynh có thể thẩm định quy trình đúng hay chưa thay vì phó mặc trách nhiệm.

Công tác truyền thông tới phụ huynh về bộ sách giảng dạy bằng chính trải nghiệm của thầy cô đứng lớp cũng cần được các nhà trường quan tâm, để cha mẹ an tâm và tin tưởng gửi gắm con em.

Cùng với việc đổi mới SGK, việc tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên cũng cần được thực hiện thường xuyên. Chỉ khi các thầy cô được trau dồi kiến thức chuyên môn, chủ động tìm kiếm thông tin, áp dụng nhiều nguồn học liệu khác nhau phục vụ việc soạn giáo án, phương pháp giảng dạy mới, thực sự khuyến khích học trò tìm tòi, sáng tạo, đọc nhiều sách, làm nhiều dự án bài tập,… thì lúc đó những mục tiêu đổi mới giáo dục được đề ra mới có thể thành hiện thực.

 

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra đời vào tháng 9

Đây là sản phẩm được ra đời từ quá trình hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với Diễn đàn Kinh tế thế giới và sẽ là trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 thứ 19 trên toàn thế giới

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5

Đến thời điểm này các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án, kế hoạch để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Làm đường sắt đô thị trên làn BRT, có hợp lý?

Thông tin Hà Nội sẽ thay buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Liệu Hà Nội có nên “khai tử” buýt nhanh BRT ở thời điểm hiện tại? Ai chịu trách nhiệm khi xóa bỏ dự án nghìn tỷ này? Lựa chọn lần này của Thành phố là đường sắt đô thị sẽ đi về đâu?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.