Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, cần gì để phát huy hiệu quả?

Ngày 18/7, Chính phủ đã chính thức công bố quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ để tìm kiếm một cách làm mới, tư duy mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn cho khu vực này.

Phóng viên VOV Giao thông có trao đổi nhanh với Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, Giảng viên trường Đại học Việt Đức xung quanh nội dung này.

PV: Thưa tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ để tìm kiếm một cơ chế mới nhằm phát triển khu vực Đông Nam Bộ nhanh, bền vững và hiệu quả hơn. Ông nhận định như thế nào về chủ trương này?

Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn: Đây là thời điểm chín muồi để thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Về bản chất, tất cả sự phát triển vùng về kinh tế xã hội, môi trường, cơ chế chính sách đều liên quan các Bộ ngành và địa phương trong vùng do đó người cầm chịch tốt nhất nên là người đứng đầu Chính phủ. Chính Thủ tướng đã đứng đầu hội đồng vùng, việc này thể hiện quyết tâm chính trị và cách điều phối hợp lý, đúng và trúng. Đối với Hội đồng vùng cái quan trọng nhất là tạo ra được các chính sách định hướng lớn, trọng yếu như hạ tầng liên kết vùng, chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng liên vùng.

Mặc dù là phân quyền về cho địa phương nhưng nếu có 1 tuyến đường đi qua 2 địa phương nhưng lại có cách làm khác nhau thì sẽ không giúp tạo ra dự án liên kết vùng. Hoặc những hạ tầng dù đặt ở 1 địa phương nhưng lại mang tác dụng cho toàn vùng ví dụ như cảng biển, sân bay thì quyết định của Hội đồng vùng sẽ định hình 1 khung vận hành.

Hội đồng Vùng vừa thực hiện vai trò có tính chất định hướng vừa theo dõi, kiểm tra đánh giá các bước tiến qua các giai đoạn, các năm. Đề hoàn thành được nhiệm vụ được giao, Hội đồng điều phối vùng cần hình thành danh mục các đầu việc, lộ trình triển khai, các bộ tiêu chí đánh giá về sự phát triển của vùng.

Duy trì tổng kết đánh giá 2 lần mỗi năm để rút kinh nghiệm việc làm được, chưa được kịp thời tháo gỡ vướng mắc, vừa giải quyết câu chuyện phát triển của tương lai vừa giải quyết các khúc mắc, thách thức, rào cản trong ngắn hạn.

Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ra đời để tìm kiếm một cách làm mới, tư duy mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn cho khu vực này. Ảnh: VGP

PV: Chúng ta đã nói rất nhiều về việc phối kết hợp giữa các địa phương, các bộ ngành khi triển khai các công việc. Việc hình thành Hội đồng vùng được xem là mở những nút thắt nêu trên, tuy vậy khi đi vào thực tế thì việc phối hợp sẽ vẫn là thử thách. Theo ông, Chính phủ và các địa phương cần có cách làm mới nào để thay đổi tư duy cũng như tạo ra cách làm tốt hơn?

Tôi cho rằng cần phải kết hợp phương pháp Topdown và Bottonup. Topdown tức là Chính phủ đứng đầu Hội đồng điều phối vùng còn Bottonup tức là nhu cầu phát triển phải bắt nguồn từ các địa phương như TP.HCM và các tỉnh thành xung quanh, do đó mỗi địa phương cần có 1 tổ công tác đặc biệt cho vấn đề này.

Mọi việc triển khai trong ngắn hạn và trung hạn phải bắt nguồn từ các địa phương đề xuất lên. Do đó sự phối hợp của Hội đồng vùng và các địa phương phải gắn chặt với nhau và không nên thông qua bất cứ 1 khâu trung gian nào khác thì sẽ nhanh hơn. nếu phải thông qua khâu trung gian nữa thì mất thời gian, đôi khi có những cái trục trặc trong quá trình thực hiện.

PV: Xin cám ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!