Hội chứng thần tượng

Mấy ngày qua, thông tin phạm nhân lĩnh án chung thân về tội giết người, cướp của trốn thoát khỏi nhà tù lần thứ 3 thu hút sự quan tâm của người dân, báo chí và đặc biệt trên mạng xã hội. Điều đáng nói, nhiều người tỏ ra rất thích thú với “thành tích” bất hảo này...

Họ dành những lời lẽ vui vẻ khi so sánh hành động của hắn ta với những bộ phim của Hollywood về đề tài vượt ngục. Nhiều người còn bày tỏ thiện cảm khi êu tả nụ cười của tên tội phạm này là “hồn nhiên” và “rạng rỡ” (?)

Trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng trăm bài chia sẻ với biểu cảm “nể phục” về trường hợp vượt ngục của tội phạm này. Và gần như không một ai liên hệ với hành vi giết người cướp của man rợ, mất tính người của hắn trong quá khứ, để vì tội ác này mà hắn phải lĩnh án tù chung thân.

Thậm chí, có tờ báo còn êu tả việc hắn trả lại tiền thừa cho người bán chè khi mua chè ăn trên đường chạy trốn, giống như một hành động tử tế và trung thực? Trong khi số tiền dùng để mua đồ đó là do hắn bán chiếc xe đạp ăn cắp trên đường trốn chạy.

Đối tượng Triệu Quân Sự, bị bắt lại sau lần vượt ngục thứ 3. (Ảnh: Quân đội)

Có lẽ mọi người vẫn nhớ về trường hợp một kiều nữ khoe ảnh chụp thân thể trần trụi của mình trước công chúng cách đây nhiều năm, và sau đó cô này trở nên nổi tiếng trong giới showbiz. Người ta 'đội' lên đầu cô chiếc vương ện và gọi cô là “nữ hoàng”.

Vậy là sau đó, cô điềm nhiên bước ra với hào quang của một nhân vật cao quý.

Người lớn thì tò mò lục tung mạng xã hội để xem ảnh khoả thân của cô. Còn trẻ con thì thần tượng và chỉ mong lớn lên có được đại gia nâng đỡ, kiếm được nhiều tiền như cô gái ấy. Mà chả cần phải học hành gì cho mệt?

Từ hành động khoe thân, cô trở thành một biểu tượng sắc đẹp, thậm chí fanpage của một đơn vị chuyên tổ chức thi hoa hậu cấp quốc gia cũng liên tục có những bài viết so sánh các hoa hậu nhà nước với “nữ hoàng nội y” này?

Truyền thông còn vậy, thì cũng dễ hiểu khi trẻ nhỏ thần tượng cô với năng lực kiếm tiền giỏi tự thân mà chẳng cần phải học hành vất vả.

Rồi thần tượng cả những đối tượng giang hồ, tội phạm, những tay anh chị ngoài xã hội. 

Nếu có khi nào chẳng may chúng ta lạc vào một đám đông thiếu niên còn đang mặc đồng phục nhà trường, chắc hẳn nhiều người sẽ phải đỏ mặt vì ngôn ngữ của họ. Những lời văng tục, những câu chửi thề, nói đệm… được lớp trẻ ngày nay sử dụng một cách hết sức tự nhiên và nhuần nhuyễn.

Giống như tất cả lời nói bình thường hằng ngày của họ. Thậm chí họ còn không coi đấy là nói tục, chửi bậy.

Những đứa trẻ, với sự chiều chuộng, bao bọc của bố mẹ, sẵn sàng bỏ một số tiền lớn bằng cả tháng lương của một công chức nhà nước để mua một đôi giày hiện đang là mốt trong giới trẻ, mà không hề suy nghĩ.

Họ chỉ cần biết rằng, ta phải có món đồ này, càng độc, càng lạ, càng đắt tiền càng tốt. Rồi sau đó tự hào khoe lên mạng xã hội với chúng bạn để mong nhận được sự vị nể, những lời khen ngợi sành điều của bạn bè. Không cần biết, số tiền đó là do chính sự lao động vất vả của bố mẹ chúng để có được.

Những đứa trẻ, chỉ cần một câu nói của bạn không vừa tai, sẵn sàng hẹn nhau ra tỷ thí;

Những đứa trẻ, chỉ cần thấy một đứa bạn không vừa mắt, sẵn sàng vác hung khí đánh hội đồng bạn cho đến trọng thương… mà không cần biết, không cần quan tâm đến hậu quả;

Những đứa trẻ sẵn sàng bỏ nhà ra đi khi không vừa lòng với những lời giáo huấn của cha mẹ;

Hay thậm chí, có những đứa trẻ sẵn sàng từ bỏ tính mạng mà cha mẹ mình đã đau đớn, dứt ruột sinh ra mình chỉ vì một vài câu nói của người thân…

Hội chứng thần tượng, ở đất nước nào, thời điểm nào, nền văn hoá nào cũng có, những tôn thờ sai thần tượng, thậm chí còn làm hỏng cả một thế hệ con người.

Trong việc này, trách nhiệm thuộc về cha mẹ, về nhà trường… nhưng cũng là một phần lớn ở sự dễ dãi của truyền thông ngày nay. Khi họ chỉ vì những lượng view, lượng truy cập để tăng vị thế “ảo” trên thị trường.

Họ chỉ quan tâm đến việc đưa những “tin tức” nóng, sớm nhất mà làm trái đi chức năng cơ bản của báo chí, đó là phụng sự cho xã hội, mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.