“Hoa hồng”, lòng tham và cơ chế

Tháng 6/2021, có một thông tin đáng chú ý từ phiên xử phúc thẩm vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Tòa cho biết, đã nhận đơn của CDC khắp các tỉnh thảnh cả nước xin giảm nhẹ hình phạt cho nguyên giám đốc CDC Hà Nội và cấp dưới. Đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

 

VOV Giao thông từng phân tích, việc xử lý thần tốc sai phạm tại CDC Hà Nội (nâng khống gói thầu mua máy từ hơn 4 tỷ đồng theo giá thị trường lên trên 9 tỷ đồng) được coi là một hình thức phạt làm gương, “bêu giữa ba quân”, mục tiêu khiến những người vi phạm khác tự giác dừng hành vi và khắc phục hậu quả.

Dù sau vụ án, một hiệu ứng dono xảy ra khi hầu hết các tỉnh thành đều điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng đấu thầu, nhưng đến nay, sau đúng 1 năm, chuyện cũ không những lặp lại mà còn lan rộng. 2 cựu Bộ trưởng và hơn 60 cán bộ, trong đó có cả người kế nhiệm Giám đốc CDC Hà Nội đã bị bắt vì liên quan vụ án nâng khống giá kit test Việt Á.

Mấu chốt trong các vụ án này đều xoay quanh hai chữ “Hoa hồng” – một dạng chi phí “lại quả”, hối lộ được các bên thống nhất, thường là bên trúng thầu chia tỉ lệ phần trăm nhất định trên tổng giá trị gói thầu cho người phê duyệt.

Đương nhiên, muốn đẩy “hoa hồng” đậm hơn, thì các bên phải nâng khống giá trị hợp đồng lên càng cao. Đây là một hình thức rút ruột ngân sách nhà nước, tiền thuế của nhân dân.

Có thể hiểu được tâm lý của CDC các tỉnh khi nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho đồng nghiệp. Bởi lẽ, những người này hiểu, từ trước sự kiện CDC Hà Nội, việc đấu thầu vật tư ở các đơn vị công lập, không riêng gì ngành y mà các lĩnh vực khác nữa, gần như luôn phải có chi phí “bôi trơn”, hoa hồng.

Lý do có thể thấy tại khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): gần 60% doanh nghiệp quan niệm, chi hoa hồng là luật bất thành văn. Nếu không sẽ bị hoạch họe, lập rào cản bởi các thủ tục, ảnh hưởng tiến độ và gây thiệt hại lớn hơn khoản chi này.

Trên 35% doanh nghiệp ngỏ ý sẵn sàng chi số tiền này và tự động thực hiện, không chờ gợi ý từ người tiếp nhận hồ sơ.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu xử lý rốt ráo, “cơn bão” chống hối lộ, tham nhũng sẽ lan ra cả nước. Dường như nó đang dần trở thành sự thật, và càng cho thấy tình trạng nghiêm trọng, thâm căn cố đế của vấn đề.

Thực tế, tham nhũng là điều khó tránh ở mọi quốc gia. Nó là hiện tượng kinh tế xã hội rất phổ biến đi liền với hình thái nhà nước, khi tài sản công, quyền lực tập trung vào một số người, khi cơ chế xin-cho vẫn tồn tại một cách mặc định trong quan hệ giữa công chức, người nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Không thể triệt tiêu tham nhũng, nhưng có thể hạn chế nó đến mức ít gây ảnh hưởng nhất cho đời sống xã hội.

Có một phát ngôn rất đáng chú ý của một vị Bộ trưởng những ngày gần đây trước Quốc hội, đại ý là trong thời điểm này, không ai dám làm sai. Một câu nói mà nếu hiểu theo nghĩa tiêu cực, có nghĩa trước đây, biết là sai nhưng nhiều người vẫn vận dụng để làm sai.

Những cán bộ đã bị bắt, những cán bộ làm sai nhưng chưa bị lộ, tất cả buộc phải kinh qua nhiều vị trí, chức vụ, được tổ chức Đảng, đoàn thể tín nhiệm, đã được rèn luyện về bản lĩnh, đạo đức mới vươn lên được vị trí cao.

Vì vậy, giải pháp trông mong vào sự trong sáng, lương tâm cá nhân vào lúc này là điều không thể.

Lòng tham luôn nảy sinh khi có điều kiện. Công cụ nh bạch hóa cơ chế, quy trình, triệt tiêu những điểm mờ, môi trường dung dưỡng lòng tham nảy nở cần được nhìn nhận như một giải pháp bền vững.

Không phải vô cớ, hiện nay nhiều bệnh viện thiếu thuốc, trang thiết bị vì giám đốc không dám đấu thầu vật tư. Nhiều người viện dẫn quy định đang vướng, cần gỡ khó cho đấu thầu y tế.

Nhưng cũng cần đặt ngược lại vấn đề, trước sự kiện CDC Hà Nội, không phải “hoa hồng” vẫn tồn tại đó sao? Và các bệnh viện đâu thiếu thuốc?

Phải chăng do vấn đề khó nói là “hoa hồng” đang bị “soi chiếu” gắt gao? Nếu cứ làm theo “luật bất thành văn” là sẽ bị khởi tố? Còn làm theo đúng quy định, đúng lương tâm, không xin-cho, không lại quả thì lại… “khó”!?

Cơn địa chấn mang tên Việt Á là một dịp hiếm có để hệ thống chính trị, các nhà làm luật nhìn nhận lại các quy định, cơ chế và cả con người.

Chúng ta có thực sự muốn vá những lỗ hổng ấy không? Chúng ta đã tạo ra được cơ chế đủ mạnh bảo vệ ngân khố quốc gia, ngăn chặn những hành vi sai trái ngay từ khi họ muốn làm sai?

Hoa hồng, tham nhũng sẽ luôn lộng hành, khi cơ chế không thể khống chế được lòng tham.