Hợp tác xã vận tải thời 4.0 (Bài 2): Tình trạng 'đánh trống ghi danh' và cái khó của chính quyền địa phương

VOVGT - Không ít HTX vận tải mới thành lập chủ yếu để lo thủ tục, giấy tờ và đăng ký phù hiệu xe hợp đồng cho xã viên như một hình thức "đánh trống ghi tên".

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Như bài viết trước đã đề cập, dù mô hình hợp tác xã vận tải có đóng góp không nhỏ vào thị trường vận tải hiện nay, song từ khi thực hiện thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử tương tự như Uber, Grab, số lượng hợp tác xã vận tải được thành lập mới tăng đáng kể.

Một số ý kiến cho rằng, không ít hợp tác xã vận tải mới thành lập chủ yếu để lo thủ tục, giấy tờ và đăng ký phù hiệu xe hợp đồng cho xã viên như một hình thức đánh trống ghi tên, còn việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn giao thông chưa thực hiện đầy đủ. 

>>> Hợp tác xã vận tải thời 4.0 (Bài 1): Đang đảm nhiệm vai trò gì?

Không ít hợp tác xã vận tải mới thành lập chủ yếu để lo thủ tục, giấy tờ và đăng ký phù hiệu xe hợp đồng cho xã viên như một hình thức đánh trống ghi tên (Ảnh nh họa)

Theo quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử, các doanh nghiệp như Uber, Grab chỉ được ký hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải mà không được ký hợp đồng trực tiếp với các cá nhân, tài xế. Từ thực tế này, thời gian qua, hàng loạt hợp tác xã vận tải được ra đời.

Dẫn báo cáo mới thực hiện gửi Thanh tra Chính phủ, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Tp.HCM cho biết, đây là một cơ hội làm bùng nổ số lượng hợp tác xã ở Hà Nội và Tp.HCM. Riêng tại Tp.HCM, theo thống kê, trước khi thực hiện thí điểm xe hợp đồng điện tử, toàn thành phố chỉ có vài chục hợp tác xã, nhưng sau hơn 2 năm đến nay, con số này đã lên tới trên 100 hợp tác xã.

Đáng chú ý, có những hợp tác xã có quy mô lên tới 5.000-6.000 xe, trong khi bộ máy gần như không hoạt động, thậm chí chỉ có vợ với chồng và 1 nhân viên thư ký chuyên thống kê, ghi chép. Theo ông Hỷ, đó là điều bất thường.

 

"Họ mất gì đâu, họ chỉ nhận hồ sơ, họ lên Sở GTVT nhận phù hiệu thế là họ có một khoản phí. Và nếu hình dung mỗi xe chỉ 1 triệu thôi, nếu họ chạy được 500 xe, họ được 500 triệu rồi, thậm chí vài nghìn xe họ có vài tỷ rất nhẹ nhàng. Rõ ràng đây là cơ hội, nhưng cơ hội này vô tình tạo ra sự bất lợi cho thị trường taxi nói chung".

Thừa nhận thực tế này, ông Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, trên nguyên tắc, bất cứ ai có phương tiện, đều có thể trở thành xã viên, khi gia nhập hợp tác xã. Đó cũng là lý do, khi loại hình vận tải công nghệ như Uber, Grab nở rộ, số lượng xã viên cũng tăng nhanh chóng.

Thực tế cũng cho thấy, trong 2 năm qua, gần 100 hợp tác xã vận tải đã được thành lập trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, không ít hợp tác xã được thành lập chủ yếu làm nhiệm vụ “lo” giấy tờ cho xã viên, như kiểu “đánh trống ghi tên”, bù lại xã viên ngoài những khoản phí bắt buộc theo quy định, sẽ phải nộp thêm những khoản phí để hợp thức hóa giấy tờ.

Điều này cho thấy, một số hợp tác xã đang tạo ra những nhóm lợi ích, khi họ có trong tay công cụ tư cách pháp nhân để thực hiện các thủ tục hành chính thay cho các cá nhân, hộ cá thể.

Ông Bùi Sinh Quyền cho biết thêm:

 

"Thực tế có tình trạng ông vừa là giám đốc hợp tác xã, vừa là lái xe luôn, không có nhiều. Cho nên dẫn đến những bất cập trong quản lý hợp tác xã vận tải".

Kết quả kiểm tra một số hợp tác xã vận tải do Sở GTVT Hà Nội thực hiện năm 2017 cũng cho thấy năng lực quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh vận tải chưa được tốt và họ cũng chưa thực hiện nghiêm một số quy định tại Nghị định 86 của Bộ GTVT về kinh doanh và điều kiện kính doanh vận tải bằng xe ô tô. Đặc biệt, các quy định về bãi đỗ xe, đóng bảo hiểm xã hội cho xã viên...

Về điều này, ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết:

 

"Công tác quản lý điều kiện kỹ thuật của phương tiện, quản lý lái xe chưa được thường xuyên và phương tiện sử dụng tham gia kinh doanh vận tải thí điểm chưa đúng với Quyết định 24 của Bộ GTVT, có những phương tiện vượt quá niên hạn theo quy định".

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, mặc dù Sở GTVT Hà Nội nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT dừng cấp phép mới cho các đơn vị tham gia thí điểm kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, song vẫn chưa được chấp thuận.

Điều này dẫn tới tình trạng một số doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải vẫn tiếp tục ra đời. Những người trong cuộc nói gì về thực trạng này; việc quản lý, điều hành hợp tác xã vận tải có những bất cập gì? Những nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo.